Vinatex “đuối sức” đường trường
Từng là “ông lớn” trong ngành dệt may, nhưng với bộ máy cồng kềnh và quản lý theo tư duy cũ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) đang dần “đuối sức” trong cuộc đua ngày càng gay cấn.
Vinatex sở hữu 15 công ty con và 19 công ty liên kết và giữ vị trí dẫn đầu ngành dệt may với năng suất 133.395 tấn sợi, 260 triệu m2 vải và 330 triệu đơn vị may mặc hàng năm.
Hiệu quả kinh doanh thấp nhất ngành
Vinatex đang chiếm 95,5% sản lượng sợi, 42,3% sản lượng xơ cứng, 25,7% sản lượng vải và 20% sản phẩm nhuộm cả nước. Năm 2019, Vinatex chiếm 1,9% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước, tính tổng các đơn vị có vốn góp của Vinatex là 10%.
Có thể nói, việc sở hữu chuỗi cung ứng hoàn thiện đã giúp Vinatex phát triển theo hướng giảm gia công thuần túy, tận dụng lợi thế từ chuỗi giá trị để hưởng lợi thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của Vinatex lại thuộc nhóm kém nhất ngành dệt may. Mặc dù có giá trị vốn hóa 2.000 tỷ đồng, nhưng các chỉ số ROA và ROE trong 3 năm gần đây ở mức rất thấp, chỉ từ mức 2- 5%. Trong khi đó, các chỉ số này của May Việt Tiến là 29%, TNG là 25%, May Thành Công 22%, nhưng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp này đều dưới 1.000 tỷ đồng.
Trong khi thị phần Vinatex xoay quanh các thị trường truyền thống thì các doanh nghiệp cùng ngành đã bứt phá tìm các đơn hàng mới. Chẳng hạn TNG, May Thành Công… đã và đang khai thác các thị trường Mỹ, Nhật và gia công cho các hãng thời trang có tên tuổi như HM, Zaza, Valentino…
Chưa thể thoái vốn Nhà nước
Hiện Nhà Nước đang nắm giữ 53,49% vốn tại Vinatex. Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà Nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020, Vinatex đã được chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và chờ đợi thực hiện lộ trình thoái vốn trong năm nay.
Đến nay, Vinatex đang trong giai đoạn đánh giá giá trị doanh nghiệp lần 2 trước khi thực hiện thoái vốn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Vinatex không thuộc danh sách các doanh nghiệp bắt buộc thoái vốn theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg và chưa có thông tin cụ thể về số vốn dự kiến sẽ thoái cũng như giá bán.
382
tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, giảm tới 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Vinatex có tài sản cực kỳ lớn với quyền sử dụng đất có giá trị cao từ các nhà máy, nhà xưởng và văn phòng làm việc có vị trí “vàng” ở Hà Nội và TP.HCM. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Vinatex nhận được nhiều sự quan tâm của các công ty và tập đoàn phát triển bất động sản.
Có thể bạn quan tâm
Vinatex: Lợi nhuận tăng đột biến trong năm 2018
18:30, 27/12/2018
3 "nguyện vọng" của Vinatex khi chuyển từ Bộ Công Thương về SCIC
05:55, 24/11/2018
Vinatex đạt 51,2% kế hoạch năm 2018
16:41, 30/07/2018
Đại gia chi nghìn tỷ mua cổ phần Vinatex là ai?
16:00, 09/04/2018
Những thương vụ thoái vốn nhà nước đình đám năm 2018 (Kỳ 9): Vinatex gặp "khó" khi thoái vốn đầu tư ngoài ngành
06:30, 21/03/2018
Với những khuất tất trong thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp có đất vàng trong thời gian qua, thì việc thoái vốn Nhà nước tại Vinatex không hề đơn giản. Hơn nữa, doanh nghiệp này có vai trò quan trọng trong ngành dệt may, nên việc thoái vốn Nhà nước sẽ diễn ra chậm chạp.
Thách thức không nhỏ
Ông Nguyễn Văn Bình- Chuyên gia phân tích MBS, cho rằng, bộ máy quản lý cồng kềnh, đặc biệt ở Công ty mẹ Vinatex, khiến cho biên lợi nhuận của doanh nghiệp rất thấp, đây là một nhược điểm rất lớn của DNNN nói chung và Vinatex nói riêng. Đặc biệt, việc đầu tư nhiều dự án và dàn trải ở nhiều công đoạn của chuỗi giá trị dệt may, khiến các dự án đầu tư này kém hiệu quả trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. “Vinatex hiện đang đầu tư xây dựng chuỗi nhà máy Sợi Nam Định và Nhà máy Liên hợp Sợi – Dệt – Nhuộm – May tại Quảng Nam, được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất trong thời gian tới”, ông Bình cho biết.
Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực, chiếm khoảng 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp trên 10% giá trị sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, có 65% doanh nghiệp gia công, sản xuất nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu.
Ngành dệt may hiện đang bộc lộ sự mất cân đối trong các công đoạn sản xuất, mạnh về khâu gia công xuất khẩu nhưng lại yếu và thiếu ở khâu dệt nhuộm, khiến vải không đủ phục vụ may (trên 70% vải là nhập khẩu). Đây chính là thách thức lớn cho ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng.
Nếu vẫn giữ vững tư duy quản lý cũ và tiến trình thoái vốn Nhà nước chậm chạp, thì Vinatex sẽ tiếp tục “đuối sức” đường trường trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới ngày càng biến động khó lường.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh của Vinatex quá thấp khiến thị trường yêu cầu mức chiết khấu khá cao đối với cổ phiếu VGT so với quy mô doanh nghiệp. Do đó, sau khi tăng đột biến vào năm 2018, giá cổ phiếu VGT giảm nhanh về dưới 10.000đ/cp, chỉ bằng 88% so với giá trị sổ sách ban đầu.
Sức ép ngành dệt may Việt Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định thương mại tự do, như CPTPP, EVFTA... Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi từ các FTA mang lại thì ngành dệt may phải đáp ứng nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ từ vải, sợi, trở đi. Trong khi đó, nhà máy nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm trong nước còn thiếu hụt, ngành dệt may chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp dệt sợi gần như không xuất khẩu được sợi sang Trung Quốc. Cụ thể, ngành dệt sợi xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 2,4 tỷ USD, nhưng nay không xuất được. Nguyên nhân do Trung Quốc đang mua với giá rất thấp, nên doanh nghiệp không thể bán. Trong khi Việt Nam không thể xuất khẩu được sợi sang Trung Quốc, thì Trung Quốc lại khuyến khích doanh nghiệp của họ xuất khẩu sợi ngược trở lại Việt Nam, nhất là khi đồng Nhân dân tệ đang giảm mạnh như hiện nay. Một thách thức nữa là hiện nay Việt Nam xuất khẩu 40 tỷ USD/năm, trong đó có đến 42% vào thị trường Mỹ nhưng khâu thanh toán hiện gặp nhiều áp lực. Ngoài ra, Mỹ cũng giám sát chặt chẽ hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ vì lo ngại hàng dệt may Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ. |