“Đại gia bê tông” Beton 6: "Sai một ly đi một dặm"

Nha Trang 15/05/2020 05:15

Hoạt động kinh doanh của Beton 6 bộc lộ nhiều vấn đề từ những năm 2015; chủ động hủy niêm yết để tái cơ cấu, nhưng giới đầu tư chỉ thấy một doanh nghiệp sản xuất bê tông lâu đời ngày càng bết bát.

CTCP Beton 6 (UPCoM: BT6) đã làm thủ tục phá sản gửi đến cơ quan chức năng và đang chờ giải quyết. Hiện, toàn bộ tài sản trong công ty đều bị ngân hàng niêm phong để siết nợ với khoản nợ lên đến hơn nghìn tỷ đồng. Người lao động nghỉ việc chưa được trả trợ cấp với số tiền hàng tỷ đồng.

Nạn nhân của các thương vụ thâu tóm

Tiền thân của BT6 là Công trường đúc đá tiền áp Châu Thới, được thành lập năm 1958 bởi Tập đoàn RMK của Mỹ. Lĩnh vực kinh doanh chính của BT6 là sản xuất và lắp đặt cấu kiện bê tông đúc sẵn; sản xuất vật liệu xây dựng; gia công, sửa chữa các dụng cụ cơ khí máy móc. Trong lĩnh vực sản xuất bê tông, BT6 có ưu thế nổi trội về mảng bê tông cốt thép siêu trọng như dầm Super T.

CTCP Beton 6 (UPCoM: BT6) đã làm thủ tục phá sản gửi đến cơ quan chức năng và đang chờ giải quyết

CTCP Beton 6 (UPCoM: BT6) đã làm thủ tục phá sản gửi đến cơ quan chức năng và đang chờ giải quyết

Trong lĩnh vực thi công xây lắp các dự án lớn tại Đông Nam bộ và ĐBSCL đều có sự tham gia của BT6, như công trình hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân, cầu Phú Mỹ, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.

BT6 sở hữu nhà máy chính rộng 27ha với công suất lên đến 15.000m3 cấu kiện bê tông/tháng tại Dĩ An (Bình Dương) và Nhà máy Bê tông 6 - Long Hậu (Long An), có quy mô 7ha với công suất 7.000m3 cấu kiện bê tông/tháng.

Với thế mạnh kể trên cộng với việc CP được niêm yết từ khá sớm, cơ cấu cổ đông của BT6 thường xuyên có sự góp mặt của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, như AM Fraser Securities, MayBank Kim Eng Securities, Golden Trinity Assets, Commerzbank (South East Asia), Mutual Fund Elite, Tổng công ty Công trình giao thông 6, Công ty TNHH Mascon, Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng và Xi măng HB, CTCP Xây dựng đầu tư HB, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Tân Việt.

Tuy nhiên, số phận của BT6 lại được quyết định bởi nhóm cổ đông đến từ Kusto Group và Bình Thiên An, với đại diện là ông Trịnh Thanh Huy. Ông Huy được biết đến là một trong những cổ đông sáng lập Tập đoàn Masan (MSN) tại Nga cùng với ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh. Năm 2006, ông Huy tham gia thành lập Bình Thiên An, chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương (quận 2, TPHCM) và Kusto Group, tập đoàn đầu tư vào rất nhiều doanh nghiệp niêm yết như CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), CTCP Gemadept (GMD).

Một trong những quyết định có sự tham gia của ông Huy tại BT6 là kế hoạch hủy niêm yết CP để tái cơ cấu các hoạt động sản xuất kinh doanh được thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2015. Kế hoạch dù vấp phải sự phản đối từ các cổ đông nhỏ, nhưng với tỷ lệ nắm giữ áp đảo của nhóm Bình Thiên An/Kusto (nắm 79% cổ phần), tờ trình hủy niêm yết vẫn được thông qua.

Giải trình với cổ đông về quyết định này, HĐQT BT6 cho biết mục đích hủy niêm yết là thực hiện mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tập trung phát triển doanh nghiệp. Thậm chí, HĐQT của BT6 còn vẽ ra kế hoạch huy động vốn cho đến năm 2016.

Cụ thể, BT6 sẽ phát hành 40 triệu CP với giá phát hành không thấp hơn mệnh giá cho cổ đông hiện hữu hoặc NĐT chiến lược. Song song đó, BT6 lên kế hoạch phát hành 4 triệu trái phiếu thông thường, hoặc trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần với mệnh giá 100.000 đồng.

Mỗi đợt phát hành này dự kiến mang lại 400 tỷ đồng. Đồng thời BT6 còn vay trung và dài hạn thêm 400 tỷ đồng, nâng tổng số tiền huy động cả giai đoạn 2014-2016 lên tới 1.200 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được bổ sung vốn lưu động, mua sắm máy móc thiết bị, mở rộng nhà xưởng sản xuất.

Trái với sự mong đợi, kết quả thu được sau kế hoạch tái cơ cấu là những cú trượt dài về hiệu quả kinh doanh của BT6 trong những năm kế tiếp. Theo báo cáo tài chính 2016, dù doanh thu đạt 955 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của BT6 chỉ vỏn vẹn 4,3 tỷ đồng (năm 2015 là 145 tỷ đồng).

