[GIẢI PHÁP TỪ DOANH NGHIỆP] Doanh nghiệp mong có "tấm vé" cứu sinh
Các gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ như "cơn mưa rào" giải "nắng hạn", giúp doanh nghiệp xử lý được tình huống cấp bách, vượt "bão" COVID-19.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 154/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19.
Dưới đây là những ý kiến về các giải pháp tháo gỡ từ chính doanh nghiệp gửi tới Diễn đàn doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đang rất cần Chính phủ cung cấp "máy thở" và "oxy"
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp. Chính phủ ngoài việc hỗ trợ dập dịch thì rất quan tâm đến các biện pháp không để kinh tế suy thoái. Một trong những biện pháp hỗ trợ kinh tế là gói hỗ trợ trị giá 250.000 tỷ đồng.
Thời điểm hiện tại, cả người dân và doanh nghiệp đều khó khăn. Với doanh nghiệp, hiện đang rất “khó thở” và cần Chính phủ cung cấp "máy thở" và "oxy". Và gói hỗ trợ này chính là cung cấp oxy, máy thở cho doanh nghiệp. Gói hỗ trợ này rất hay, nhưng để thực hiện không dễ, có thể phải mất một vài tuần thậm chí vài tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp đang cần hỗ trợ ngay. Nếu không hỗ trợ kịp thời, hàng ngàn doanh nghiệp sẽ phá sản.
Hơn nữa, bên ngoài nghe thì dễ vậy thôi, nhưng liệu doanh nghiệp có tiếp cận được hay không. Bởi, để tiếp cận được với gói này thì rất nhiều điều kiện xảy ra, như thế chấp, uy tín, nợ xấu, dư nợ,... Bình thường, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay còn khó nữa nên những lúc khó khăn như này càng khó hơn.
Trong điều kiện hiện nay, những doanh nghiệp khỏe thì họ vẫn trụ được và doanh nghiệp đang yếu mới cần hỗ trợ. Nhưng cái khó là những doanh nghiệp yếu chẳng có gì chứng minh tài chính. Bởi trước đó, hầu hết doanh nghiệp đã cầm cố hết tài sản để vay ngân hàng,…
Tôi cho rằng, gói hỗ trợ này chỉ cần dừng ở mức giãn nợ cho những doanh nghiệp yếu; giãn đóng bảo hiểm; giãn thuê nhà, thuê đất; giãn các chi phí doanh nghiệp là tốt lắm rồi. Đây là những cái thiết thực và có thể thực hiện ngay và luôn, xử lý được tình huống cấp bách cho doanh nghiệp.
Nếu giãn được các khoản trên là tốt nhất chứ không nhất thiết phải là cho vay gói hỗ trợ. Vì nếu giãn nợ doanh nghiệp nào cũng nhận được luôn, còn nếu cho vay thì không phải doanh nghiệp nào cũng nhận được.
Về việc hỗ trợ người lao động mất việc, hay nghỉ không lương cũng khó cho doanh nghiệp. Bởi lúc này, doanh nghiệp lại chứng minh việc người lao động như nào thế nào là nghỉ không lương; doanh nghiệp dựa vào đâu để chứng minh điều đó khi mà vẫn phải đóng Bảo hiểm cho nhân viên.
Ví như doanh nghiệp của tôi cho 50% lao động nghỉ ở nhà nhưng vẫn trả lương 100%. Bởi vì chúng tôi có dự tính trước và có kế hoạch trước. Chúng tôi xác định vẫn phải trả lương cho nhân viên vì sau khi hết dịch còn có người cống hiến cho doanh nghiệp. Hiện nay, nói là làm việc online ở nhà, nhưng rồi chuyện gia đình, trông con,…bao nhiêu thứ khiến lao động không chuyên tâm làm được. Bản thân doanh nghiệp nào cũng có dự phòng tài chính, nên có thể trụ được một thời gian nhất định.
Doanh nghiệp cần giảm bớt điều kiện cho vay
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cơ điện hiện đầu ra thị trường bị hạn chế, giảm có thể đến 80%. Do tình hình dịch bệnh, hiện việc sản xuất của công ty đã bị ngừng trệ, việc mua vật tư thiết bị cũng bị hạn chế.
Điều này đã ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp chúng tôi khi không có đơn đặt hàng, từ đó không có tiền để trả lương cho công nhân, lãi suất ngân hàng và các chi phí khác.
Hiện nay mặc dù Chính phủ đã đưa ra gói cứu trợ trị giá 300.000 tỷ đồng được giao cho các ngân hàng thương mại triển khai. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp sản xuất cơ điện như chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận được khi muốn nhận vay thêm.
Về giải pháp, tôi mong muốn các ngân hàng có biện pháp bổ sung thêm vốn như tăng thêm vốn lưu động, hoặc vốn trung hạn cho các doanh nghiệp sản xuất để họ có thể bù vào việc sản xuất đang bị giảm sút do đại dịch COVID-19.
Đề xuất doanh nghiệp lữ hành được dùng tiền ký quỹ hoặc vay lại tiền ký quỹ với lãi suất 1%
Việc bùng phát đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề do Chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp chưa từng có để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bao gồm đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động vận tải đường không quốc tế và nội địa. Đến nay, không có khách hàng sử dụng bất kể một dịch vụ nào nên 90% doanh nghiệp du lịch đã ngủ đông.
