Năm đại hạn của "ông lớn" bia miền Bắc Habeco
Dưới áp lực của 2 "gọng kìm" Nghị định 100 và đại dịch COVID-19, Habeco ghi nhận một quý bi thảm nhất từ trước tới nay khi lỗ gần 100 tỷ đồng trong quý 1/2020.
Nắm thị phần bia số ba tại Việt Nam, nhưng trong quí I Habeco cũng phải "đau đầu" vì kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Lần đầu báo lỗ sau hơn chục năm
Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) – "ông lớn" sở hữu thương hiệu bia Hà Nội và Trúc Bạch, vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý I với khoản lỗ gần 100 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Habeco ("ông lớn" sở hữu các thương hiệu bia Hà Nội và Trúc Bạch) chỉ đạt 770 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu sụt giảm kéo theo lợi nhuận gộp giảm hơn 55%, về mức 148 tỷ đồng.
Trong khi nguồn thu giảm mạnh thì chi phí vận hành biến động không đáng kể. Cụ thể, chi phí bán hàng là gần 185 tỷ đồng, giảm 3%; chi phí quản lý doanh nghiệp gần 81 tỷ đồng, tăng 4%.
Kết quả là Habeco báo lỗ trước thuế tới 96 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2019 lãi gần 98 tỷ đồng. Lỗ sau thuế của Habeco trong 3 tháng đầu năm 2020 là hơn 98 tỷ đồng, trong khi quí I/2019 lãi 64 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Habeco công bố mức lỗ trước thuế trăm tỷ đồng.
Ảnh hưởng từ việc thua lỗ cộng với việc tăng hàng tồn kho khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ của Habeco âm hơn 1.000 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ 2019, chỉ tiêu này của Habeco chỉ âm 430 tỷ). Theo đó, lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ của Habeco giảm từ mức 1.300 tỷ hồi đầu năm xuống chỉ còn gần 430 tỷ vào cuối tháng 3.
Đến cuối tháng 3, tổng tài sản hợp nhất của "ông lớn" ngành bia miền Bắc này giảm 12%, về gần 6.830 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 1.700 tỷ đồng, giảm gần 850 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong khi đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp này tăng 17,5%, lên 751 tỷ đồng, chủ yếu do tăng thành phẩm, hàng hóa.
Khó khăn chưa qua
Trong văn bản giải trình, ban lãnh đạo Habeco cho rằng do ảnh hưởng của COVID-19 và Nghị định 100 cấm lái xe sau khi dùng bia rượu khiến sản lượng tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2019.
Các doanh nghiệp ngành bia có lẽ đen đủi chỉ xếp sau ngành du lịch và hàng không trong năm nay. Trước đó, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) cũng công bố doanh thu giảm 47% chỉ còn hơn 4.900 tỉ đồng. Lợi nhuận ròng giảm 44% còn 717 tỉ đồng bất chấp các biện pháp tiết giảm chi phí, gia tăng hiệu quả.
Các doanh nghiệp bia là công ty con của Habeco và Sabeco đều công bố kết quả kinh doanh giảm sút nhiều chục phần trăm cùng với đó nhiều công ty cũng phải chịu cảnh thua lỗ.
Trong những năm gần đây, Habeco vấp phải sức cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ chính như Heineken, Sabeco và các thương hiệu của AB InBev... Biểu tượng ngành bia Bắc Bộ mất dần thị phần, ngay cả trên chính sân nhà. Kết quả doanh thu, lợi nhuận đi theo hình parabol.
Có thể bạn quan tâm
Sabeco "chật vật" vượt khó
04:01, 30/04/2020
Thương vụ 5 tỉ USD tỉ phú Thái mua cổ phần Sabeco giờ ra sao?
01:45, 18/03/2020
Doanh nghiệp rượu bia đề xuất sửa mức phạt nồng độ cồn
15:46, 24/03/2020
Công ty bia Sài Gòn -Tây Đô "kêu cứu" vì khó khăn trong kinh doanh
17:09, 04/03/2020
Cổ phiếu ngành bia giảm mạnh vì dịch cúm corona
04:00, 07/02/2020
Còn nhớ, năm ngoái, Habeco thiết kế lại thương hiệu và đẩy mạnh các chiến dịch cho ra mắt hai dòng bia mới, tuy vậy hiệu quả đem về sẽ cần thêm thời gian để có thể kiểm chứng.
Hồi tháng 1 năm nay, Habeco cũng từng mang bia ra trưng bày ở cổng công ty trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội để bán. Các quầy hàng được trang trí đẹp mắt, thu hút sự chú ý của người đi đường. Đây là lần đầu tiên Habeco tổ chức bán hàng và quảng bá hình ảnh như vậy.
Thực tế, từ trước khi bị ảnh hưởng bởi Nghị định 100 và dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh doanh của Habeco đã gặp nhiều khó khăn. Doanh thu và lợi nhuận của Habeco liên tục giảm trong năm 2017-2018 và chỉ tăng nhẹ trở lại trong năm 2019. Trong một báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, công ty này nhận định việc thoái vốn Nhà nước tại Habeco có thể diễn ra trong năm 2020. Tuy nhiên, SSI không kỳ vọng một mức định giá cao do hiệu quả hoạt động của Habeco khá mờ nhạt trong thời gian gần đây.