Năm 2017, doanh thu bất ngờ sụt giảm xuống còn 520 tỷ đồng (giảm 46%), lợi nhuận âm 139,3 tỷ đồng. Chưa dừng lại, năm 2018, BT6 tiếp tục báo lỗ gần 323 tỷ đồng, trong khi doanh thu tụt xuống chỉ còn 134 tỷ đồng. Đáng báo động là tình hình tài chính khi BT6 đối mặt với khoản 394 tỷ đồng giá trị nợ khó đòi, trong đó con số có khả năng thu hồi 229 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ được HĐQT BT6 giải thích do thị trường xây dựng tiêu cực, nhiều dự án bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, số lượng đơn hàng giảm. Đặc biệt, các ngân hàng đồng loạt giảm hạn mức tín dụng khiến BT6 không đủ khả năng thanh toán cho các chủ nợ và nhà cung cấp. Sau khi góp phần đẩy BT6 vào tình cảnh khốn khó, nửa cuối năm 2018, ông Huy quyết định tháo chạy bằng việc đăng ký bán ra phần lớn CP BT6, giảm tỷ lệ nắm giữ từ xấp xỉ 14% xuống còn 1%.

Trong báo cáo tài chính quí III/2019, kết thúc ngày 30/9/2019, Beton 6 hé lộ tình hình hoạt động hết sức khó khăn.

Cụ thể, doanh thu sau 3 quí chỉ đạt 30,5 tỉ đồng, giảm 73% so với cùng kì. Giá vốn vượt doanh thu 11 tỉ đồng, trong khi chi phí lãi vay vẫn ở mức hơn 26 tỉ đồng. Dù khi phí vận hành doanh nghiệp được cắt giảm mạnh, nhưng cũng không giúp Beton 6 tránh khỏi khoản lỗ ròng 42 tỉ đồng. Những dấu hiệu dự báo năm thứ ba tiếp tục thua lỗ nặng tại công ty này.

Điều gì đến sẽ đến?

CTCP Beton 6, giao dịch trên UPCoM với mã BT6 đã làm thủ tục phá sản gửi đến cơ quan chức năng và đang chờ giải quyết. Hiện, toàn bộ tài sản trong công ty đều bị ngân hàng niêm phong để siết nợ với khoản nợ lên đến hơn nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo được công bố gần đây nhất của BT6, đứng đầu trong danh sách vay nợ của công ty là VietinBank (gần 189 tỷ đồng), Vietcombank (gần 65 tỷ đồng), Eximbank (65 tỷ đồng), NCB (30 tỷ đồng). Đây đều là các khoản vay ngắn hạn và được đảm bảo bằng các khoản phải thu khách hàng cũng như quyền đòi nợ từ các hợp đồng thi công và các tài sản máy móc.

Các khoản vay dài hạn của BT6 là từ Công ty TNHH Cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam (2,2 tỷ) và Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu (326 triệu đồng).

Ông Vương Đức Thiên - Trưởng phòng Pháp lí CTCP Beton 6 (Mã: BT6) cho biết doanh nghiệp này đã làm thủ tục phá sản gửi đến cơ quan chức năng và đang chờ giải quyết.

Ông Thiên cho biết, Beton 6 đang lâm vào cảnh bế tắc, khó khăn về tài chính, ngay khoản trợ cấp cho người lao động sau khi thôi việc cũng chưa được trả hết. Trong những ngày qua, khoảng 70 lao động từng làm việc tại Beton 6 nhiều năm nhưng chưa được trả tiền trợ cấp theo qui định đã đến trụ sở công ty này tại Dĩ An, Bình Dương để đòi quyền lợi.

Hiện công ty vẫn đang duy trì hoạt động theo đơn hàng nhưng được sự giám sát của cơ quan chức năng; lực lượng lao động từ hàng nghìn người giảm còn dưới 200 người.

Như vậy, doanh nghiệp sản xuất bê tông giàu truyền thống hơn 60 năm tuổi đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Có thể bạn quan tâm

  • Làn sóng phá sản chuỗi bán lẻ truyền thống

    Làn sóng phá sản chuỗi bán lẻ truyền thống

    10:10, 14/05/2020

  • Cạn kiệt vốn, Wefit - startup tiên phong trong lĩnh vực fitness chính thức tuyên bố phá sản

    Cạn kiệt vốn, Wefit - startup tiên phong trong lĩnh vực fitness chính thức tuyên bố phá sản

    06:36, 12/05/2020

  • Chính quyền lửng lơ, doanh nghiệp bên bờ phá sản (Kỳ II):

    Chính quyền lửng lơ, doanh nghiệp bên bờ phá sản (Kỳ II): "Đá bóng" trách nhiệm

    11:01, 07/05/2020

  • Hai lần phá sản, tôi lấy tiền đâu để khởi nghiệp lần thứ 3?

    Hai lần phá sản, tôi lấy tiền đâu để khởi nghiệp lần thứ 3?

    08:23, 04/05/2020

  • Chính quyền “lửng lơ”, doanh nghiệp bên bờ phá sản

    Chính quyền “lửng lơ”, doanh nghiệp bên bờ phá sản

    05:10, 26/04/2020

  • Phá sản: Cơ hội mới cho Virgin Australia!

    Phá sản: Cơ hội mới cho Virgin Australia!

    06:30, 23/04/2020

Nha Trang