Trong khi đó, duy trì bộ máy hoạt động của doanh nghiệp vẫn phải được đảm bảo tối thiểu, chi trả lương để đảm bảo đời sống của nhân viên trong mùa dịch là cần thiết.
Hanotours cũng đã đóng góp ý kiến với Hiệp hội du lịch Hà Nội để kiến nghị đến Chính phủ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn này.
Ngoài các đề xuất xin giảm hoặc miễn thuế VAT xuống 5%, xin miễn giảm tiền BHXH, miễn tiền bảo hiểm thất nghiệp - y tế trong thời gian dịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch vay vốn với lãi suất giảm 30%, chúng tôi còn đề xuất thêm cho phép các doanh nghiệp lữ hành được dùng tiền ký quỹ hoặc vay lại tiền ký quỹ để dùng với lãi suất 1%.
Các doanh nghiệp rất cần sự ra tay nhanh chóng và quyết liệt của Chính phủ để đối phó với khó khăn đang “nhấn" các doanh nghiệp ngày một sâu hơn trong cơn đại dịch.
Doanh nghiệp mong giảm lãi với khoản vay cũ
Sau giai đoạn khó khăn về nguồn cung nguyên liệu (thời kì đầu khi dịch bùng tại Trung Quốc) thì hiện tại các doanh nghiệp gặp khó khăn cực lớn về cầu.
EU, Mỹ đóng cửa khiến hàng loạt đơn hàng của Dệt may, Da giày bị hủy, hoãn vô thời hạn hoặc ngừng kí mới; người dân cũng đóng cửa ở trong nhà nên xe cộ, BĐS...chẳng bán được cho ai...du lịch và hàng không thì cơ bản nằm im. Và nguy hơn nữa là bắt đầu giai đoạn 3: suy thoái doanh nghiệp và thất nghiệp.
Khâu thực thi của các Bộ, địa phương còn chậm so với kì vọng lẫn diễn biến thực tiễn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Những con số đưa ra về gói cứu trợ, gói vay ưu đãi hàng trăm nghìn tỷ đang rất lý thuyết, doanh nghiệp chưa biết cách nào để tiếp cận.
Các ngân hàng đang chỉ giảm (chút ít) lãi suất vay mới, trong khi chẳng có doanh nghiệp nào có nhu cầu vay mới mà chủ yếu cần “chống đói”, tức là mong giảm lãi với khoản vay cũ (đi kèm với khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ...).
Bộ Tài chính và các Bộ liên quan chỉ mới đưa ra các giải pháp chậm nộp, giãn nộp, bản chất là cho nợ mà chưa hề có giải pháp nào liên quan miễn, giảm, xóa, bỏ các hạng mục doanh nghiệp phải bỏ tiền ra đóng.
Trong quá trình triển khai, có một số Bộ, địa phương áp dụng các biện pháp "thái quá" hoặc tạo thành các gánh nặng hành chính mới, khiến doanh nghiệp và các chủ thể liên quan gặp khó khăn thêm.
Một số cơ quan (thuế) địa phương đang tổng hợp tình hình doanh nghiệp với yêu cầu phải kí tên, đóng dấu vào bản kê khai, những doanh nghiệp đã cho tạm đóng văn phòng, chuyển sang làm trực tuyến không thể đáp ứng yêu cầu đó, và họ đề nghị cho kê online mà chưa được.
Đi kèm với phản ánh, các Hiệp hội đã nêu những kiến nghị rất mạnh và cụ thể để cải thiện tình hình nói trên, bởi nếu doanh nghiệp buộc phải đi tới bước đường cùng là đóng cửa, sa thải hàng triệu nhân sự thì ko chỉ doanh nghiệp chết, người lao động chết mà Quỹ BHTN/BHXH khả năng cao cũng vỡ, nguồn thu thuế sụt giảm mạnh, tình hình xã hội căng thẳng, trật tự trị an ko biết ra sao...
Doanh nghiệp kì vọng, các quyết sách sẽ cụ thể, mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Kinh doanh vận tải hành khách, háng hoá đang "khó trăm bề"
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô và bến xe đều gặp khó khăn. Vận tải hành khách, hàng hóa giảm đến 90%, số còn lại hoạt động không hiệu quả, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Các chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch lại tăng làm doanh nghiệp vận tải ngày càng khó khăn.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, kiến nghị UBND TP và Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về chính sách tài chính, tín dụng, cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đã được Chính phủ duyệt và đang giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai; Giãn thời gian trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp và không để doanh nghiệp rơi vào nhóm nợ xấu; Thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất vay đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nói trên (trong đó bao gồm cả giảm lãi suất đối với các khoản doanh nghiệp đã vay và giảm lãi suất đối với các khoản vay mới).
Có thể bạn quan tâm
[TIẾP SỨC KINH TẾ] Các gói hỗ trợ 22 tỷ USD của Việt Nam có gì?
05:17, 16/04/2020
Kinh tế sau đại dịch sẽ như thế nào: Có khủng hoảng, đại khủng hoảng không?
05:05, 16/04/2020
[GIẢI PHÁP TỪ DOANH NGHIỆP] Doanh nghiệp mong có "tấm vé" cứu sinh
11:00, 16/04/2020
Về thời gian, đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 30% trở lên so với lãi suất cho vay.
Về chính sách bảo hiểm xã hội, giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nói trên do các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính và tình hình biến động nhân sự; giảm 50% bảo hiểm xã hội, bảo hiếm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp.