[COVID-19] Doanh nghiệp du lịch "kiệt sức" nhưng vẫn bị từ chối hồ sơ vay
Rất nhiều doanh nghiệp du lịch đang vất vả tìm cơ hội vay vốn lãi suất thấp theo gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ vì ngân hàng từ chối hồ sơ vay do quan ngại khả năng trả nợ.
"Tê liệt" có lẽ là từ chính xác nhất để nói về ngành du lịch trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh tâm lý e ngại của khách hàng, việc tiến hành giãn cách xã hội nhằm ngăn dịch bệnh lây lan cùng với tạm đình các chuyến bay và dịch vụ vận chuyển hành khách là những đòn hạ gục ngành công nghiệp này.
Cơn đại hạn của du lịch
Nằm trong tâm bão, hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đã bị đóng băng, nhiều doanh nghiệp chấp nhận "ngủ đông", chờ trở lại sau dịch. Dẫu vậy, các chi phí tài chính, nhân sự,... vẫn là gánh nặng vô cùng lớn với họ.
Dù nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay nhưng các lữ hành vẫn gặp khó trong việc tiếp cận vốn vì ít tài sản thế chấp.
"Hiện nay, với doanh nghiệp du lịch của chúng tôi, khi gặp ngân hàng và tìm nguồn vốn thường gặp vấn đề ở việc tài sản thế chấp không có nhiều. Rất mong Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét và có cơ chế đặc biệt nào đó. Nếu cứng nhắc quá trong việc thế chấp tài sản thì đây sẽ là vấn đề đau đầu đối với những doanh nghiệp như chúng tôi", ông Trần Văn Long – Tổng GĐ Công ty Truyền thông Du lịch Việt chia sẻ.
Ông Trần Thế Dũng – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ kiêm Phó Chủ nhiệm Nhóm khuyến mãi kích cầu (Hiệp hội Du lịch TPHCM) kiến nghị rằng rất cần có những giải pháp cụ thể tái thiết khi dịch COVID-19 kết thúc. Ví dụ như, cần nhanh chóng hoạt động nhằm giữ lại lực lượng lao động vốn là nhân tố then chốt, đồng cam đồng khổ để phục hồi hoạt động kinh doanh của đơn vị.
“Ngành du lịch rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. Cụ thể như các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp dịch vụ và du lịch được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa. Các doanh nghiệp lữ hành cần hợp tác với các đơn vị cung ứng dịch vụ ở mọi miền đất nước để cùng chung tay giảm giá tour hưởng ứng chương trình kích cầu của Hiệp hội Du lịch TP, đặc biệt là khai thác vé máy bay kích cầu của các hãng hàng không để sản phẩm du lịch nội địa vừa hấp dẫn vừa được giá giảm sâu kích thích du khách nội địa.. Nếu được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng tận dụng giá vé máy bay kích cầu, dịch vụ giảm của các đơn vị chắc chắn giá tour sẽ giảm sâu, kích thích khách nội địa và cạnh tranh giá với các nước trong khu vực Đông Nam Á...”, ông Trần Thế Dũng góp ý.
Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều thế hiện nguyện vọng muốn được ngân hàng cho gia hạn thời gian đối với những gói đã vay, đồng thời vay mới với lãi suất ưu đãi hơn.
Nói về khó khăn khi mở cửa kinh tế trở lại, ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc công ty CP Du lịch Tân Thế Giới (New World Travel), cho biết: "Có thể ngành du lịch phục hồi vào quý 4 hoặc sang năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó. Công ty mong được vay vốn ngân hàng với mức lãi suất hỗ trợ. Trước đây, các doanh nghiệp có vay ký quỹ ở ngân hàng là 500 triệu đồng để tổ chức du lịch quốc tế, nhiều công ty muốn lấy lại một phần nhưng không lấy được. Tổng Cục Du lịch đang đề xuất để các doanh nghiệp có thể vay lại một phần số tiền đó.
"Trong tình hình này, công ty to chết kiểu to, bé chết kiểu bé. Có nhiều công ty đặt vé booking cả năm, nhưng khi gặp dịch COVID-19, hãng hàng không không trả tiền cho họ, đấy cũng là vấn đề chết dở của công ty du lịch. Hãng hàng không cũng còn thiệt hại nhiều hơn", ông Tùng chia sẻ.
Theo nhiều chuyên gia du lịch, các doanh nghiệp hiện khó tiếp cận nguồn vay ngân hàng và phải có tài sản thế chấp. Chủ trương ngân hàng giảm, miễn lãi suất lại khó đến với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mong muốn của doanh nghiệp hiện nay là được Nhà nước hỗ trợ ở 3 điểm: Thứ nhất, giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp từ đây đến cuối năm; thứ hai, miễn 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; thứ ba là giảm thuế TNCN đến 50%. Đó là cách hỗ trợ, động viên cụ thể, thiết thực đối với doanh nghiệp.
Gỡ khó cho du lịch
Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ giữa tháng 2, Hội đồng tư vấn du lịch từng kiến nghị giảm ngay thuế giá trị gia tăng du lịch từ 10% xuống 5%; cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng không bị phạt. Việc nộp thuế chậm có thể áp dụng đối với các khoản thuế giá trị giat ăng của quý IV/2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cho năm 2019.
Hội đồng cũng đề xuất giảm tiền sử dụng đất 50% cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và công viên chủ đề cho năm tài chính 2020 và 2021.
Lá thư thứ ba của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 4/2020, đã có những đề xuất cụ thể với mong muốn hỗ trợ tối đa để ngành du lịch phục hồi nhanh chóng sau khi đại dịch kết thúc. Cụ thể, TAB đề xuất gói tín dụng 150.000 tỉ đồng, được Chính phủ bảo lãnh dành cho doanh nghiệp du lịch và lữ hành. Doanh nghiệp sẽ được vay tối đa bằng tổng thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội đã đóng trong năm 2019.
TAB cho rằng, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu và các biện pháp hạn chế đi lại trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để ngăn dịch bệnh lây lan đã mang lại tác động mang tính hủy diệt với lĩnh vực lữ hành và lưu trú du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Cách startup du lịch ứng phó với COVID-19
04:53, 20/04/2020
Tương lai tươi sáng cho du lịch Việt sau COVID-19
05:00, 17/04/2020
Du lịch sẽ phải cơ cấu lại
16:42, 01/04/2020
Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp du lịch thiệt hại do COVID-19
11:05, 31/03/2020
Bất động sản du lịch tầm nhìn dài hạn
12:25, 29/03/2020
Du lịch gắn với nông nghiệp hướng đi bền vững
15:39, 28/03/2020
Lượng khách quốc tế đến bằng không, du lịch nội địa cũng gần như không còn gì. Điều đáng lo ngại nhất là số lao động mất việc ngày càng nhiều.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp lại đang rất vất vả tìm cơ hội vay vốn lãi suất thấp theo gói hỗ trợ tín dụng của chính phủ. Các ngân hàng từ chối hồ sơ vay vốn do quan ngại về khả năng trả nợ hoặc do người vay không thể chứng minh được sẽ có dòng tiền dương.
TAB cho rằng, sẽ rất khó khăn nếu chính phủ hỗ trợ tiền mặt cho doanh nghiệp nên đề xuất chính phủ chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150.000 tỉ đồng, tương đương 25% doanh thu của ngành du lịch trong năm 2019 nhằm giúp doanh nghiệp trong ngành.
Với gói này, người vay phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thể hiện là doanh nghiệp du lịch, lữ hành; có vốn điều lệ tối thiểu 3 tỉ đồng; có tối thiểu 10 lao động toàn thời gian; có bằng chứng đã đóng bảo hiểm xã hội, nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT.
Mức vay tối đa của từng doanh nghiệp bằng tổng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội đã đóng trong năm 2019. Lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm rút vốn vay +0,5%, cố định trong sáu tháng và điều chỉnh theo lãi suất tái cấp vốn tại thời điểm + 0,5%.
Doanh nghiệp sẽ được giải ngân theo quí, bắt đầu từ tháng 4 này và sẽ trả nợ trong hai lần, vào thời điểm 11 tháng sau mỗi lần rút vốn vay từ năm 2021.
Theo TAB, hỗ trợ bằng gói bảo lãnh tín dụng như thế này sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp và chuyên nghiệp duy trì hoạt động. Phía ngân hàng cũng dễ thực hiện việc cho vay.
Về việc giảm lãi suất cho các doanh nghiệp du lịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho biết đã quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6% xuống còn 5,5% cho doanh nghiệp thuộc các nhóm lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề, trong đó có du lịch.
Cùng với đó, đối với doanh nghiệp du lịch không có tài sản thế chấp, phía ngân hàng sẽ hỗ trợ với hình thức chứng minh bằng doanh thu.
"Họ cần có cái gì đó để chứng minh rằng họ có nguồn thu và chấp nhận cho ngân hàng quản lý nguồn thu ấy. Tức là coi như thế chấp bằng nguồn thu ngắn hạn của doanh nghiệp, có thể chứng minh bằng nguồn thu từ khách hàng trong thời gian tới", ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó GĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho hay.
Trên thực tế, du lịch Việt Nam từng bị cú sốc tê liệt vào năm 2009 do khủng hoảng kinh tế và dịch cúm A/H1N1. Ngay lúc đó, Tổng cục Du lịch đã thành lập nhóm kích cầu triển khai nhiều giải pháp như đề nghị Chính phủ giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho khách du lịch. Đặc biệt, các hãng hàng không cũng vào cuộc, giảm 55 - 60% giá vé máy bay... Ngay sau đó, hiệu ứng kích cầu rất lớn, ngành du lịch vượt qua khó khăn và đứng dậy. Với gói kích cầu lần này, hy vọng các DN sẽ dần khôi phục và phát triển mạnh mẽ trở lại. |