Nhiều doanh nghiệp treo biển trả mặt bằng vì COVID-19
Nhu cầu được quan tâm nhất của các doanh nghiệp hiện nay là sang nhượng mặt bằng. Do chi phí cao, doanh thu sụt giảm nên các doanh nghiệp muốn “cắt lỗ”.
Hàng loạt mặt bằng kinh doanh nhiều tuyến đường ở trung tâm TP. HCM trước đây được khách thuê đua nhau săn đón thì nay bỏ hoang. Chủ nhà treo biển cho thuê cả tháng cũng không có ai hỏi thăm vì dịch COVID-19.
Giai đoạn khó khăn của kinh doanh bán lẻ
Thực tế, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị giảm từ khoảng 40-50% so với thời điếm dịch bệnh chưa xảy ra. Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống cũng giảm khoảng từ 20-30% vào ngày thường, trong khi cuối tuần giảm đến khoảng 50%.
Đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TPHCM) lâu nay được xem là phố ẩm thực sôi động ở khu vực trung tâm thành phố với nhiều thương hiệu lớn, nổi tiếng nay lâm vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Hàng loạt cửa hàng đóng cửa, sang tiệm, cho thuê lại… Thậm chí, có những cửa hàng chỉ mới khai trương vài tháng chưa kịp thu hồi vốn nay cũng phải đóng cửa vì càng bán càng lỗ.
Có thể bạn quan tâm
Hưng Thịnh Group ủng hộ 5 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19
18:54, 17/03/2020
Một doanh nghiệp thiệt hại 300 tỷ đồng sau khi dịch Covid-19 bùng phát
15:51, 17/03/2020
[COVID-19] Cập nhật danh sách doanh nghiệp chung tay phòng, chống dịch...
13:00, 17/03/2020
[COVID-19] Đến lượt doanh nghiệp thủy sản 'cầu cứu'
00:16, 17/03/2020
Sau dịch Covid-19: Doanh nghiệp tự cứu mình bằng cách nào?
22:28, 16/03/2020
Doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được tạm dừng đóng BHXH
18:23, 16/03/2020
Quán cà phê Doha Coffee trên đường Phan Xích Long dù mới khai trương vào tháng 9/2019 cũng treo biển ngừng hoạt động và cho thuê mặt bằng. Cạnh đó, hệ thống cà phê Terra Coffee & Tea cũng đóng cửa, trả mặt bằng dù mới khai trương vào tháng 7/2019. Tại một cửa hàng trên đường Phan Xích Long, người cho thuê mặt hằng chào mời, do chuyển loại hình kinh doanh và rất cần vốn nên muốn cho thuê lại mặt bằng này với giá 100 triệu đồng/tháng (diện tích 144 m2). Nếu đặt cọc 3 tháng sẽ giảm ngay 15% giá thuê mặt bằng tháng đầu.
Đường Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM), một con đường sầm uất chưa bao giờ phải lâm vào cảnh mặt bằng rao cho thuê lại nhiều như vậy. Có những đoạn treo bảng cho thuê liên tiếp cả chục mặt bằng. Trong khi khu vực này trước đây người thuê rất khó tìm được một mặt bằng trống. Giá thuê mặt bằng đường này trước đây có diện tích khoảng 100m2, luôn vượt 100 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 80 - 90 triệu đồng/tháng, vẫn không có người thuê.
Còn tại đườngg Pasteur, chủ một quán trà sữa than thở, đã thuê mặt bằng này được ba tháng, giá 32 triệu đồng/tháng, bỏ gần 200 triệu để trang trí sửa sang lại. Giờ không ngờ tình hình ra nông nỗi này, càng bán càng lỗ, không bán thì “chết”, sang mặt bằng thì không ai thuê. Đã xin chủ nhà giảm giá thuê nhưng họ nói còn đang suy nghĩ.
Trong khi đó, trên một số group kín trên mạng xã hội thông tin sang nhượng, tham khảo giá cho thuê lại mặt bằng, rao bán bất động sản sôi động. Các doanh nghiệp này cắt lỗ hoặc cho thuê lại để không bị mất tiền cọc thuê nhà trước đó. Trên một group dành cho những nhà kinh doanh dịch vụ Airbnb, nhiều người nhờ tư vấn cách trả lại mặt bằng để không chịu phí phạt hay thương lượng chủ nhà giảm giá.
Ông Mai Trường Giang - chủ hệ thống Chewy Junior Việt Nam, group Cộng đồng hỗ trợ các nhà kinh doanh có tên CSC (CEOs Supportive Community) chia sẻ, đang nhận được sự quan tâm của nhiều ông chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến thời điểm này đã có hơn 500 thành viên, chủ yếu là giám đốc điều hành, sáng lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong phạm vi riêng tư, các ông chủ đã mạnh dạn chia sẻ những khó khăn, tổ chức bán hàng chéo, chia sẻ tìm kiếm đối tác thuê mặt bằng, dịch vụ kho, thu gom bàn ghế thanh lý và chung tay cùng tạo ra phong trào “chủ nhà tốt bụng”.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia bất động sản cho rằng, nguyên nhân khiến hàng loạt chủ nhà phải treo bảng cho thuê mặt bằng là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cửa hàng cầm cự không nổi phải tạm ngưng kinh doanh. Trong khi giá mặt bằng lại quá cao, buộc nhiều chủ cửa hàng phải giảm giá bán rồi cắt lỗ và đóng cửa. “Với tình hình kinh doanh ế ẩm như hiện nay, ít có khả năng có khách thuê mới, trong khi khách thuê cũ vẫn đang chật vật với bài toán kinh doanh của mình. Do đó, chủ nhà cần chia sẽ khó khăn với người thuê mặt bằng”, ông Hoàng nói.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh bày tỏ, chưa bao giờ thấy mặt bằng cho thuê trống nhiều như hiện nay. Chẳng hạn đường Trần Quang Khải (Quận 1), chỉ một đoạn ngắn mà có khoảng 30 mặt bằng treo bảng cho thuê. Nhiều nơi giảm giá 20%-30% so với trước. Rõ ràng đây là giai đoạn rất khó khăn của người kinh doanh bán lẻ.
Theo nhận định của ông Khánh, với tình hình hiện tại, các cửa hàng kinh doanh hàng ăn uống, tiêu dùng chỉ có thể chịu đựng thêm khoảng 4 tháng. Bởi thông thường các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ngành hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong tối đa 6 tháng. “Chính vì vậy, các doanh nghiệp hay chủ nhà cho thuê mặt bằng cần phải chủ động giảm giá, nếu không khách thuê sẽ trả mặt bằng. Lúc đó cả hai cùng thiệt hại nặng”, ông Khánh bình luận.
Manh nha làn sóng giảm giá
Trước những khó khăn chồng chất, kinh doanh online lên ngôi, nhiều chủ mặt bằng đã bắt đầu “xuống nước”, manh nha làn sóng hỗ trợ doanh nghiệp thuê mặt bằng thông qua nhiều hình thức như giảm tiền thuê mặt bằng, giãn thời gian đáo hạn hợp đồng, gia hạn thời gian tăng giá... Có nơi chủ nhà giảm cho các chuỗi đến 30-40% tiền thuê mặt bằng.
Chứng kiến doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh cà phê theo chuỗi tại đường Nguyễn Văn Thương (Q.Bình Thạnh) chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch bệnh, chủ mặt bằng đã quyết định hỗ trợ bằng cách giảm chi phí thuê mặt bằng. Với tổng diện tích sàn khoảng 270m², chủ nhà cho thuê mỗi tháng gần 100 triệu đồng. Thế nhưng trong các tháng dịch bệnh này, đã giảm 30% tiền cho thuê (khoảng 30 triệu đồng/tháng) trong 3 tháng và sẽ tiếp tục thương thảo nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Một chủ nhà khác có mặt tiền cho thuê tại quận Phú Nhuận với mức giá cho thuê lên đến 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng)/tháng. Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành ẩm thực, cũng đã đồng ý giảm cho khách thuê 10% trong 3 tháng. Thậm chí, có chủ nhà còn rộng lượng miễn luôn 3 tháng tiền nhà để "cứu" một doanh nghiệp.
Tương tự, hệ thống cửa hàng bán lẻ Vua Nệm cho biết, gần 60 cửa hàng trên 18 tỉnh, thành cả nước cũng vừa nhận được sự hỗ trợ giảm giá mặt bằng từ 10-25%. Theo hệ thống này, sự hỗ trợ mặt bằng trước mắt khiến doanh nghiệp "dễ thở" bởi phần nào hóa giải bài toán chi phí mặt bằng trên quy mô lớn.
Ông Nguyễn Duy Thiện, Giám đốc dự án của The Coffee House cho biết, thời gian qua đã thương thảo với các chủ mặt bằng và nhiều chủ nhà đã "gật đầu" giảm giá. Mức giảm phổ biến cho doanh nghiệp hiện nay từ 10-40%, song cũng có nơi giảm đến 50% tiền thuê mặt bằng. “Các doanh nghiệp đều kỳ vọng vào sự sẻ chia này, nếu càng nhiều chủ nhà giảm giá và mức giảm tăng lên sẽ có tác động rất lớn đến sức khỏe doanh nghiệp, giúp giảm bớt tỉ lệ những doanh nghiệp đóng cửa”, ông Thiện nói.
Nhận xét về việc giảm giá thuê mặt bằng từ 10-50% đối với các doanh nghiệp tại thời điểm này, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, đây là hành động đem lại lợi ích cho cả hai phía.