Lộ trình áp dụng IFRS với các doanh nghiệp như thế nào?

Hoàng Oanh 13/04/2019 00:19

Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam (IFRS) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi nhằm hướng đến hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán.

Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế  IFRS cũng góp phần tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành tại doanh nghiệp cũng như việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng trong giai đoạn mới. 

Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Theo dự thảo Đề án, từ năm 2019 đến hết năm 2021, Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Đề án để đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng IFRS từ năm 2022, như: công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các hướng dẫn áp dụng IFRS…

Lộ trình triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế  IFRS  được thực hiện theo 2 giai đoạn.

Cụ thể: Giai đoạn 1, từ năm 2022 đến 2025 sẽ được triển khai với những nội dung gồm: Đối với báo cáo tài chính hợp nhất, một số doanh nghiệp từ nhóm các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện hoặc do Bộ Tài chính lựa chọn thực hiện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất như: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, Công ty niêm yết, Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết, Các công ty mẹ khác có nhu cầu và nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS.

Có thể bạn quan tâm

  • Áp dụng IFRS: Minh bạch

    Áp dụng IFRS: Minh bạch "sức khỏe" doanh nghiệp

    00:02, 04/03/2019

  • Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS): Công cụ huy động vốn hiệu quả

    Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS): Công cụ huy động vốn hiệu quả

    00:58, 23/02/2019

Đối với báo cáo tài chính riêng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính riêng. Khi áp dụng IFRS doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát về việc xác định nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp tự nguyện hoặc được lựa chọn áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính riêng sẽ không phải lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).

Giai đoạn 2, từ sau năm 2025 sẽ được triển khai với các nội dung như: Đối với báo cáo tài chính hợp nhất, doanh nghiệp bắt buộc lập báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS, gồm tất cả các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước, tất cả các công ty niêm yết, các công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết, các công ty mẹ khác không thuộc đối tượng bắt buộc nêu trên được khuyến khích tự nguyện áp dụng IFRS cho báo cáo tài chính hợp nhất.

Trên cơ sở đánh giá kết quả áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế để quy định thời điểm và lộ trình bắt buộc áp dụng IFRS cho từng nhóm đối tượng cụ thể, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.

Đối với báo cáo tài chính riêng, các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện hoặc được Bộ Tài chính lựa chọn áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính riêng như: Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhu cầu, đủ nguồn lực để áp dụng IFRS; Các doanh nghiệp khác có nhu cầu, đủ nguồn lực để áp dụng IFRS; Khi áp dụng IFRS doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát về việc xác định nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp bắt buộc hoặc tự nguyện lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính riêng theo IFRS sẽ không phải lập báo cáo tài chính hợp nhất theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).

Theo ông Vũ Đức Chính, Cục Trưởng, Cục Quản lý Giám sát Kế toán - Kiểm toán (Bộ Tài chính), việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo để đưa ra các quyết định quản lý, điều hành và đầu tư. báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam có thể so sánh được với các doanh nghiệp khác trên thế giới.

Đồng thời, do IFRS được thừa nhận và áp dụng rộng rãi nên sẽ giúp người sử dụng báo cáo tài chính có thể so sánh tình hình và kết quả tài chính của các doanh nghiệp giữa các quốc gia khác nhau một cách dễ dàng hơn do báo cáo tài chính của các công ty được lập dựa trên cùng một hệ thống chuẩn mực nên giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế.

"Việc áp dụng IFRS cũng giúp các tổ chức quốc tế có thêm căn cứ để công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đàm phán quốc tế về kinh tế, tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài về Việt Nam..." - ông Vũ Đức Chính cho hay.

Hoàng Oanh