Hãng hàng không Việt "nghiêng ngả" vì 20 loại phí
Không chỉ "chao đảo" vì dịch COVID-19, những chiếc máy bay đang gồng mình "cõng" trên lưng hơn 20 loại phí (còn gọi là giá dịch vụ).
Các hãng bay Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất lịch sử dưới tác động của COVID-19. Theo báo cáo sơ bộ từ các hãng hàng không cho biết, mức thiệt hại ban đầu đã lên tới 30.000 tỉ đồng, con số này có thể sẽ còn lớn hơn nếu dịch bệnh còn kéo dài.
Gồng mình "cõng" phí
Theo thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định.
Trong đó có 5 loại dịch vụ do Nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá.
Ước tính sơ bộ, tổng nộp 16 loại phí nói trên của các hãng hàng không lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Chẳng hạn, phí phục vụ tại nhà ga năm 2019 lên tới hơn 10.000 tỉ đồng, phí cất hạ cánh không dưới 2.000 tỉ đồng, phí điều hành bay trên 1.500 tỉ đồng, hay phí đỗ máy bay cũng lên tới hàng chục tỉ đồng/năm...
Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.
Ngoài 16 khoản phí trên, các hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không, như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối (cute)...
Tính chung một chiếc máy bay đang phải gánh hơn 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.
Theo đại diện một hãng bay, mỗi chiếc máy bay cũng phải cùng gánh các loại thuế: nhập khẩu nhiên liệu bay, bảo vệ môi trường, VAT, thu nhập doanh nghiệp... Trong đó, các hãng hàng không nộp tới vài ngàn tỉ thuế bảo vệ môi trường mỗi năm.
Vấn đề là thuế này không áp theo tỉ lệ trên giá xăng mà theo con số cố định ở mức cao, là 3.000 đồng/lít. Vì vậy, khi kinh tế khó khăn, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh thì thuế môi trường không giảm tương ứng như ở các nước.
Bên cạnh đó, hiện các hãng hàng không vẫn phải trả hàng loạt khoản phí tốn kém. Chẳng hạn phí đậu máy bay. Đáng lưu ý, các cảng hàng không thu phí theo tấn mỗi giờ hoặc ngày, mà máy bay thì phổ biến trọng lượng từ 73-150 tấn/chiếc.
Cùng với đó là phí thuê quầy làm thủ tục, phí thuê mặt bằng đặt máy làm thủ tục tự động cho khách có khi lên tới 30 triệu đồng/máy/tháng...
Theo ghi nhận, hiện nay đối với những khoản phí dịch vụ hàng không Nhà nước quy định khung giá, phí thường bị áp mức kịch khung.
Theo các chuyên gia, hàng không, du lịch là ngành quan trọng nhưng đang bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19 nên rất cần được giải cứu để góp phần giải quyết việc làm và phục hồi kinh tế nước ta.
Hãng hàng không cần hỗ trợ thực tế
Trước thực tế đáng lo của ngành hàng không, hàng loạt biện pháp hỗ trợ đã được đề xuất, bao gồm miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 70% giá đối với các khoản phí cất, hạ cánh, phí phục vụ hàng không, phí điều hành bay tại các cảng hàng không, tạm hoãn nộp các loại thuế (thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, bảo vệ môi trường…) đến hết năm 2020 hay ban hành gói vay với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không.
Bộ GTVT mới đây có kế hoạch ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không đối với các hãng bay Việt Nam trong giai đoạn chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Báo cáo sơ bộ từ các hãng hàng không cập nhật cho biết, mức thiệt hại ban đầu đã lên tới 30.000 tỉ đồng.
Cụ thể, chính sách này sẽ giảm 50% giá cất hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa (dự kiến từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/5, có thể điều chỉnh theo diễn biến của dịch).
Cùng đó, cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác trong bối cảnh dịch bệnh lây lan khiến tỷ lệ ghế trống trên các chuyên bay đang ở mức cao.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn ba tháng. Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, Bộ GTVT đề nghị thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Đây có thể nói là tin vui đối với các hãng hàng không, một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 khiến nhu cầu dịch chuyển toàn cầu cũng như trong nước giảm sút.
Có thể bạn quan tâm
Hàng không Việt thiệt hại hơn 30.000 tỉ đồng vì COVID-19
14:12, 18/03/2020
Hàng không toàn cầu “thở ô-xy” chờ cứu trợ
07:00, 18/03/2020
Cảng hàng không Điện Biên: Nút thắt cần gỡ
04:56, 09/03/2020
Vietstar “cầu cứu” Thủ tướng được tiếp tục thực hiện Dự án nhà ga hàng không T3
16:03, 26/02/2020
Tuy nhiên, để thực sự kích cầu dịch vụ hàng không, giảm giá vé máy bay giúp hành khách dễ dàng tiếp cận hơn, giảm các loại thuế phí mà hãng bay đang thu hộ qua tổng giá vé máy bay là phương án được nhiều chuyên gia hàng không kiến nghị. Những loại phí này bao gồm phí phục vụ hay phí an toàn hàng không cho hành khách.
"Nếu Nhà nước cho phép miễn phí phục vụ thì vé máy bay có thể giảm được cho hành khách khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Hoặc nếu được miễn giảm thuế bảo vệ môi trường, hãng hàng không sẽ tiết kiệm được khoản chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đây là những khoản hỗ trợ rất hữu ích cho các hãng hàng không", TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng biện pháp đã có, nhưng thực tế công tác hỗ trợ đang không theo kịp thực tế khi các hãng hàng không đã gồng mình chịu lỗ 2 tháng vì dịch. Mỗi hãng bay thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi tuần, nhưng chưa hãng nào nhận được hỗ trợ từ các giải pháp trên.
Điển hình theo Reuters, Vietnam Airlines thiệt hại 250 tỷ đồng/tuần khi doanh thu sụt giảm vì ngừng các đường bay Trung Quốc để phòng chống dịch Covid-19.