Giấc mơ xa vời của Thủy sản Minh Phú?
Bất chấp COVID-19 và những lùm xùm về cáo buộc lẩn tránh thuế bán phá giá, Minh Phú đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2020 đạt 1.368 tỉ đồng, gấp ba lần so với kết quả năm 2019.
Được biết, các năm trước đó, MPC đều đặt kế hoạch cao nhưng không năm nào hoàn thành được kế hoạch.
Tham vọng 2020
Theo báo cáo thường niên năm 2019 được công bố mới đây, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) cho biết với thị trường xuất khẩu chính ở Mỹ và châu Âu, dịch COVID-19 sẽ có tác động tiêu cực đến tình hình SXKD của đơn vị này.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo MPC nhận định rằng doanh nghiệp sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn bởi sản phẩm của công ty chủ yếu là thực phẩm thiết yếu.
Với lý do đó, năm 2020, MPC lên kế hoạch kim ngạch xuất khẩu hợp nhất đạt 709 triệu USD và sản lượng sản xuất đạt 63,000 tấn tôm.
Ban lãnh đạo MPC kì vọng lãi trước thuế hợp nhất có thể đạt 1.368 tỉ đồng, gấp 3 lần so với kết quả thực hiện năm 2019.
Chia sẻ về tầm nhìn trong 5-10 năm tới, Minh Phú đặt mục tiêu đưa lợi nhuận sau thuế lên mức 15-20% doanh thu.
Để hoàn thành chỉ tiêu, Minh Phú đưa ra chiến lược tăng thị phần ở các thị trường truyền thống, đồng thời xây dựng các chuỗi giá trị tôm có trách nhiệm để tiếp cận và thu hút sự tham gia của nhiều thành phần trong chuỗi sản xuất tôm: từ tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn tôm, chế biến xuất khẩu, nhập khẩu và logistics, phân phối và bán lẻ.
Trong năm, MPC lên kế hoạch tìm hiểu, nghiên cứu và xây dựng Dự án Khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị tôm công suất trên 250,000 tấn tôm thương phẩm/năm ở Kiên Giang.
MPC cũng đưa ra kế hoạch sẽ xây dựng sàn giao dịch tôm đầu tiên tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xúc tiến và thương mại. Ngoài ra, MPC sẽ xây dựng nhà máy chế biến Minh Phú Thuận Yên với mô hình tự động hóa và robot hóa vào khâu sản xuất.
Thêm nữa, MPC sẽ phối hợp cùng Vietnam Food xử lý toàn bộ phụ phẩm trong Khu phức hợp.
"Về đích" cách nào?
Được biết, đặt mục tiêu cao nhưng các năm trước đó, MPC đều không năm nào hoàn thành được kế hoạch.
Trong năm 2019, Minh Phú cũng có nhiều thuận lợi trong sản xuất kinh doanh so với các doanh nghiệp cùng ngành khác trong nước. Sản lượng xuất khẩu của công ty đạt 57.709 tấn, trong khi kim ngạch đạt mức 644 triệu USD, tương ứng giảm 9% và 14% so với năm 2018. Cùng với đó, doanh thu thuần đạt 16.998 tỉ đồng, tương đương so với năm 2018, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm gần một nửa còn 445 tỉ đồng.
Lý giải về việc không hoàn thành kế hoạch đặt ra, Ban lãnh đạo công ty cho biết, do hoạt động chủ yếu là xuất khẩu nên công ty còn phải chịu cạnh tranh từ những nước khác đặc biệt là Ấn Độ, Indonesia.
Thêm nữa, rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu ngày càng tăng khiến cho chi phí sản xuất, bán hàng, kiểm soát chất lượng sản phẩm tăng lên.
Bên cạnh đó, theo Minh Phú, thời tiết và dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn tôm nguyên liệu của Minh Phú trong năm 2019.
Cụ thể, đầu vụ 1 năm 2019 nguyên liệu tôm trong nước khá dồi dào, tuy nhiên sang vụ 2 lượng tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh do thời tiết và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, làm tôm chậm lớn không đủ cung cấp cho các nhà máy, kéo theo giá thành nguyên liệu tiếp tục tăng cao trong các tháng 8, 9, 10.
Song song đó, nguồn tôm nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh, làm tình hình cạnh tranh nguyên liệu với các nhà máy cũng trở nên nghiêm trọng hơn, giá nguyên liệu trong nước tăng cao trong khi giá bán ko tăng tương ứng dẫn đến kết quả kinh doanh Minh Phú không đạt được kì vọng.
Về vùng nuôi, Minh Phú cho biết do tình hình mưa nhiều, nguồn tiền giải ngân khá chậm nên hoạt động xây dựng vùng nuôi công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn. Số lượng ao nuôi công nghệ cao ở Minh Phú Long An chỉ đạt 57 ao, Kiên Giang 80 ao.
Để giải quyết tình trạng trên, từ cuối năm 2019, Minh Phú đã liên tục rót vốn tại các công ty con để hoàn thiện vùng nuôi, đẩy nhanh năng lực sản xuất nhằm tăng số vụ nuôi tôm mỗi năm.
Bước sang năm 2020, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt dịch bệnh COVID -19 đang diễn biến phức tạp, điều này tạo ra cú sốc rất lớn về cả tổng cầu và cung của nền kinh tế thế giới, và làm ảnh hướng chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn thế giới.
Đây là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng xuất khẩu như MPC.
Có thể bạn quan tâm
Tôm Minh Phú thoát “án” lẩn tránh thuế bằng cách nào?
11:04, 13/02/2020
“Đòn kép” vào tham vọng của Minh Phú
11:01, 11/02/2020
[DOANH NGHIỆP VƯỢT KHỦNG HOẢNG] Minh Phú tự vượt lên từ các cuộc “khủng hoảng”
11:00, 28/02/2020
Minh Phú lên tiếng sau khi Mỹ thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá
15:54, 21/01/2020
"Vua tôm" Minh Phú bao giờ hết lao đao?
00:06, 20/01/2020
"Vua tôm" Minh Phú bắt tay FPT: Chuyển đổi số là con đường tất yếu
23:53, 07/01/2020
Bên cạnh đó, việc vướng vào những cáo buộc cho rằng MPC có khả năng tránh thuế bán phá giá đối với tôm nhập từ Ấn Độ của đại diện Mỹ Darin LaHood được coi là “đòn kép” vào tham vọng chiếm ¼ thị phần tôm toàn cầu của tập đoàn này.
Giữa năm 2019, Minh Phú nhận được thông tin về việc ngài Darin LaHood, Nghị sĩ Mỹ đã gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với MPC.
Yêu cầu này được đưa ra dựa trên thông tin từ một thư điện tử gửi đến Nghị sĩ LaHood, cáo buộc MPC có khả năng đã nhập khẩu một lượng lớn tôm đông lạnh của Ấn Độ, chế biến ở mức "tối thiểu" tại Việt Nam và bán qua Mỹ thông qua Mseafood với tư cách là sản phẩm của Việt Nam.
Khi đó, MPC cho biết vẫn chưa nhận được bất kì thông tin hay yêu cầu gì từ CBP cũng như bất kì cơ quan nào của Chính phủ Mỹ liên quan đến cáo buộc và yêu cầu nói trên.
Tuy nhiên, công ty cũng không phủ nhận việc có nhập khẩu tôm từ Ấn Độ với tỉ trọng nhỏ (khoảng 10%) trong tổng lượng nguyên liệu nhằm bổ sung nguyên liệu chế biến, bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam.
Đến tháng 1/2020, theo thông tin từ Seafoodsource, CBP đã chính thức gửi thông báo chính thức về điều tra liệu rằng CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá bằng việc nhập khẩu tôm từ Ấn Độ sau đó xuất khẩu sang Mỹ hay không.
Trao đổi với truyền thông, đại diện của Minh Phú cho biết Cơ quan Hải quan Mỹ gửi thông báo điều tra vào ngày 14/1 và đang chuẩn bị đến công ty để kiểm tra thực hư thông tin cáo buộc trên, đồng thời khẳng định hoạt động nhập khẩu tôm của Minh Phú để chế biến hoàn toàn bình thường giống như những công ty khác và “Minh Phú không vi phạm cam kết thương mại”.