Dự án Đạm Ninh Bình “nhập nhằng" thông tin xuất xứ
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình trong quá trình thực hiện các gói thầu, hạng mục đã bộc lộ nhiều sai phạm về công tác quản lý chất lượng công trình.
Trong báo cáo gửi lên Thủ tướng về việc kiểm toán dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, trong công tác quản lý chất lượng dự án này còn nhiều sai phạm, như thi công sai thiết kế hạng mục hàng rào (gói thầu 8B); bản vẽ hoàn công không phù hợp với thực tế thi công; thay đổi nhân sự so với hồ sơ dự thầu nhưng chưa có hồ sơ chấp thuận của chủ đầu tư; nội dung một số chứng thư còn chưa phù hợp, chứng thư chưa phản ánh đầy đủ các thông tin để xác định xuất xứ hàng hóa…
Cụ thể, hồ sơ nhập khẩu không có C/O nhưng trong chứng thư số 0275/11GĐNL-331 ngày 14/6/2011 vẫn nêu C/O số 50061-PALL-1600-001_1-CO-001 ngày 14/3/2011 được cấp bởi Pall Filtersystems GmbH. Trong hồ sơ nhập khẩu có C/O số 16697 ngày 9/12/2010, nhưng trong chứng thư số 0053/11GĐNL-331 ngày 14/6/2011 lại ghi nhận C/O số 17609 ngày 29/12/2010 (nhà thầu đã phải thu hồi 2 chứng thư trên và phát hành lại chứng thư 0275-1/11GĐNL-331 và 0053-1/11GĐNL-331).
Xuất xứ thiếu minh bạch
Phát hành chứng thư 0308/12GĐNL-331 trong đó có nhiều nội dung không phù hợp và có nhiều sai khác so với các chứng thư đã cấp trong quá trình mở kiện, giám định và cấp chứng thư cho từng lô hàng (nhà thầu đã phải cấp lại bằng báo cáo tổng hợp số 02/17/BC-PVMR-KĐGĐ ngày 10/10/2017).
Có thể bạn quan tâm
Dự án Đạm Ninh Bình: Kiểm toán "đụng” đâu sai đấy!
03:30, 07/03/2020
Đạm Ninh Bình ngày càng "bế tắc"
01:46, 06/03/2020
Đạm Ninh Bình "rối như tơ vò" vì điệp khúc lỗ và nợ
14:15, 06/08/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 4: Đạm Ninh Bình có thể khởi kiện
07:30, 07/04/2019
Sao không sớm cổ phần hóa Đạm Ninh Bình?
07:00, 11/12/2018
Số phận Đạm Ninh Bình lại “ngàn cân treo sợi tóc”?
06:00, 10/12/2018
Đạm Ninh Bình lại bị “tố” vì “chi phóng tay”
09:31, 20/06/2018
Theo hợp đồng, máy phân tích và bộ lọc phân tử xuất xứ là EU/G7, thực tế nhập khẩu (trên tờ khai hải quan, hóa đơn thương mại, bảng kê hàng hóa, chứng thư giám định và báo cáo của Ban QLDA với Tập đoàn hóa chất Việt Nam) xuất xứ của 2 thiết bị này là Trung Quốc với giá trị 0,126 triệu USD, nhưng đơn vị tư vấn là liên doanh công ty cổ phần Giám định năng lượng Việt Nam (EIC) và công ty Norske Veritas (DNV) vẫn cấp chứng thư giám định trong đó đánh giá là phù hợp (theo văn bản số 112/ĐNB ngày 23/12/2016 của Ban QLDA Đạm Ninh Bình báo cáo Tập đoàn hóa chất Việt Nam).
Thi công không theo phê duyệt thiết kế về gạch tuynel 2 lỗ mác 75, thực tế thi công gạch tuynel 2 lỗ mác 50. Dự toán thiết kế hợp đồng là đắp cát độ chặt K0.95, thực tế đắp đất tận dụng đoạn X-V, độ đầm nén K0.90 (gói thầu 8B: xây dựng tường rào nhà máy).
Tư vấn giám sát không xác nhận tại phiếu thí nghiệm độ chặt là chưa đúng với quy định về quản lý chất lượng công trình (gói thầu san lấp mặt bằng 5,87 ha). Bản vẽ hoàn công không theo thực tế thi công phần cổng chính và một số hạng mục để lại không thi công được quy định tại Điều 27, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình (gói thầu 8B).
