Tiki và cuộc đua "đốt tiền"

Nha Trang 30/01/2020 01:23

Khởi sự với trăm quyển sách tiếng Anh, Tiki sau gần 10 năm phát triển đang dần trở thành một hiện tượng "đốt tiền".

Khởi nghiệp năm 2010 với việc chỉ bán sách tiếng Anh, 5 năm sau Tiki bán thêm hàng điện tử, công nghệ, thời trang, nội thất, làm đẹp, mẹ và bé… Năm thứ 8, Tiki bán thêm xe máy. Và đến năm 2019, Tiki mang luôn ô tô lên sàn để khách hàng mua online.

"Đốt tiền" để lấy chỗ đứng

Khởi sự từ bán sách tiếng Anh năm 2010 và đạt được một số thành tựu nhất định, ông Trần Ngọc Thái Sơn ngay lập tức mở rộng ngành hàng cho Tiki trong giai đoạn 2011-2012. Khi nguồn vốn từ cá nhân không đủ cho nhu cầu mở rộng, năm 2012 Tiki huy động được nguồn tiền đầu tiên từ CyberAgent, sau đó là khoản vốn từ tập đoàn Sumimoto. Những lần bơm vốn này giúp Tiki phát triển nhanh hơn và lọt vào top 5 trang thương mại điện tử lớn vào năm 2015.

Khởi sự với trăm quyển sách tiếng Anh, Tiki sau gần 10 năm phát triển đang dần trở thành một hiện tượng

Khởi sự với trăm quyển sách tiếng Anh, Tiki sau gần 10 năm phát triển đang dần trở thành một hiện tượng "đốt tiền".

Những thành tựu của Tiki gắn liền với các lần gọi vốn thành công và… các khoản lỗ liên tục. Tháng 5/2016, Tiki nhận khoản đầu tư 17 triệu USD từ VNG, khoản tiền rất lớn của một doanh nghiệp trong nước rót vào thương mại điện tử. Khi đó, giá trị của Tiki đạt 45 triệu USD, VNG có được 38% cổ phần và là cổ đông lớn nhất của Tiki.

Tuy nhiên, Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019 của VNG cho thấy, khoản đầu tư của VNG vào sàn thương mại điện tử Tiki hơn 506,2 tỷ đồng được ghi nhận đã lỗ toàn bộ đến hết tháng 6/2019. Kể từ đầu năm nay, VNG đã không tham gia vào đợt phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn của Tiki, giảm tỷ lệ sở hữu tại Tiki từ 28,88% hồi đầu năm xuống còn 24,6%. 

Với việc lỗ hết vốn đầu tư, VNG sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi việc thua lỗ của Tiki phản ánh vào kết quả kinh doanh. Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2019, phần lỗ từ các công ty liên kết của VNG gồm Tiki, Thanh Sơn và ABA chỉ khoảng 28 tỉ đồng, giảm 72% so với số lỗ 99 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Cuối năm 2017, Tiki có sự tham gia góp vốn của JD.com, tập đoàn thương mại điện tử số 2 tại Trung Quốc. Đầu năm 2018, JD.com tiếp tục rót tiền vào Tiki để trở thành một trong hai cổ đông lớn nhất tại đây.

Cho đến thời điểm hiện tại, Tiki là doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước sáng giá và có thể đối đầu với các đối thủ mạnh trong khu vực như Lazada, Shopee. Tất nhiên, để đạt được kết quả này, Tiki đã thực hiện chiến lược phát triển thần tốc dựa vào các lần gọi vốn giá trị lớn, hy sinh lợi nhuận để mở rộng thị trường.

Từ khoảng 100 đầu sách tiếng Anh cách đây 9 năm, Tiki hiện bán khoảng 4 triệu mặt hàng, phủ rộng hầu hết các ngành mà khách có nhu cầu mua sắm. Tiki hiện chiếm khoảng 10% tổng lượng mua sắm trên mạng của người dân Việt Nam, với lượng khách ghé website trung bình trên 30 triệu lượt/tháng.

2019 là năm đánh dấu tên tuổi của đơn vị TMĐT này khi đi cùng với một loạt sản phẩm âm nhạc, từ "Đừng yêu nữa, em mệt rồi" của Min đến "Anh ơi ở lại" của Chipu...

Tuy nhiên, để đạt được những con số đó, Tổng Giám đốc Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cũng phải ngậm ngùi chia sẻ trong một sự kiện về startup hồi cuối năm 2019 rằng "Trong 9 năm, Tiki suýt chết hay "vô hòm" 5 lần, nguyên do rất nhiều: hết tiền, nhà đầu tư nghi ngờ, anh em nghi ngờ...", 

Sẽ còn rất khó khăn

Thị trường TMĐT trong năm 2019 đã chứng kiến nhiều cột mốc quan trọng với xu hướng tích cực. Cụ thể theo báo cáo của Google - Temasek, TMĐT Việt Nam năm 2019 đạt 5 tỷ USD, tăng 81% so với 4 năm trước, và được mong đợi đạt 23 tỷ USD trong năm 2025.

Có thể bạn quan tâm

  • Lazada – Shopee - Sendo - Tiki đã lỗ tới 5.000 tỷ đồng chỉ trong 1 năm

    Lazada – Shopee - Sendo - Tiki đã lỗ tới 5.000 tỷ đồng chỉ trong 1 năm

    13:00, 19/12/2019

  • VNG có 'chia tay

    VNG có 'chia tay" Tiki?

    14:30, 27/11/2019

  • Tiki đã

    Tiki đã "đốt tiền" của VNG như thế nào?

    10:40, 21/11/2019

  • Startup học hỏi kinh nghiệm từ nhà sáng lập Tiki

    Startup học hỏi kinh nghiệm từ nhà sáng lập Tiki

    08:17, 01/11/2019

Các nền tảng có cơ bản tốt (cơ bản tốt ở đây bao gồm các yếu tố như nền tảng công nghệ, hiệu quả sử dụng vốn cao, tư duy hướng đến khách hàng...) sẽ tận dụng được đà tăng trưởng của ngành để phát triển hơn nữa, cũng như có được lợi thế để giành thêm thị phần từ các doanh nghiệp ít khả năng cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, 2019 cũng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn của ngành TMĐT trước sự rút lui của một số "tay chơi". Điển hình có thể kể đến việc Thế giới Di động (MWG) đóng cửa trang Vuivui.vn vào tháng 12/2018, sau đó là Central Group đóng cửa trang Robins.vn vào giữa năm 2019, và đến cuối năm 2019 lại là một loạt những thay đổi về chiến lược bán lẻ của Vingroup bao gồm cả việc tái cấu trúc trang thương mại điện tử của họ là Adayroi.

Về phía Tiki, nếu chỉ quanh quẩn với các mặt hàng sách tiếng Anh thì chắc chắn Tiki không có được ngày hôm nay. Ông Trần Ngọc Thái Sơn từng cho biết chiến lược phát triển của Tiki là mở rộng ngành kinh doanh và phát triển thần tốc, đồng thời duy trì chất lượng hàng hoá và tốc độ giao hàng. Chính các yếu tố này đã thuyết phục các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước rót vào công cuộc “đốt tiền” của Tiki.

Sau khi Adayroi đóng cửa, Tiki nằm trong nhóm 4 trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam đến thời điểm này, cùng với Lazada, Shopee và Sendo. Cho đến thời điểm hiện tại, nhóm 4 trang này vẫn đang trong giai đoạn “đốt tiền” để mở rộng thị trường, chưa ai có lợi nhuận.

Cả Tiki và Sendo đang được kì vọng trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam, sau VNG - công ty khởi nghiệp đầu tiên của Việt Nam được định giá 1 tỉ USD. Dù vậy, việc có trở thành kì lân hay không của hai trang thương mại điện tử Việt Nam có lẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn tiền họ gọi được trong cuộc đua giành thị phần, để không bị đối thủ vượt mặt như các trang thương mại điện tử khác từng “ra đi” vì không chịu nổi nhiệt.

Nha Trang