Thị trường phủ mây đen, hàng không Việt "điêu đứng" (Bài 1)

Nha Trang 24/03/2020 05:36

Dịch COVID-19 bùng phát đã phủ "mây đen" lên ngành hàng không. Số lượng chuyến bay giảm thậm chí có chặng bay "đóng cửa", giá vé giảm vẫn ế ẩm, trong khi thuế phí được giảm không đủ sức "trợ lực".

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lên ngành hàng không Việt Nam được thể hiện rõ nhất qua số chuyến bay của các hãng đã thực hiện trong 3 tháng đầu năm 2020.

Hàng không Việt "sã cánh"

Theo số liệu từ Cục Hàng không, sau tháng 1 và tháng 2 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ 2019, số chuyến bay của các hãng đã giảm mạnh trong tháng 3.

Cụ thể, tháng 1/2020 ghi nhận lượng chuyến bay tăng trưởng 31% so với cùng kỳ. Con số này vào tháng 2/2020 giảm xuống còn 19,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn là mức tăng trưởng cao.

Đến tháng 3, khi dịch bệnh thực sự tác động rõ rệt, số chuyến bay thực hiện của các hãng hàng không Việt đã giảm 25,6% so với cùng kỳ, mức giảm kỷ lục chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.

số chuyến bay của các hãng đã giảm mạnh trong tháng 3.

Số chuyến bay của các hãng đã giảm mạnh trong tháng 3.

Trong tháng 3, Vietnam Airlines chỉ khai thác 7.244 chuyến bay, giảm 32% so với cùng kỳ 2019 và giảm 39,8% so với tháng 2. Tác động của dịch tới Vietjet Air cũng mạnh không kém khi trong tháng 3 hãng chỉ khai thác 7.556 chuyến bay, giảm 39,3% so với cùng kỳ và giảm 40,3% so với tháng 2.

Hãng có mức cắt giảm chuyến bay mạnh nhất trong tháng 3 là Jetstar Pacific Airlines khi so với cùng kỳ 2019, hãng giảm tới 51,4% số chuyến và so với tháng 2, hãng giảm 55,9% số chuyến bay thực hiện.

Bamboo Airways cũng ghi nhận số lượng chuyến bay thực hiện trong tháng 3 chỉ đạt 3.271 chuyến, giảm 21,2% so với tháng 2.

Theo văn bản được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình ảnh hưởng của dịch cúm COVID-19 đến các đơn vị trong ngành GTVT, thiệt hại ban đầu của việc dừng khai thác nhiều đường bay được các hãng hàng không Việt Nam tính toán sơ bộ lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.

Bộ GTVT cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ cuối tháng 1 thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Tính đến nay, các hãng hàng không đã dừng và giảm tần suất hàng loạt chuyến bay.

Ngành hàng không Việt Nam đang sống trong những ngày u ám nhất trong vòng nhiều năm qua, khi lượng khách du lịch sụt giảm do tác động của dịch COVID-19. Các hãng hàng không là đơn vị sụt giảm trực tiếp và mạnh mẽ nhất. Cả Vietnam Airlines và Vietjet Air đều được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh năm 2020 không mấy khả quan.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính, 25% sản lượng ngành hàng không đến từ các chuyến bay từ Trung Quốc. Khi các chuyến bay này đã ngừng khai thác từ đầu tháng 2 đến nay, sản lượng toàn ngành hàng không được dự báo sẽ giảm khoảng 30% trong quý đầu năm, sau đó giảm 23% trong quý 2 so với cùng kỳ. Sự phục hồi, nếu có, sẽ chỉ bắt đầu một cách từ từ trong nửa cuối năm.

Với Vietnam Airlines, theo website flightradar24.com, có 13 trên 98 tuyến bay của VNA kết nối Việt Nam và các điểm đến tại Trung Quốc. Chỉ riêng việc ngừng bay tới Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của Vietnam Airlines. Không chỉ vậy, các thị trường Đông Á tiềm năng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản đều bị ảnh hưởng nặng nề. Việc bùng phát dịch ở Italia cũng làm cho đường bay châu Âu gặp khó khăn.

