Tăng trưởng xanh - Nghịch lý kinh tế và môi trường?
Khu công nghiệp xanh đang được xem là “mốt” trong xu thế hiện nay. Các địa phương, các nhà đầu tư đang tích cực đẩy mạnh xây dựng và phát triển các khu công nghiệp xanh.
“Nóng” tăng trưởng xanh
Nam Cầu Kiền là Khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của Hải Phòng thí điểm xây dựng KCN sinh thái. Trên tổng diện tích đất quy hoạch 263,47ha, KCN Nam Cầu Kiền đã có đầy đủ hệ sinh thái doanh nghiệp phù hợp với định nghĩa tiêu chuẩn của KCN sinh thái thế giới.
Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch công ty cổ phần Shinnec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho biết, "chúng tôi đã tìm hiểu thực tế và học hỏi kinh nghiệm của các mô hình KCN sinh thái ở nhiều nước tiên tiến như: Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Qua tìm hiểu các mô hình, KCN Nam Cầu Kiền xác định chọn Mạng lưới Ecotown của thành phố Kitakyushu – Nhật Bản để học hỏi phát triển xây dựng mô hình KCN sinh thái. Tháng 4/2019, chúng tôi đã đưa cán bộ phụ sang tham quan, học hỏi kinh nghiệm với Cục Môi trường Kitakyushu. Sau đó, đại diện KCN Nam Cầu kiền cùng lãnh đạo của 11 nhà đầu tư trong KCN đã sang thăm thành phố Kitakyushu tham quan mô hình Mạng lưới Ecotown và một số cơ sở tái chế rác thải, làm việc với Trung tâm giảm thiểu Carbon khu vực Châu Á thành phố Kitakyushu thuộc Cục Môi trường Kitakyushu để nhờ hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật giúp Nam Cầu Kiền xây dựng KCN sinh thái".
Ông Phạm Hồng Điệp cho biết thêm, đấu ấn năm 2020 của KCN Nam Cầu Kiền sẽ là một vườn Nhật được hình thành tại khu vực nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN. Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2020
Hải Phòng hiện có gần chục KCN. Hiện nay mục tiêu của thành phố này là phát triển các KCN xanh, sạch. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, Hải Phòng tập trung thu hút đầu tư có lựa chọn. Đã nhiều dự án muốn đầu tư vào Hải Phòng nhưng không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường nên đã bị từ chối.
Theo ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng, Nam Cầu Kiền là một trong những dự án thúc đẩy phát triển xanh của thành phố đặc biệt quan trọng, qua đó nếu thành công sẽ là mô hình điểm để xây dựng các Khu công nghiệp khác.
Năm 2014, Hải Phòng có “Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh của thành phố Hải Phòng” với sự hỗ trợ kỹ của Kitakyushu. Đến nay, nhiều dự án thí điểm trong kế hoạch đã được triển khai và cho kết quả tốt. Nhiều lĩnh vực như: xử lý rác thải; môi trường; giao thông; cấp thoát nước; sản xuất xanh,... cùng một số dự án: tái tạo kênh đào Tây Nam, ứng dụng lò điện hiệu suất cao cho nhà máy đúc; Dự án thu hồi nhiệt thải tại nhà máy xi măng,...Trong đó nổi bật nhất về tính cấp thiết và khả thi là Dự án sản xuất phân Compost tại Hải Phòng.
Theo tiến sĩ Koji Tatakura – chuyên gia phân bón thành phố Kitakyushu: “Tôi đã đi rất nhiều thành phố trên thế giới và nhận thấy rác thải hữu cơ luôn là vấn đề lớn. Nhiều quốc qua đã và đang thực hiện nhưng không phải nơi nào cũng thành công. Rác thải hữu cơ chiếm khoảng 50% rác thải của các hộ gia đình, là nguyên nhân gây mùi rất khó chịu, đặc biệt vào mùa hè. Rác thải hữu cơ nếu không được kiểm soát sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, qua hoạt động của côn trùng sẽ mang mầm bệnh phát phát tán, mất an toàn thực phẩm, lây nhiễm bệnh tật. Để giảm thiểu ô nhiễm do loại “rác thải tươi” này chúng ta nên tiếp cận theo hướng coi nó là nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ cung cấp cho nông nghiệp sạch”.
