Doanh nghiệp hàng không "bắt nhịp" lại hậu COVID-19
Nhanh nhất cũng phải giữa năm sau thị trường nội địa mới có thể phục hồi hoàn toàn. Riêng với thị trường quốc tế phải đến hết năm 2021.
Các hãng hàng không Việt Nam vừa đón nhận một tin vui lớn khi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép khôi phục toàn bộ hoạt động vận tải khách trong nội địa kể từ 0h ngày 8/5. Đồng nghĩa với việc các hãng hàn không bình thường hóa tất cả các hoạt động khai thác thương mại tại thị trường nội địa.
Có thể năm 2021 mới phục hồi hoàn toàn
Ngay sau khi có quyết định khôi phục lại thị trường nội địa, các hãng hàng không đã lập tức công bố kế hoạch nối lại các đường bay trong nước.
Các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO) tiếp tục có kế hoạch tăng tần suất và khai thác trở lại các đường bay trong nước theo sự điều hành của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam, tiến tới phục hồi toàn bộ mạng bay nội địa từ tháng 6/2020. Trong tháng 5, hãng sẽ mở thêm 5 đường bay nội địa với giá vé chỉ từ 99.000 đồng/chặng.
Trở lại với bầu trời, Vietjet đã khai thác tất cả 45 đường bay nội địa. Dịp này, Vietjet dành tặng khách hàng chương trình khuyến mãi đặc biệt với vé siêu tiết kiệm chỉ từ 18.000 đồng bay khắp các điểm đến hấp dẫn trong nước, đáp ứng nhu cầu di chuyển, giao thương của người dân và du khách.
Trước đó để vượt bão, hãng đã mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát hành thẻ bay Power Pass, tung các chương trình khuyến mãi để kích cầu…
Ngoài ra, hãng Vietjet đã được Cục Hàng không VN cấp phép và bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để chủ động trong hoạt động khai thác, giảm chi phí, tăng doanh thu phụ trợ tại sân bay cũng như nâng cao được chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.
Hãng hàng không non trẻ Bamboo Airways vừa công bố một kế hoạch phát triển tới 40 tàu bay ngay trong năm nay.
Đại diện Bamboo Airways cho biết, vừa qua, hãng đã xây dựng và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ mới như mua một vé tặng hai vé, thẻ đa năng Bamboo Pass bay không giới hạn...
Về mạng bay, Bamboo Airways tăng cường tần suất các đường bay kết nối Hà Nội, TP HCM với các địa phương để phục vụ nhu cầu của hành khách.
Đối với thị trường quốc tế, Bamboo cho hay, tùy theo tình hình khắc phục dịch bệnh tại các nước bạn, hãng sẽ khôi phục hoạt động trên những đường bay thường lệ đã thiết lập như Hàn Quốc, Đài Loan, Séc.
Hãng cũng sẽ tái xúc tiến, xây dựng và kết nối các đường bay mới tới Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương đang bị tạm hoãn.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau khi Chính phủ cho phép hoạt động vận tải khách trở lại bình thường, tại thị trường nội địa, các hãng hàng không Việt Nam sẽ chỉ cần khoảng 1 tháng để cơ bản phục hồi toàn bộ mạng đường bay cũng như tần suất khai thác, kịp phục vụ cao điểm hè 2020.
Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn sự phục hồi của ngành hàng không, ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay: “Năm nay sẽ không có cao điểm hè. Hàng không sẽ không thể phục hồi ngay được. Dịch COVID-19 diễn biến quá phức tạp”.
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT đánh giá tác động của dịch COVID-19, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) Đoàn Hữu Gia dự báo sản lượng bay đi, đến tháng 5/2020 ước đạt 105% so với thực hiện của tháng 4/2020.
Từ tháng 6/2020 - 12/2020, sản lượng mỗi tháng ước đạt 120% so với tháng trước liền kề.
Phía Cục Hàng không VN, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho hay, trong thời gian dịch bệnh, hoạt động hàng không hầu như bằng 0. Sau khi có chỉ đạo bỏ giãn cách xã hội, thị trường hàng không nội địa có dấu hiệu phục hồi tương đối tốt.
Ông Thắng cho rằng, dự báo trong dịp cao điểm hè, lưu lượng khách chỉ bằng 60% của năm 2019. Nguyên nhân là trong dịp hè, học sinh vẫn đi học, lượng khách đi du lịch vẫn giảm.
Nhận định về khả năng phục hồi của thị trường, ông Thắng cho rằng, nhanh nhất cũng phải giữa năm sau thị trường nội địa mới có thể phục hồi hoàn toàn. Riêng với thị trường quốc tế phải đến hết năm 2021.
Đợi thêm lực đẩy chính sách
Hiện khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không vẫn rất lớn do toàn bộ đường bay quốc tế đang bị đóng băng, chưa thể xác định rõ thời gian bay trở lại khi tình hình COVID-19 tại các điểm đến rất phức tạp. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, các đường bay quốc tế kết nối thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… mang lại các khoản doanh thu, lợi nhuận lớn cho các hãng hàng không trong nước.
“Đề nghị Chính phủ sớm chọn lọc cho phép mở lại các đường bay quốc tế đến/đi các quốc gia đã khống chế tốt dịch bệnh như Hàn Quốc, điều này vừa giúp các doanh nghiệp hàng không, vừa mang khách quốc tế cho ngành du lịch”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vietravel, kiêm Chủ tịch Vietravel Airlines đề xuất.
Được biết, để gỡ khó cho các doanh nghiệp hàng không, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đang khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không (giảm phí để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của Covid-19).
Trước đó, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách áp dụng chung cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực hàng không như cho phép các cơ quan, đơn vị được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020, hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Đối với các hãng hàng không Việt Nam, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020, hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch...
Đánh giá cao chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ GTVT, Hãng hàng không Vietjet kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét miễn phí sử dụng sân đậu đối với các tàu bay của Hãng trong thời gian từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, ngành hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19, trong khi đây lại là khâu đầu tiên trong chuỗi cung ứng của nhiều ngành kinh tế và là một trong những điều kiện để hoạt động giao thương, đầu tư quay trở lại sau dịch bệnh.
“Vì vậy, các chính sách hỗ trợ nói trên là rất cần thiết để ngành hàng không có thể duy trì và phục hồi, cùng với cả nước chuẩn bị tốt các điều kiện để bật dậy sau dịch như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hà cho biết.
Tạm thời chưa xem xét thành lập hãng hàng không mới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định, trước mắt, Bộ tạm thời chưa xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới. Việc này sẽ chỉ được nghiên cứu sau khi thị trường hàng không phục hồi sau dịch Covid-19 để bảo đảm quản lý Nhà nước về hàng không và phát triển bền vững. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã giao Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) khẩn trương dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, bảo đảm quản lý Nhà nước về hàng không và phát triển bền vững. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý các vấn đề về tiêu chí của sân bay căn cứ khi thành lập hãng hàng không; ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm thị trường vận tải hàng không thế giới và Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, chưa xác định được thời gian phục hồi, do đó tạm thời chưa xem xét thành lập hãng hàng không mới. Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng HKVN đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi. Có thể bạn quan tâm
|