Mới đây nhất, Vietnam Airlines thông báo tạm thời giảm tần suất bay giữa Việt Nam và châu Âu từ ngày 25/3. Tổng cộng 14 chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và châu Âu trên các đường bay bị cắt giảm bao gồm giữa Hà Nội, TP.HCM và London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức). 

Không chỉ giảm về số chuyến bay, doanh thu bình quân trên mỗi vé của Vietnam Airlines cũng thấp xuống do hãng hàng không phải giảm giá vé để thúc đẩy nhu cầu. Trong năm 2019, thời điểm chưa có dịch bệnh, Vietnam Airlines đã giảm giá vé máy bay nhằm cạnh tranh với hãng hàng không mới là Bamboo Airways. VCSC dự báo Vietnam Airlines sẽ tiếp tục giảm giá vé máy bay, dẫn đến lợi suất hành khách giảm 3% nhằm nắm bắt nhu cầu sau khi dịch COVID-19 hạ nhiệt.

Dịch bệnh diễn ra đúng thời điểm Vietnam Airlines đang cải tổ đội bay. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cho biết trong năm 2019 đã bổ sung số lượng tàu bay mới cao kỷ lục là 22 chiếc, kéo theo đó là chi phí cho thuê, vận hành và bảo dưỡng sẽ được phản ánh trong năm 2020. Đòn bẩy hoạt động cao hơn trong bối cảnh doanh thu giảm sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp mảng hàng không. Mặc dù vậy, Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ được bù đắp bởi chi phí nhiên liệu được dự báo sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.

Trước đó tại cuộc họp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá về ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines khẳng định doanh nghiệp đang chịu những thiệt hại nặng nề vì dịch.

Theo ông, COVID-19 đã kéo lùi ngành hàng không thế giới 4-5 năm và tích lũy của Vietnam Airlines trong 4-5 năm qua đã bốc hơi vì dịch. Vị này chia sẻ hãng đang thừa khoảng 40 chiếc máy bay khi nhu cầu di chuyển hàng không của hành khách giảm sốc. Tính tổng cộng, 20.000 lao động ở trong và ngoài nước của hãng đang bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19.

Theo báo cáo sơ bộ của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lợi nhuận của Vietnam Airlines sẽ bị ảnh hưởng mạnh do dịch Covid-19. Dự kiến doanh thu năm 2020 của Vietnam Airlines có thể giảm đến 12.500 tỷ đồng (tương đương 16% kế hoạch năm 2020) và giảm lợi nhuận đến 5.880 tỷ đồng, lỗ 4.300 tỷ đồng (trong khi kế hoạch lãi gần 1.600 tỷ đồng).

Với Vietjet Air, tình hình cũng không mấy khả quan hơn. Trung Quốc thậm chí còn là thị trường quốc tế trọng yếu của Vietjet Air, điều này khiến hãng bay này bị tổn thất lớn hơn cả Vietnam Airlines khi phải ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc.

Tại thị trường Hàn Quốc, Vietjet Air cũng là hãng hàng không khai thác đường bay từ Việt Nam đến Hàn Quốc nhiều nhất với 11 đường bay thẳng, tần suất 480 chuyến bay/tháng trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

VCSC ước tính, lượng bay quốc tế của hãng hàng không giá rẻ Việt Nam có thể giảm 60% trong quý 1 và khoảng 30% trong quý 2 năm nay.

Lợi suất hành khách của Vietjet Air cũng đang giảm, nhưng mức giảm này có thể không cao nhờ cạnh tranh ít hơn dự kiến. Theo VCSC, Vietjet Air sẽ tiếp tục giữ giá vé máy bay ở mức rẻ nhằm thúc đẩy các chuyến bay trong giai đoạn bùng phát dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh sẽ chỉ là vấn đề ngắn hạn. Còn trong dài hạn, khi 1 đối thủ tiềm năng mới là Vinpearl Air đã dừng kế hoạch tham gia thị trường hàng không, áp lực cạnh tranh trong những năm tới sẽ thấp hơn so với dự tính.

VCSC dự báo tổng lợi nhuận của Vietjet Air năm 2020 sẽ được hỗ trợ bởi doanh thu bán máy bay. Năm ngoái, hãng đã giãn kế hoạch giao nhận tàu bay và chỉ thực hiện 7 giao dịch bán và cho thuê lại (SALB). Năm nay con số này dự kiến sẽ tăng mạnh để bù đắp thu nhập.

"Giải cứu" cách nào?

Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa quyết định giảm giá các dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không bao gồm cả hãng hàng không quốc tế và hãng hàng không nội địa đang sử dụng các dịch vụ tại các cảng hàng không của ACV.

Có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá là dịch vụ dẫn máy bay (giảm 50%), dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất (giảm 10%).

Ngoài ra, ACV cũng miễn 100% dịch vụ thuê văn phòng đại diện với các hãng hàng không dừng bay. Các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của Nhà nước là 30%. Chính sách giảm giá này dự kiến áp dụng trong 6 tháng (từ tháng 3 đến hết tháng 8).

Đối với các hoạt động phi hàng không, ACV cũng đang nghiên cứu xây dựng các kịch bản và phương án hỗ trợ theo diễn biến.

Động thái giảm giá dịch vụ của ACV là sự đáp lại lời kêu gọi của các hãng bay và cơ quan quản lý trong bối cải dịch bệnh khiến ngành hàng không khủng hoảng.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng không Việt thiệt hại hơn 30.000 tỉ đồng vì COVID-19

    Hàng không Việt thiệt hại hơn 30.000 tỉ đồng vì COVID-19

    14:12, 18/03/2020

  • Hãng hàng không Việt

    Hãng hàng không Việt "nghiêng ngả" vì 20 loại phí

    05:21, 20/03/2020

  • Hàng không toàn cầu “thở ô-xy” chờ cứu trợ

    Hàng không toàn cầu “thở ô-xy” chờ cứu trợ

    07:00, 18/03/2020

  • Vietstar “cầu cứu” Thủ tướng được tiếp tục thực hiện Dự án nhà ga hàng không T3

    Vietstar “cầu cứu” Thủ tướng được tiếp tục thực hiện Dự án nhà ga hàng không T3

    16:03, 26/02/2020

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có kế hoạch ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không đối với các hãng bay Việt Nam trong giai đoạn chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Báo cáo sơ bộ từ các hãng hàng không cập nhật cho biết, mức thiệt hại ban đầu đã lên tới 30.000 tỉ đồng.

Cụ thể, chính sách này sẽ giảm 50% giá cất hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa (dự kiến từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/5, có thể điều chỉnh theo diễn biến của dịch).

Cùng đó, cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác trong bối cảnh dịch bệnh lây lan khiến tỷ lệ ghế trống trên các chuyên bay đang ở mức cao.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn ba tháng. Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, Bộ GTVT đề nghị thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.

Đây có thể nói là tin vui đối với các hãng hàng không, một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 khiến nhu cầu dịch chuyển toàn cầu cũng như trong nước giảm sút.

Tuy nhiên, việc chia sẻ khó khăn của ACV cũng như Bộ GTVT khiến đại diện các hãng hàng không tỏ ra thất vọng bởi hỗ trợ như vậy chỉ mang tính hình thức.

Được biết, ngay khi dịch bùng phát, hàng loạt quốc gia như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… đã tung gói hỗ trợ hàng không. Mới đây, khi dịch bùng phát tại Mỹ, Tổng thống nước này đã quyết định hỗ trợ ngay 100 tỷ USD cho ngành hàng không Hoa Kỳ.

Ở Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tháng 3, tại buổi lãm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, với ngành bị thiệt hại trực diện, nặng nề như hàng không, du lịch, phải có chính sách hỗ trợ phù hợp. Thế nhưng đến nay, các tư lệnh ngành vẫn còn xem xét, nghiên cứu biện pháp miễn, giảm thuế phí cho ngành hàng không.

Diễn đàn doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin...

Nha Trang