“Chúng tôi đã tiến hành phân loại và sản xuất phân Compost thành công với công suất 70 tấn rác hữu cơ mỗi ngày tại khu xử lý chất thải Tràng Cát, tuy nhiên để áp dụng sản xuất trên diện rộng, khâu cốt lõi phải là phân loại rác thải tại nguồn, tiếp đó là đầu tư hệ thống thu gom, việc này cần sự phối hợp đồng bộ trong các khâu tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và đầu tư hạ tầng” - ông Koji Tatakura nhấn mạnh.
Nghịch lý
Bài toán được đặt ra là làm sao vừa phát triển công nghiệp vừa có thể bảo vệ môi trường. Không thể phát triển mạnh công nghiệp nhưng suy thoái về mặt môi trường. Vì thế, tại các địa phương cũng như các nhà đầu tư đang tích cực đẩy mạnh xây dựng và phát triển các khu công nghiệp sinh thái.
Hầu hết các nhà xưởng sản xuất trong các khu công nghiệp ở Việt Nam chưa có hệ thống xử lí nước thải phù hợp. Theo đó gây nên tình trạng ứ đọng và làm cho nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân xung quanh khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt. Vì thế, việc cung cấp hệ thống làm sạch để kiểm tra và tái sử dụng là rất cần thiết.
Hệ thống cấp thoát nước cũng cần được đầu tư hiện đại và quy mô hơn. Vì các khu công nghiệp thường sử dụng các loại máy móc, xe cộ và nhà xưởng thải ra nhiều chất thải: rắn, lỏng và khí. Cho nên, ở khu công nghiệp xanh cần hạn chế số lượng chất độc hại ra môi trường.
Một phần quan trọng trong mục tiêu tạo ra một khu công nghiệp xanh, đó là tạo ra một cảnh quan với phong cách sống xanh. Điều này xóa bớt sự khô cứng và nhàm chán thường thấy ở rất nhiều khu công nghiệp khác. Cụ thể là phát triển nguồn cảnh quan cây xanh, thảm cỏ, hồ nước quanh nhà xưởng. Một thảm thực vật xanh sẽ làm giảm tiếng ồn, giảm độ nóng của các công xưởng và lượng khí thải ra bên ngoài. Từ đó mang lại nguồn không khí sạch trong môi trường làm việc. Giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và giúp cân bằng lại sự biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn giúp nâng cao tinh thần làm việc và ngăn ngừa các bệnh về hô hấp.
Một tiêu chí khác trong công cuộc đổi mới nữa là xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp. Công nhân có thể tự do di chuyển tới nơi làm việc dễ dàng. Đồng thời, có những biện pháp, phương tiện cho việc phòng cháy chữa cháy hiệu quả. Nhờ vậy mà người lao động có thể an tâm làm việc và sinh sống.
Việc xây dựng các khu công nghiệp theo tiêu chuẩn “xanh” không hề là điều dễ dàng trong một thời gian ngắn. Bên cạnh những thuận lợi, những khó khăn thử thách cũng được đặt ra. Tuy nhiên, từng địa phương, từng doanh nghiệp và cá nhân đang tích cực góp phần để đẩy mạnh quá trình phát triển khu công nghiệp xanh trở nên bền vững và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng quyết tâm xây dựng KCN sinh thái bền vững
13:00, 05/06/2019
Doanh nghiệp dệt may và trách nhiệm phát triển xanh
11:56, 25/07/2019
Bình Thuận có đủ cơ hội và điều kiện để phát triển xanh và bền vững
12:21, 22/09/2019
Ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KHĐT) cho biết, chuyển từ KCN thông thường sang KCN sinh thái là xu hướng tất yếu. Trong 5 năm qua Bộ KHĐT đã phối hợp với các nhà tài trợ triển khai mô thí điểm hình KCN sinh thái. Từ một khái niệm mới mẻ, KCN sinh thái đã được phổ biến tới các bộ ngành liên quan, tới các địa phương, tới các doanh nghiệp, lần đầu tiên được thể chế hóa qua Nghị định 82 của Chính phủ. Theo đó khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, như một giải pháp thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh trong hoạt động công nghiệp.
"Là đầu mối về phát triển KCN sinh thái, trong tời gian tới Bộ KHĐT sẽ triển khai các nhiệm vụ: Tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn về KCN sinh thái, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc triển khai mô hình này tại Việt Nam. Phối hợp các bộ ngành địa phương từng bước xây dựng cơ sở đánh giá vào bộ giữ liệu quốc gia về KCN sinh thái, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi, xây dựng các KCN sinh thái. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tìm nguồn hỗ trợ, nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên toàn quốc" – ông Huy cho biết thêm.