Kinh tế Việt Nam, kinh tế thế giới sẽ như thế nào sau đại dịch, có sụp đổ không, khủng hoảng kinh tế ở mức độ nào, khủng hoảng hay đại khủng hoảng, là câu hỏi không dễ trả lời, không dễ thống nhất.
Để tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên, tôi chọn cách đi hỏi chuyện những đại gia có tài sản trên ngàn tỷ mà tôi quen biết, trong đó có một số làm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Sau đây là đánh giá của một số doanh nhân đại gia nghìn tỷ mà tôi đã trao đổi, “xin anh cho đánh giá về kinh tế Việt Nam và thế giới sau đại dịch”:
ĐẠI GIA SỐ 1:
1) Kinh tế thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, nếu không muốn nói là sẽ sụp đổ.
2) Rất nhiều doanh nghiệp bị phá sản, kể cả những tập đoàn lớn toàn cầu. Sẽ có tới 80%-90% các hãng hàng không bị phá sản.
3) Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, dẫn đến có nhiều khoản nợ mà người nợ không còn khả năng trả, chủ nợ gặp khó khăn không trả được nợ ngân hàng, ngân hàng sẽ có rất nhiều nợ xấu.
4) Nhu cầu tiêu dùng, đi lại của toàn xã hội sẽ bị cắt giảm tới mức tối thiểu.
5) Phải rất cẩn thận với tiền của mình, nhất là các khoản công nợ, phải thu hồi càng nhanh càng tốt.
ĐẠI GIA SỐ 2 (cười phe phé):
1) Có khủng hoảng kinh tế, nhưng không sụp đổ đâu, tài sản nó không mất đi, nó vẫn còn nguyên có ai đập phá hoặc vứt xuống biển đâu.
2) Đúng là có nhiều công ty phá sản, nhưng đấy là những công ty sức đề kháng yếu. Nếu có 7 công ty phá sản thì sẽ lại có 5 công ty mới ra đời, 5 công ty mới này còn khoẻ hơn, mạnh hơn 7 công ty kia.
3) Ngay chứng khoán, VN-Index xuống, nhưng tiền cũng chẳng mất đi đâu cả, ông cổ đông này bán, ông cổ đông khác lại mua, lượng tiền không đổi, các cổ đông vẫn sở hữu 100% công ty.
4) Đây là cơ hội kiếm tiền tốt nhất, 10 năm mới có một lần, 2-3 tháng qua, tôi kiếm được kha khá tiền, dự kiến năm nay tôi sẽ kiếm được tiền nhiều hơn các năm trước.
ĐẠI GIA SỐ 3:
1) Không có chuyện kinh tế sụp đổ.
2) Các nhà kinh tế đều thống nhất là có khủng hoảng, là khủng hoảng lớn nhất, nhưng các nhu cầu của con người vẫn còn, không thể mất đi.
3) Đúng là sẽ có một số quốc gia ảnh hưởng nặng, kinh tế tăng trưởng âm (nhất là các nước EU), nhưng cũng có một số quốc gia ảnh hưởng nhẹ, kinh tế vẫn tăng trưởng.
4) Việt Nam có 3 kịch bản: Tốt là tăng trưởng giảm 1% so với 2019 (còn cỡ 5.8%), vừa là giảm 2% (còn 4.8%), tệ là giảm 3% (còn 3.8%).
5) Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất theo thứ tự là hàng không, du lịch, khách sạn, bán lẻ đồ tiêu dùng cao cấp, những ngành này sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản.
6) Các ngành có cơ hội lớn là tất cả những gì liên quan đến online, từ hạ tầng, hệ thống ứng dụng đến kinh doanh online. Cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều chuyển nhanh sang nền tảng số.
7) Ngành ngân hàng vẫn ổn, vẫn có tiền, trong tất cả các khủng hoảng kinh tế thì ngân hàng sẽ là ngành chết cuối cùng.
ĐẠI GIA SỐ 4:
1) Khủng hoảng kinh tế chứ, là khủng hoảng lớn nhất trong 100 năm qua, nhưng Việt Nam thuộc quốc gia ảnh hưởng thấp.
2) Theo các tổ chức quốc tế dự đoán thì năm 2019 Việt Nam vẫn tăng trưởng 3.8%-4.0%. Mà kể cả xấu nữa là không tăng trưởng, có nghĩa là bằng năm 2019, bằng năm 2019 là vui rồi, năm 2019 cả nước đều vỗ tay mà.
3) Xấu nhất thì tăng trưởng âm, cứ cho là -6.8% đi. Mà -6.8% thì coi như kinh tế lùi về 2018, có chết ai. Nói thế thôi, không đến mức tăng trưởng âm, tăng trưởng 0% đâu, cũng phải 3%-4% chứ.
4) Ngành ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận, vì nợ xấu tăng lên, nhưng chắc nợ xấu không tệ như hồi 6, 7 năm trước đây.
5) Chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp bị phá sản, nhưng một số doanh nghiệp phá sản theo nghĩa chỉ thay đổi chủ sỡ hữu. Tất nhiên sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới, thích nghi được với hoàn cảnh mới, tiếp tục đáp ứng nhu cầu của xã hội.
ĐẠI GIA SỐ 5:
1) Tiền trong xã hội, của công ty và của cá nhân vẫn có nhiều, nó có từ trước dịch. Tài sản của cá nhân, doanh nghiệp và hạ tầng xã hội vẫn còn. Mà từ dịch đến giờ chưa đến 3 tháng, đã ai đập phá nó đâu mà nó mất đi.
2) Mọi người thấy khó khăn, thấy ảm đạm chẳng qua là vì tiền không lưu thông thôi. Cứ làm cách nào đó để tiền lưu thông là ổn.
3) Chết là chết mấy ông tài sản âm thôi (số nợ lớn hơn tài sản), chứ mấy ông tài sản bằng 0, dân nghèo không chết đâu (mấy ông tài sản âm hiện vẫn đi ô tô, ở chung cư cao cấp).
4) Đại dịch này cho thấy rất nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề trước đây bị tư duy chưa chuẩn, bởi không ai lường đến việc chúng ta lại rơi vào cái đại dịch như thế này. Chắc chắn sau đại dịch rất thiều thứ sẽ phải thay đổi. Chẳng hạn chọn chỗ ở, có thể nội đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không còn là chỗ ở tốt nhất nữa, hoặc trong chứng khoán có rất nhiều công ty có giá trị quá cao so với giá trị thật, nhất là những công ty mà nhà đầu tư đặt kỳ vọng quá lớn vào tương lai, vì vậy chắc chắn giá trị của những công ty này sẽ giảm rất sâu.
Vì các cuộc trao đổi thực hiện qua phone (mỗi cuộc gọi cỡ 20-30 phút) nên tạm thời thế, tôi ghi chép và post lên để các bạn tham khảo.
Nên nhớ rằng đây là nhận định của cá nhân, không có nhận định đúng, nhận định sai, tôi khuyên các bạn chỉ coi nó như là các gợi ý giúp các bạn đưa ra nhận định của riêng mình.
(Bạn nào có thắc mắc tại sao chỉ hỏi các đại gia doanh nhân nghìn tỷ, mà không hỏi doanh nhân dưới nghìn tỷ, dưới trăm tỷ không?)