Nhân sự gói thầu PMC 6A trong quá trình thực hiện có sự thay đổi so với hồ sơ dự thầu cho các chức danh giám đốc dự án, các kỹ sư giám sát nhưng chưa có hồ sơ chấp thuận của chủ đầu tư; dự thầu không có kỹ sư người Việt Nam nhưng trong quá tình thực hiện có kỹ sư người Việt Nam, nhưng lại chưa có sự chấp thuận của chủ đầu tư về việc thay đổi nhân sự chuyên gia.
Ngoài ra, trong thời gian từ ngày 30/4/2008 đến 30/9/2009 (gói PMC 6A), từ ngày 30/4/2008 đến 15/2/2009 (gói PMC 6B) dự án được thực hiện nhưng chưa có tư vấn giám sát. “Như vậy, trách nhiệm liên quan đến những tồn tại này thuộc về đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định và Ban QLDA Nhà máy Đạm Ninh Bình”, Kiểm toán Nhà nước kết luận.
Chi phí đầu tư thiếu trung thực
Đối với quản lý chi phí đầu tư, giá trị nhiều hạng mục gói thầu được kiểm toán tại báo cáo tổng hợp quyết toán dự án hoàn thành do Ban QLDA lập không phù hợp với hồ sơ, tài liệu, chứng từ chi tiết đơn vị đã cung cấp. Một số chi phí thiếu căn cứ, cơ sở để đánh giá tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của số liệu chi phí đề nghị thanh toán, không đủ điều kiện, căn cứ quyết toán theo quy định.
Cụ thể, chủ đầu tư và nhà thầu thương thảo giảm trừ chi phí do một số công việc dự án đã triển khai trong điều kiện nhà thầu tư vấn chưa tham gia. Giá trị giảm trừ 62.000 USD tương đương 1,82% đối với gói thầu PMC 6A và giá trị giảm trừ 95.000 USD, tương đương 2,2% với gói thầu PMC 6B. Việc giảm trừ này theo Kiểm toán Nhà nước là chưa có đủ căn cứ và không hợp lý, do khoảng thời gian khi hợp đồng EPC triển khai từ ngày 30/4/2008 cho đến thời điểm ngày 2/3/2009 tương đối dài (khoảng 10 tháng), tương ứng với khối lượng hoàn thành 23% giá trị đối với gói thầu PMC 6A và đến ngày 5/2/2009 (khoảng 9 tháng), tương ứng với khối lượng hoàn thành 20% giá trị đối với gói thầu PMC 6B.
Chủ đầu tư và nhà thầu thương thảo giảm trừ chi phí tương ứng với phần việc không thực hiện theo hợp đồng, giá trị giảm trừ 25.438,94 USD đối với gói thầu PMC 6A và 24.134,86 USD đối với gói thầu PMC 6B, theo Kiểm toán Nhà nước cũng chưa đủ căn cứ, do thời gian giảm trừ cho toàn bộ công việc theo mục 2.12.6, 2.12.7, 2.12.8 quy định tại hợp đồng là chưa tương xứng và không phù hợp với thực tiễn quản lý công trình.
Không giảm trừ phần lợi nhuận giá trị 941,07 USD đối với gói thầu PMC 6A (tạm tính lợi nhuận 13 ngày) và 1.632, 82 USD đối với gói thầu PMC 6B (tạm tính lợi nhuận 26 ngày) là không phù hợp, do chưa thực hiện công việc bị giảm đi. Không thương thảo chi phí quản lý và giám sát do không thực hiện đầu tư hệ thống thu hồi dầu.
Về gói thầu số 7, chi phí kiểm tra, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình, Ban QLDA và nhà thầu thống nhất giảm trừ 2 ngày công của một chuyên gia nước ngoài và 2 ngày công của chuyên gia trong nước, theo Kiểm toán Nhà nước là không có cơ sở, do không chấm công các chuyên gia, chủ đầu tư không kiểm soát được số lượng, ngày công của các chuyên gia thực hiện hợp đồng cũng như năng lực, kinh nghiệm của các chuyên gia tham gia dự án có đảm bảo phù hợp với quy định tại hợp đồng.
Với gói thầu 8B (xây dựng tường rào nhà máy), Kiểm toán Nhà nước cho rằng, không có đủ căn cứ, cơ sở xác định sự phù hợp của giá trị đề nghị quyết toán, do bản vẽ hoàn công không phù hợp với khối lượng tại biên bản nghiệm thu, tính trùng khối lượng quyết toán; vật tư đắp đoạn X-V không phù hợp với vật liệu và độ chặt quy định tại hợp đồng là đắp cát K=0,95; giá trị là 234,91 triệu đồng.