HVG vỡ mộng “ngôi vương”

Hà Phương 21/06/2019 15:02

Khó khăn chồng chất, gánh nặng nợ vay lớn khiến cho giấc mộng doanh thu 20.000 tỷ đồng ngày càng trở nên xa vời với CTCP Hùng Vương (HoSE: HVG).

Trong khi HVG đang quằn quại cơ cấu nợ để vượt qua khó khăn, thì các doanh nghiệp cùng ngành khác như Vĩnh Hoàn, Nam Việt… đều báo lãi lớn.

p/Các chỉ tiêu tài chính của HVG

Các chỉ tiêu tài chính của HVG

Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

HVG từng mạnh tay thâu tóm các doanh nghiệp trong ngành nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín. Song, đến giai đoạn toàn ngành cá tra đi vào khủng hoảng, HVG rơi vào vòng xoáy chật vật dòng vốn, áp lực nợ vay gia tăng, lợi nhuận lao dốc mạnh. Riêng niên độ 2016- 2017, HVG lỗ tới gần 713 tỷ đồng.

Chưa dừng tại đó, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019 đã kiểm toán của HVG cho thấy doanh thu giảm mạnh từ 5.043 tỷ đồng về chỉ còn 2.885 tỷ đồng. Theo đó, HVG lỗ 134 tỷ đồng.

Đặc biệt, các chuyên gia kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2019 gần 528 tỷ đồng, và lỗ thuần trong kỳ kế toán 6 tháng kết thúc cùng ngày là 112 tỷ đồng. Điều này cùng với gánh nặng nợ vay, khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HVG.

Tổng nợ hiện nay của HVG ghi nhận gần 6.630 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 6.481 tỷ (chiếm 93% tài sản ngắn hạn) và nợ dài hạn 149 tỷ đồng. Hiện HVG đang vay nợ nhiều nhất tại BIDV với hơn 1.935 tỷ đồng, Vietcombank với 602 tỷ, HDBank 169,5 tỷ cùng một số khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng khác. Trong đó, nợ đến hạn trả của HVG hơn 54,5 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • "Vua cá tra" HVG thua lỗ vì liên doanh?

    11:30, 13/06/2019

  • HVG đón nhận một “kỷ niệm buồn”?

    HVG đón nhận một “kỷ niệm buồn”?

    11:15, 27/04/2019

  • Cổ phiếu HVG xuống đáy vì đâu?

    Cổ phiếu HVG xuống đáy vì đâu?

    04:30, 29/06/2018

  • Lỗ chồng lỗ ở HVG

    Lỗ chồng lỗ ở HVG

    04:30, 09/06/2018

Thoái vốn để cơ cấu nợ

Thực hiện hàng loạt thương vụ M&A với mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành, đã đẩy HVG rơi vào vòng xoáy nợ nần. Bởi vậy, HVG đã thực hiện thoái vốn tại một loạt công ty con để cơ cấu nợ vay.

Giữa năm 2017, HVG giải thể CTCP Địa ốc An Lạc. Năm 2018, doanh nghiệp này tiếp tục thoái vốn tại CTCP Thực phẩm Sao Ta và CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, đồng thời đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả.

6.619
tỷ đồng là tổng số nợ phải trả của HVG tính đến giữa niên độ 2018- 2019, tăng khoảng gần 3% so với niên độ trước.

Để tiếp tục cơ cấu nợ vay, HVG dự kiến thoái toàn bộ số vốn góp tại CTCP Thủy sản Hùng Vương Bến Tre, giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Thủy sản An Giang (AGF) xuống dưới 50%; đồng thời sẽ thoái toàn bộ vốn cổ phần tại CTCP Hùng Vương Sông Đốc.

Mặc dù ráo riết thanh lý, thoái vốn, bán tài sản nhưng HVG vẫn còn mất cân đối tài chính, trong đó Kiểm toán nhấn mạnh khả năng hoạt động kinh doanh của HVG lúc này phụ thuộc vào khả năng sắp xếp được dòng tiền và có lợi nhuận trong tương lai cũng như tái cơ cấu các khoản nợ ngân hàng.

Thách thức hoạt động

Theo dữ liệu từ sàn chứng khoán niêm yết, quy mô tổng tài sản của HVG giảm gần 50% so với thời đỉnh cao. Tổng tài sản tính đến ngày 31/3/2019 của HVG hơn 8.636 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 6.823 tỷ đồng đang "dồn" tại khoản phải thu với 4.610 tỷ đồng cùng với 1.784 tỷ đồng hàng tồn kho. HVG đã gia tăng trích lập dự phòng với hai khoản mục này.

Bên cạnh đó, doanh thu và lợi nhuận của HVG chịu nhiều ảnh hưởng từ sự biến động của hai cặp tỷ giá USD/VND và EUR/USD. Về mặt tích cực, HVG sẽ thu được khoản chênh lệch tỷ giá. Về mặt tiêu cực, nguyên liệu chính chiếm tỷ trọng từ 50-60% trong chế biến thức ăn dành cho cá tra được các công ty con của HVG nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, nên biến động tỷ giá sẽ gián tiếp làm gia tăng giá thành cá tra nguyên liệu đối với các nhà máy chế biến của HVG

Ngoài ra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017. Theo đó, mức thuế cuối cùng của POR14 được áp với HVG là 3,87 USD/kg, mức cao nhất trong số các công ty xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Mức thuế này làm giảm cạnh tranh của HVG vào thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam là Mỹ, sau Trung Quốc.

Thách thức với cá tra Việt

Theo VASEP, trong hai tháng 2 và 3/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm lần lượt 22,8% và 44,4%. Do đột ngột giảm mạnh nên Mỹ vốn được dự báo là thị trường xuất khẩu hàng đầu của doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 3 (sau EU) đạt 71,16 triệu USD trong quý 1/2019, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 15,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong quý 1/2019.
Với mức thuế mà Bộ Thương mại Mỹ đã công bố theo đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14), xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ còn sụt giảm tiếp.

Trong khi đó, việc nuôi cá tra tại Việt Nam hiện phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh khá cao; chất lượng con giống vẫn chưa được bảo đảm; quy mô sản xuất nhỏ lẻ… Đây sẽ là những rào cản khiến ngành hàng này gặp khó trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cá tra Việt Nam được đánh giá có nhiều dư địa tăng xuất khẩu vào Trung Quốc khi vừa qua quốc gia này đã phê duyệt cho 33 mặt hàng thủy sản được miễn thuế vào nước này, trong đó có mặt hàng cá tra.

Trước bối cảnh đó, giới chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cá tra cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết tất cả công đoạn của chuỗi giá trị để gắn kết sản xuất với tiêu thụ, kịp thời thông tin về thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp. Các địa phương vùng ĐBSCL cũng cần đánh giá thực trạng liên kết chuỗi ở địa phương, từ đó có giải pháp vận động người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi, không để xảy ra tình trạng tự phát tăng diện tích nuôi vượt kiểm soát.

Hà Phương