Hệ thống công nghệ dự án Đạm Ninh Bình lạc hậu, mỗi năm lại thua lỗ hàng ngàn tỷ đổng. Nếu như vậy thì giữ lại làm gì? Tại sao không sớm cổ phần hóa, bán, hoặc cho thuê?
Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh với DĐDN về dự án Đạm Ninh Bình không có đủ khả năng trả nợ toàn bộ các khoản vay đến hạn trong năm 2018 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Theo ông Thịnh, dự án Đạm Ninh Bình được đánh giá là một trong những dự án nhạy cảm và gây không ít mệt mỏi cho nhiều người, vì đã bị đưa vào diện quản lý trực tiếp của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời vướng vào khả năng không trả được nợ từ nhiều năm nay, chứ không phải bây giờ.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 10/12/2018
09:31, 20/06/2018
08:00, 25/05/2018
05:58, 05/05/2018
15:16, 25/02/2018
06:30, 12/02/2018
Tất nhiên, liên quan đến nợ nần của Đạm Ninh Bình có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào vấn đề và phải khẳng định do chủ quan là phần nhiều, đó là việc đầu tư dự án một cách ồ ạt, thiếu cẩn trọng của các cơ quan chức năng.
Ông Thịnh đánh giá, dự án Đạm Ninh Bình có rất nhiều điều bất hợp lý, trong đó có việc dự án bị tăng vốn lên nhiều lần, thời gian xây dựng dự án bị kéo dài, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao…
Bình luận về nhận định Đạm Ninh Bình đã sai ngay từ khâu đầu tiên là lập dự án để rồi dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay là không còn khả năng trả nợ, ông Thịnh cho rằng, từ các giai đoạn trước đây, khi lập các dự án đầu tư, phải thừa nhận đã có một sự buông lỏng của một số cá nhân, tổ chức để mong muốn lợi dụng vị thế để mang lại lợi ích cho cá nhân hay một nhóm lợi ích nào đó. Chính vì vậy, việc lập dự án, xét duyệt dự án đầu tư thường không nghiêm túc.
Câu chuyện của Đạm Ninh Bình cũng cho chúng ta thấy họ đang buộc Chính phủ vào việc phải đứng ra trả nợ thay. Như vậy, trách nhiệm ở đây phải nhắc tới là người lập thẩm định và ra quyết định đầu tư dự án này. Ngay cả những người đứng ra cho phép Vinachem bảo lãnh cho Đạm Ninh Bình cũng không đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đây là sai sót không chỉ riêng dự án Đạm Ninh Bình, mà còn có rất nhiều dự án khác của nhà nước trong khoảng 10 – 15 trước đây đã đi vay và giờ để lại gánh nặng nợ nần cho nhà nước. Và cuối cùng của gánh nặng này lại dồn đến vai người dân.
Vẫn theo ông Thịnh, vấn đề nợ nần của Đạm Ninh Bình không phải mới, nhưng đã tạo ra sự nhức nhối trong nền kinh tế cũng như mất mát lòng tin của người dân vào các cơ quan quản lý nhà nước. Chính những người lập dự án thua lỗ này đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bằng những dự án đắp chiếu.
Trả lời câu hỏi, với trường hợp Đạm Ninh Bình nợ nần như vậy thì có nên cho phá sản hay không? Ông Thịnh cho rằng, mỗi năm thua lỗ một vài nghìn tỷ đồng thì chỉ 3 đến 5 năm sau sẽ lỗ hết tất cả những gì dự án này đang có. Do đó, nên quyết liệt cổ phần hóa, bán hoặc cho thuê dự án này ngay để vớt vát lại những chi phí đã đầu tư cho dự án.
“Thà chấp nhận bán dự án để thu về được một phần vốn cho nhà nước, còn hơn vẫn cố tình đổ tiền vào đây mà không biết đến bao giờ cho đủ và số tiền đó có xứng đáng hay không?”, ông Thịnh bày tỏ quan điểm.