[GIỮ LỬA TRÊN MỌI MẶT TRẬN] Phát huy tinh thần người lính chống “giặc” COVID-19
Dịch Covid-19 đã làm thế giới “chao đảo” với hơn 200 quốc gia bị ảnh hưởng; không chỉ gây “thảm họa” về số người tử vong mà còn làm cho nền kinh tế bị ngưng trệ,
Dịch Covid-19 đã làm thế giới “chao đảo” với hơn 200 quốc gia bị ảnh hưởng; không chỉ gây “thảm họa” về số người tử vong mà còn làm cho nền kinh tế bị ngưng trệ, các chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, tình trạng lao động mất việc làm, thất nghiệp tăng cao...
Đối với nước ta, Đảng, Chính phủ đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ; song sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế đất nước nói chung và các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) nói riêng là không thể tránh khỏi.
Do đó, các DNQĐ cần tích cực tháo gỡ khó khăn, chủ động các biện pháp ứng phó và phục hồi sản xuất sau đại dịch.
Hiện nay, dịch COVID-19 cơ bản đã được khống chế ở nước ta, nhưng nó đã và đang tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ, toàn diện, thậm chí là nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước; trong đó tác động vào 3 vấn đề lớn là: tăng trưởng, đầu tư và thương mại.
Sự tác động đó làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng, suy giảm tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng tới tâm lý xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động.
Kết thúc Quý I, tăng trưởng GDP của cả nước chỉ đạt mức 3,82% (thấp nhất trong 10 năm qua), chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân ở mức cao (tăng 5,56% so với bình quân cùng kỳ), lạm phát bình quân tăng 3,05% so với cùng kỳ…
Phát huy sức mạnh nội lực
Đối với các DNQĐ, do hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề (trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: xây dựng cơ bản, thương mại xuất nhập khẩu quân sự, dịch vụ và sản xuất công nghiệp…), nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn, mua sắm vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, do chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hoạt động xuất nhập khẩu, nghiệm thu, bàn giao hàng hóa, trang thiết bị máy móc từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… bị gián đoạn cũng gây ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ triển khai công việc của các đơn vị.
Theo thống kê sơ bộ Quý I/2020, cho thấy các ngành nghề phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, sử dụng nhiều lao động (xây dựng, thương mại dịch vụ, dệt may, du lịch…) đã bị ảnh hưởng nặng nề với doanh thu giảm từ 4,5% - 57,7%.
Sự sụt giảm này dự báo sẽ càng thể hiện rõ nét và sâu sắc ở giai đoạn tiếp theo khi hầu hết các nhà nhập khẩu trên thế giới đã dừng tiếp nhận các đơn hàng sản xuất đồ gia dụng, mặt hàng chưa thiết yếu… Và nếu trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài thì tổng doanh thu, lợi nhuận của các DNQĐ có thể tiếp tục bị giảm tới hơn 15-20%.
Trước tình hình đó, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và thực tiễn thực tiễn hoạt động của DNQĐ, Bộ Quốc phòng đã có chỉ thị 100/CT-BQP ngày 5/4/2020 về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đảm bảo an sinh xã hội trước những diễn biến mới của dịch Covid -19.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Quốc phòng, cùng nhiều giải pháp nhanh chóng, kịp thời đã giúp các doanh nghiệp duy trì tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không để lây lan vào đơn vị và hoạt động SXKD không bị dừng, gián đoạn, gây ảnh hưởng đến người lao động.
Nhiều doanh nghiệp đã phát huy được thế mạnh của mình, đã tích cực tham gia vào hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm phòng chống dịch, với dự kiến tăng trưởng dịch vụ viễn thông tăng 20-30%; dịch vụ logistics, kho hàng vận tải biển của TCT Tân cảng Sài Gòn tăng lên khoảng 7% (doanh thu tháng 3-4/2020); các doanh nghiệp dệt may tham gia sản xuất khẩu trang vải với năng lực đạt 1-1,5 triệu khẩu trang/ngày…
Đặc biệt, thời gian qua Viettel đã chủ động nghiên cứu, triển khai hàng loạt các giải pháp công nghệ đưa vào áp dụng thực tế để hỗ trợ Chính phủ và các Bộ, ngành trong công tác điều hành, phòng chống dịch, cụ thể như: xây dựng, triển khai, vận hành trang web sức khoẻ và ứng dụng sức khỏe Việt Nam.
