Phát triển thương hiệu quốc gia giúp nâng cao vị thế hàng Việt
Đó là thông điệp Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải muốn nhấn mạnh nhân Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4.
-Giá trị của một doanh nghiệp mang Thương hiệu quốc gia thể hiện ra sao trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thưa Thứ trưởng?
Trong thời kỳ khó khăn này, vai trò, giá trị của doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia càng được thể hiện rõ nét với những hoạt động, đóng góp ấn tượng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 60% số doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia triển khai các hoạt động có ý nghĩa, thiết thực cùng với số tiền ủng hộ hơn 80 tỷ đồng cho các hoạt động chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
Tân Hiệp Phát tham gia gian hàng Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại triển lãm Vietnam Foodexpo 2019
10:54, 15/11/2019
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ 2020 - 2030 có "diện mạo" thế nào?
00:00, 10/10/2019
Việt Nam chưa có tư duy chiến lược trong xây dựng thương hiệu quốc gia
06:18, 22/05/2019
Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp thành thương hiệu quốc gia
16:33, 17/05/2019
Điển hình, Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thể hiện rõ nét vai trò của một Thương hiệu quốc gia nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Vietcombank đã có 6 lần liên tiếp là Doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia kể từ năm 2008. Trong những năm qua, nhất là năm 2019 đã ghi nhận dấu ấn chuyển mình, bứt phá ngoạn mục của Vietcombank. Lợi nhuận năm 2019 xấp xỉ 1 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2018 cao bằng 3,5 lần năm 2015. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Vietcombank đã có những hoạt động thiết thực hỗ trợ chung tay cùng cộng đồng.
Hay, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mặc dù được đánh giá “đầu bảng” về chịu thiệt hại do COVID-19 gây ra, nhưng với sứ mệnh là một hãng hàng không quốc gia, một doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia - Vietnam Airlines đã có những đóng góp quan trọng trong cuộc chiến phòng chống dịch. Vietnam Airlines đã thực hiện các chuyến bay vào tâm dịch đưa người Việt về nước như chuyến bay đến Vũ Hán, châu Âu, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản và đưa công dân Đức, châu Âu hồi hương. Miễn phí vé cho bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế và vận chuyển hàng hóa chống dịch COVID-19…
Có thể kể đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp đã có 4 lần liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia, một trong những Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam, có vốn hóa trên 2,2 tỷ USD. Với mong muốn chung tay với Chính phủ và các Bộ ngành đối phó với sự lây lan của Đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát đã ủng hộ 5 tỷ đồng bằng tiền mặt chuyển tới Quỹ của Bộ y tế và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là doanh nghiệp có 5 lần liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia và luôn cho thấy sự ổn định về giá trị thương hiệu khi duy trì vị trí dẫn đầu 4 năm liên tiếp trong danh sách 10 thương hiệu Việt Nam có giá trị nhất với giá trị thương hiệu hơn 2,2 tỷ USD (theo đánh giá của Forbes Việt Nam). Nhờ lợi thế về chất lượng sản phẩm, giá cả và uy tín thương hiệu, Vinamilk chiếm 50% thị phần sữa trong nước và sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 31 quốc gia trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức, Canada...
Ngoài ra, còn phải kể đến rất nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có uy tín trên thị trường quốc tế như: Công ty TNHH Minh Long với thương hiệu gốm sứ gia dụng cao cấp, là một trong số ít những thương hiệu tạo nên bước đột phá và uy tín hàng đầu trong ngành gốm sứ; Công ty Cổ phần Tập Đoàn Lộc Trời là nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ dẫn đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, với chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học, lúa gạo, cà phê…
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia không chỉ đang nỗ lực, chủ động tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn thể hiện, khẳng định vai trò của doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia luôn chung tay cùng cộng đồng vượt qua khó khăn, góp phần nâng cao giá trị Thương hiệu Việt Nam.
-Là cơ quan trực tiếp quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Thứ trưởng có thể chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam?
Trong quá trình hội nhập, từ rất sớm Chính phủ đã quan tâm đến vai trò của thương hiệu. Năm 2003, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia. Đây là Chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ về xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua giới thiệu, quảng bá các thương hiệu sản phẩm uy tín, chất lượng của Việt Nam. Chương trình Thương hiệu quốc gia nâng tầm và bảo vệ thương hiệu sản phẩm Việt Nam.
Trong hơn 15 năm qua, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho thương hiệu quốc gia Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển thương hiệu.
Số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng dần qua các thời kỳ, từ con số 30 doanh nghiệp năm 2008, đến năm 2018 đã tăng hơn gấp 3 lần, lên tới 97 doanh nghiệp.
Mặc dù số lượng 97 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2018 còn khiêm tốn trong tổng số trên 700.000 doanh nghiệp trên cả nước hiện nay. Tuy nhiên, nếu xét về mức độ tăng dần số lượng các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia qua từng kỳ, chúng ta có thể thấy được sự tiến bộ về năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, sự quan tâm ngày càng cao của doanh nghiệp đối với Chương trình cũng như uy tín của Chương trình đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2020, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kỳ xét chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 7.
Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của các thương hiệu hàng đầu đạt gần 10 tỷ USD, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, như Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Habeco, Vietcombank, Vietnam Airlines, Cadivi, Viglacera, Saigontourist…
Theo thông tin từ Brand Finance (tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Vương quốc Anh và có văn phòng ở 20 quốc gia trên thế giới), trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD, 5,4% so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42.
Trong giai đoạn 3 năm qua, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value).
-Định hướng của Chương trình Thương hiệu quốc gia thời gian tới sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của Thương hiệu sản phẩm với các mục tiêu cụ thể.
Đó là thực hiện có hiệu quả Chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước. Trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Để đạt được các mục tiêu nói trên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông cho Chương trình ở trong và ngoài nước.
Bộ Công Thương tin tưởng rằng việc đổi mới chính sách của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ tạo ra những bước phát triển mới cho Chương trình, qua đó hình ảnh và Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế.
-Xin cảm ơn ông!