Theo Cục Hàng không Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã cho phép mở lại đường bay nội địa tuy nhiên mới chỉ khôi phục được một phần, còn khoảng 70%-80% đội tàu bay vẫn đang nằm đất.
Mặc dù Hàng không Việt Nam đang khôi phục lại toàn bộ đường bay nội địa nhưng vẫn còn một lượng lớn tàu bay vẫn đang đậu tại 2 Cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) do lượng khách còn ít cùng với đó là đường bay quốc tế chưa được khai thác.
Điều đáng nói, dù đang phải “đắp chiếu” hàng loạt máy bay nhưng hãng hàng không vẫn phải chi trả vài trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ đồng mỗi tháng để duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, đậu đỗ…
Đơn cử như đội bay Vietnam Airlines hiện có 108 chiếc, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc Airbus 350. Mỗi tháng, tiền thuê, lãi ngân hàng của một chiếc “siêu máy bay” này rơi vào khoảng 1 triệu USD/chiếc, cả đội “siêu máy bay” là khoảng gần 30 triệu USD/tháng.
Với Vietjet Air, hãng đang có 75 tàu Airbus 320, Airbus 321 khai thác, ước tính khoản tiền mà Vietjet phải trả có thể lên tới 20 triệu USD/tháng. Điều này cũng không quá khó để ước số tiền mà Bamboo Airways phải chi trả cho đội tàu bay gồm 3 chiếc Boeing 787-9 và 20 chiếc máy bay thân hẹp mỗi tháng.
Ngoài chi phí thuê tàu (hoặc trả lãi vay), hãng hàng không còn phải trả cả tỷ đồng cho tiền đậu đỗ. Được biết, tiền đậu đỗ tại sân bay mỗi ngày của một chiếc Airbus 321 khoảng 1,6 triệu đồng, với dòng Boeing 787 là 4,16 triệu đồng. Như vậy, riêng tiền sân đỗ máy bay, mỗi tháng, Vietnam Airlines phải chi trên 6 tỷ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng.
Trước thực tế này, đại diện Cục Hàng không Việt Nam phải ngậm ngùi nhận định, lịch sử ngành hàng không Việt Nam chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn, bi đát như bây giờ.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, phải tới giữa năm 2021 thị trường hàng không trong nước mới cơ bản khôi phục hoàn toàn. Thậm chí, thị trường hàng không quốc tế còn chậm hơn, dự báo phải tới cuối năm 2021 mới khôi phục bằng năm 2019.