Đồng thời, triển khai các ứng dụng giúp Chính phủ quản lý việc kê khai y tế tại các cửa khẩu sân bay, cảng biển; kết nối cầu truyền hình từ Bộ Y tế đến 22 bệnh viện lớn tại các tỉnh để hỗ trợ điều hành; kết nối chẩn đoán bệnh với khoảng 700 điểm cầu truyền hình; đảm bảo tốt hoạt động hội họp thông qua cầu truyền hình trên quy mô lớn cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng trong công tác điều hành phòng chống dịch; tăng gấp đôi dung lượng băng thông thuê bao cho khách hàng và là 1 trong 2 doanh nghiệp chủ đạo đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Bộ Giáo dục, các nhà trường thông qua cung cấp miễn phí giải pháp đào tạo trực tuyến cho học sinh, sinh viên với trị giá hàng nghìn tỉ đồng…
Thích nghi để hồi phục
Hiện nay, cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới phòng chống dịch dài hơi, căn cơ hơn, vừa thực hiện triệt để các biện pháp chống dịch, vừa thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, đời sống người lao động…
Do đó, để kịp thời thích nghi, duy trì ổn định hoạt động và đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, sẵn sàng cho việc hồi phục hoạt động SXKD sau dịch bệnh, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các DNQĐ tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ chủ yếu sau:
Trước hết, các doanh nghiệp cần tăng cường các biện pháp chống dịch, nâng cao ý thức của cán bộ, nhân viên trong việc phòng chống dịch bệnh, không hoang mang, tập trung sản xuất, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Chủ động, cập nhật thường xuyên tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh đến lĩnh vực SXKD để xây dựng, điều chỉnh các phương án phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, ngành nghề, nguồn lực hiện có của doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh.
Cùng với phòng chống dịch bệnh phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để nắm bắt thời cơ, đón nhận làn sóng phát triển kinh tế sau khi dịch bệnh tạm lui.
Các DNQĐ cần tích cực tiếp cận, nắm bắt thị trường để kịp thời tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm mới được hình thành. Chủ động tìm hướng đi mới trong bối cảnh COVID-19 kéo dài, tích cực tiếp cận và tận dụng thương mại điện tử để giao dịch trong điều kiện các phương thức giao dịch truyền thống đang gặp trở ngại; đẩy mạnh tái cấu trúc, đầu tư công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số…
Nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu sản xuất, triển khai đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng trong nước và xuất khẩu, nhất là các sản phẩm, hàng hóa phục vụ phòng chống dịch COVID-19; từ đó nâng cao cơ hội tìm kiếm và đa dạng hóa đơn hàng, thị trường để thay thế các đơn hàng, thị trường bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Tăng cường đoàn kết, hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ thông tin, tận dụng thế mạnh giữa các DNQĐ trong SXKD, rà soát các sản phẩm trong chuỗi sản xuất để bổ trợ lẫn nhau trong cung cứng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất; phối hợp với các Học viện, Nhà trường, Viện nghiên cứu để phát triển các sản phẩm công nghệ cao như máy thở, máy đo, rô-bốt… phục vụ công tác phòng chống dịch, phát huy các thế mạnh hiện có của từng doanh nghiệp.
Chú trọng nghiên cứu, nắm bắt các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Nhà nước và hướng dẫn của các cơ quan chức năng có liên quan về việc hỗ trợ tín dụng, thuế phí, bảo hiểm xã hội, miễn hoãn các khoản thuế thu nhập, hỗ trợ người lao động…; từ đó chủ động đề xuất với Bộ Quốc phòng, cơ quan chức năng để được áp dụng triển khai các giải pháp thực hiện phù hợp, tận dụng một cách thiết thực, đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp quân đội hòa nhập vào kinh tế hội nhập
05:00, 22/12/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Quân đội Nhân dân làm rạng danh lịch sử dân tộc
23:00, 20/12/2019
Cao tốc Bắc – Nam: Kỳ vọng lớn vào nhà thầu quân đội
13:05, 21/09/2019
Về phía các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất cho Bộ kịp thời có hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; trao đổi thông tin với các đối tác nước ngoài để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng, dự án xuất nhập khẩu sản phẩm quân sự, quốc phòng…
Qua đó, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Chính phủ, Chỉ thị số 100/CT-BQP của Bộ Quốc phòng và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống dịch; góp phần giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội ổn định, duy trì phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới.