Hàng không tăng tốc sau COVID-19 ?
Mua thêm máy bay khi hầu hết hãng trên thế giới đang hủy đơn hàng, các hãng hàng không Việt Nam đang “lấy đà” để tăng tốc sau COVID-19.
Chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways cho hay hãng sẽ giữ vững mục tiêu nắm 30% thị phần nội địa cùng đội bay 40 chiếc trong 2020. Nếu tuyên bố này được hiện thực hóa, hãng sẽ biên chế thêm ít nhất 18 máy bay trong gần 6 tháng, tăng gần gấp đôi quy mô đội bay.
Đi ngược với lựa chọn của nhiều hãng bay thế giới
Hãng hàng không của Tập đoàn FLC cho biết vẫn sẽ hướng tới mục tiêu đội 50 tàu đặt ra hồi cuối năm 2019 nếu nhu cầu đi lại hồi phục tốt hơn dự kiến, các điều kiện thị trường tích cực và hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu về mở rộng quy mô trong quý 3 và quý 4.
Còn ông Dương Trí Thành, TGĐ Vietnam Airlines cho rằng, đây là thời điểm tốt để mua thêm máy bay, đón đầu thị trường sau dịch.
Dịch bệnh đang dần được khống chế, giá dầu tiếp tục đà giảm sâu cũng là một tín hiệu có lợi đối với ngành hàng không. Đây sẽ là những trợ lực rất lớn để các hãng hàng không vượt qua khó khăn.
Ông Thành nhận định dịch COVID-19 chính là cơ hội để mua thêm máy bay khi hầu hết hãng trên thế giới đang hủy đơn hàng. Bởi, cách đây khoảng 2 tháng, để đặt hàng một chiếc máy bay thì phải mất 3-4 năm mới được giao. Khi các hãng trên thế giới hủy đơn hàng thì giúp doanh nghiệp Việt có thể nhanh chóng có máy bay.
Thậm chí Vietnam Airlines còn lựa chọn phương án đẩy nhanh đặt mua thêm 50 máy bay với tổng mức đầu tư dự kiến gần 3,8 tỷ USD. Điều này đi ngược với lựa chọn của nhiều hãng bay thế giới khi nhiều đơn hàng đang được các hãng hủy.
Phục hồi thần tốc?
Như vậy, thay vì chọn cách tiếp cận thận trọng, các hãng hàng không Việt Nam đều đang đặt mục tiêu tham vọng và tin tưởng vào khả năng phục hồi mạnh mẽ thị trường hàng không nội địa và quốc tế sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Điều này lạc quan hơn khi mới đây Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kế hoạch khai thác các đường bay nội địa sau ngày 22/4.
Theo đó, Cục Hàng không VN kiến nghị Bộ GTVT tăng khai thác các đường bay nội địa lên tổng số 20 chuyến/ngày trong thời gian từ ngày 23 - 30/4/2020.
Theo dự báo giữa tháng 3/2020 của Cục Hàng không Việt Nam, thiệt hại của ngành hàng không Việt Nam lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chắc chắn sẽ gia tăng thêm nhiều lần sau khi Bộ GTVTđã có quyết định dừng nhiều đường bay nội địa, đặc biệt cắt giảm tần suất trục Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh để phòng chống dịch COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
Để tăng thu, các hãng hàng không Việt bán 'vé tháng'
15:23, 15/04/2020
Hàng không chuyển hướng để không bị “nằm đất”
22:20, 07/04/2020
"Cơn ác mộng" của ngành hàng không chưa dứt
11:08, 07/04/2020
[COVID-19] Hàng không Việt đang cạn kiệt nguồn lực
06:00, 06/04/2020
Bộ GTVT đưa đề xuất "giải cứu" hàng không
15:09, 05/04/2020
Thậm chí, trao đổi với báo chí vào cuối tháng 3, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết các hãng hàng không Việt đang rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực khi dòng tiền không còn, phải vận hành cầm chừng duy trì một số ít đường bay trọng điểm và mỗi hãng chỉ khai thác 1 chuyến bay/ngày. Đồng thời lo ngại rằng một số hãng hàng không có thể không trụ được, phá sản sau khủng hoảng COVID-19.
Tuy nhiên, dịch bệnh đang dần được khống chế, giá dầu tiếp tục đà giảm sâu cũng là một tín hiệu có lợi đối với ngành hàng không. Đây sẽ là những trợ lực rất lớn để các hãng hàng không vượt qua khó khăn, hồi phục thần tốc khi dịch được dập tắt.