"Lối thoát hiểm" cho hàng không Việt?
Ngành hàng không Việt Nam, vừa mới trở nên sôi động do có cạnh tranh giờ lại gặp khó khăn nhất trong các ngành kinh tế khi máy bay phơi bụng ở sân bay, hoạt động dịch vụ ngưng trệ.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam nhấn mạnh: Ngành hàng không được xem là một trong những ngành chịu tác động lớn từ dịch bệnh. Có thời điểm hầu như tất cả đội bay không thể cất cánh, có nhiều thời điểm các hãng hàng không không có chuyến bay nào.
"Trăm dâu đổ đầu hàng không"
Đánh giá thiệt hại của hàng không Việt Nam do bệnh dịch, ông Đinh Việt Thắng cho biết: "Hoạt động hàng không gián đoạn, tình hình hết sức nghiêm trọng. Dòng tiền bị gián đoạn, hầu như không có doanh thu trong thời gian đầu xảy ra dịch bệnh".
Trong khi đó, mọi chi phí cố định vẫn phải chi trả với lượng khổng lồ. Doanh nghiệp bị mất cân đối, thiệt hại về doanh thu lên tới nhiều tỷ USD.
Thiệt hại về lợi nhuận thì đang bắt đầu được doanh nghiệp tính toán, đơn cử như Vietnam Airlines con số thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. "Thực sự COVID-19 đặt ra hoàn cảnh hết sức khó khăn đối với ngành hàng không", ông nhấn mạnh.
Đánh giá cao sự thích ứng nhanh nhạy của các hãng hàng không ngay khi có lệnh nới lỏng giãn cách xã hội, tuy nhiên, ông Thắng lưu ý chính đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất các hãng phải đối mặt. Nguyên nhân trong đại dịch, các hãng đàm phán được giãn nợ với các chủ nợ, nhưng bây giờ đây là giai đoạn có doanh thu thì bắt đầu đòi nợ. Nhiều doanh nghiệp mất cân đối doanh thu diễn ra trầm trọng, có thể dẫn tới phá sản.
Đánh giá cao về khả năng phục hồi của thị trường hàng không Việt Nam, tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM, cho rằng về nguyên tắc thị trường, càng cạnh tranh càng có lợi cho người tiêu dùng nhưng với hàng không chưa hẳn là đúng. Những hãng bay mới lập thường chấp nhận chịu lỗ ban đầu để có chất lượng tốt, cạnh tranh giá rẻ để hút khách. Kinh doanh hàng không có tỷ suất lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm và với thị trường như hiện nay, rất khó cạnh tranh với VNA và Vietjet. Nhưng các hãng không thể thua lỗ mãi mà phải tính đúng, tính đủ để tồn tại.
Theo thống kê, 1 chiếc máy bay đang phải chịu hơn 20 loại phí. Chỉ tính riêng năm 2019, phí phục vụ tại nhà ga của các hãng hàng không đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, phí điều hành bay trên 1.500 tỷ đồng, phí đỗ máy bay cũng lên tới hàng chục tỷ đồng/năm...
Có thể thấy rằng, ngành hàng không Việt Nam vừa mới trở nên sôi động do có cạnh tranh, nay đang gặp khó khăn nhất trong các ngành kinh tế, máy bay phơi bụng ở sân bay, hoạt động dịch vụ ngưng trệ.
Hiện VNA Group, Vietjet, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đang có 40.000 việc làm, tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 22.000 tỷ đồng/năm. Về số nộp ngân sách, ngành hàng không tương đương vị trí thứ 9 trong top 10 địa phương có số thu lớn nhất cả nước. Trong tổng số hơn 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019, có gần 14,4 triệu lượt là khách hàng do ngành hàng không mang lại.
Đừng trước sự thiệt hại nặng nề của đại dịch nhưng hàng không ngóng hỗ trợ như "nắng hạn mong mưa". Tuy nhiên mới chỉ có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có động thái hỗ trợ khi thông báo miễn, giảm 7 loại phí thực hiện từ tháng 3 đến tháng 8/2020 (6 tháng). Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng việc miễn giảm này chỉ mang tính hình thức.
Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không phân tích, trong số 7 loại dịch vụ được ACV miễn, giảm cho các hãng hàng không, phí dẫn tàu bay được ACV giảm 50%, nhưng vấn đề là hiện nay, phần lớn máy bay của các hãng hàng không khi đó đều đang “đắp chiếu” do vắng khách, thì vốn đã không có nhiều chuyến bay để áp phí.
Dịch vụ được giảm nhiều nhất là miễn 100% phí dịch vụ thuê văn phòng đại diện nếu các hãng dừng bay và giảm 30% với các văn phòng còn lại cũng không mang nhiều ý nghĩa, bởi hầu hết hoạt động của các văn phòng đại diện mà doanh nghiệp thuê của ACV đều đã... đóng cửa.
Trong khi đó, các dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất, là những dịch vụ chiếm đáng kể trong chi phí hiện tại của các hãng hàng không, thì lại chỉ được giảm... 10%.
Đặc biệt, với phí sân đậu tàu bay, ACV hoàn toàn không miễn, giảm, khi vẫn đang duy trì tính ở mức 32.000 đồng/tấn/ngày. Với trọng lượng máy bay từ vài chục cho đến hàng trăm tấn/chiếc, tính ra các hãng hàng không phải trả cho phí đỗ 3 triệu đồng/ngày/máy bay, trong bối cảnh máy bay đậu la liệt các sân bay giai đoạn này vì không có khách.
Về phía Bộ GTVT, giữa tháng 4/2020, Bộ đã có văn bản đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách áp dụng chung cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực hàng không: Cho phép các cơ quan, đơn vị được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/01-31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/01-31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn. Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Đồng thời áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (ACV, Công ty cổ phần dữ liệu trực tuyến Việt Nam-VDO và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không khác) thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.
Bộ GTVT cũng đề xuất xem xét kiến nghị khác của các hãng hàng không Việt Nam về việc hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán (cụ thể với từng hãng)
"Trông người lại ngẫm đến ta"
Ngành hàng không thế giới đưa ra 2 mô hình là W (trung hạn đi xuống dài hạn) và hình chữ V. Tại thời điểm dịch SARS diễn ra, thị trường hàng không thế giới dự báo sẽ phục hồi theo hình chữ V.
Hãng tư vấn Moody mới đây đã hạ mức đánh giá của ngành hàng không và công nghiệp quốc phòng thế giới xuống bi quan.
Nhìn bức tranh chung thế giới có thể thấy, dịch COVID-19 đã đẩy nhiều hãng hàng không đến bước đường cùng, thậm chí có hãng có trăm năm tuổi bị phá sản. Có thể đơn cử một số hãng như Virgin Australia, Avianca Holdings, hay mới đây là hãng hàng không quốc gia Thái Lan - Thai Airways cũng lâm vào cảnh "bi đát" chờ được Chính phủ "giải cứu".
Trong bối cảnh nhiều hãng hàng không có nguy cơ "hấp hối", Chính phủ nhiều nước đã nhanh chóng hành động hỗ trợ và giải cứu.
Hồi tháng 3/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này trị giá 2.200 tỷ USD để đối phó với đại dịch COVID-19 với trọng tâm là trợ cấp trực tiếp cho người dân. Trong số này, lĩnh vực hàng không được phân bổ vào phần 500 tỷ USD dành để hỗ trợ vay cho các tập đoàn lớn của Mỹ. Trong đó, trước mắt các hãng hàng không chở khách được nhận 25 tỷ USD, các hãng hàng không chở hàng được nhận 4 tỷ USD, các nhà thầu phục vụ ngành hàng không được nhận 3 tỷ USD. Số tiền này bao gồm tiền trợ cấp và vay ưu đãi có thời hạn không quá 5 năm.
Tại châu Âu, quốc hội Na Uy cũng đã thông qua gói cứu trợ cho các hãng hàng không nước này bằng khoản vay ưu đãi trị giá 550 triệu USD. Bộ trưởng Công nghiệp Na Uy Iselin Nybo cho biết: “Đây là khoảng thời gian khó khăn cho công nghiệp hàng không nhưng chúng tôi tin rằng một gói hỗ trợ sẽ giúp họ dễ dàng vượt qua hơn”. Riêng hãng Norwegian Air nhận được nhiều nhất gói hỗ trợ trên khi chiếm tới một nửa, tương đương 278 triệu USD. Và họ đã nhận được khoản tiền hỗ trợ đầu tiên của chính phủ trị giá 26,6 triệu USD.
Tại châu Đại Dương, hãng hàng không Air New Zealand đã nhận được khoản vay ưu đãi trị giá 530 triệu USD trong hai năm từ chính phủ để khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Tài chính nước này Grant Robertson cho biết, nếu không có sự can thiệp khẩn cấp này thì đất nước New Zealand có nguy cơ không còn hãng hàng không quốc gia.
Còn tại nước láng giềng Australia, ngành hàng không xứ chuột túi sẽ nhận gói cứu trợ trị giá 715 triệu USD bên cạnh việc chính phủ miễn giảm một loạt các loại phí như phí xăng dầu, phí an ninh, phí dịch vụ nội địa… để hỗ trợ ngành vượt qua khó khăn do đại dịch.
Tại khu vực Nam Á, đất nước đang phong tỏa toàn quốc là Ấn Độ có kế hoạch triển khai gói cứu trợ ngành hàng không nước này trị giá lên tới 1,6 tỷ USD. Bộ Tài chính Ấn Độ đang cân nhắc các đề xuất bổ sung để giải cứu ngành hàng không trong nước như tạm hoãn thuế xăng dầu hàng không, giãn nợ cho đến khi hoạt động bay trở lại bình thường.
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore vừa tung gói cứu trợ thứ hai trị giá 33 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế, nâng tổng số tiền giải cứu lên hơn 37 tỷ USD, bằng 11% GDP nước này. Các hãng hành không, doanh nghiệp và người dân nước này được miễn thuế tài sản, hoãn thu phí, lệ phí trong 1 năm, hỗ trợ tiền lương cho doanh nghiệp…
Thái Lan sau khi giảm 96% thuế bảo vệ môi trường và áp dụng hàng loạt chính sách hỗ trợ khác cho các hãng hàng không, tuần qua, trong gói kích thích kinh tế 12,7 tỷ USD, các hãng hàng không tiếp tục nhận thêm chính sách hỗ trợ mới. Tương tự, trong gói giải cứu kinh tế, Malaysia đã hạ lãi suất xuống chỉ còn 2,5%.
Trông người lại ngẫm đến ta, giới đầu tư đang mổ xẻ hoạt động của ngành hàng không Việt Nam để có những nhận định riêng của mình.
Dù con số lỗ của Vietnam Airlines và Vietjet, hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam trong quý I đều đỡ xấu hơn so với dự liệu, nhưng có những lý do để thấy cần phải có cái nhìn thận trọng hơn với triển vọng của ngành.
Dịch Covid-19 đã cho thấy những ảnh hưởng rõ rệt bắt đầu từ cuối quý I, tác động lên cả du khách nước ngoài cũng như nhu cầu nội địa.
Việc dừng toàn bộ các đường bay quốc tế từ giữa tháng 3 và duy trì cầm chừng các đường bay nội địa ở mức tối thiểu từ đầu tháng 4 với quy định giãn cách hành khách, khiến số lượng chuyến bay khai thác của các hãng ghi nhận sự sụt giảm cực mạnh so với cùng kỳ.
Số liệu của Vietnam Airlines cho thấy, số chuyến bay khai thác quý I giảm 18,5%, còn mức giảm của 4 tháng thì lên tới 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đang kiểm soát dịch tương đối tốt, do đó, các tuyến bay từng bước được mở lại, tuy nhiên nhu cầu sẽ khó có thể sớm hồi phục về mức trước thời điểm đại dịch xảy ra.
Trước hết là doanh thu từ khách quốc tế được dự báo sẽ sụt giảm mạnh. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 2,99 triệu người, giảm 15% so với cùng kỳ.
Trong đó, lượng khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm lần lượt 32%, 26% và 14%, đây đều là những thị trường quan trọng với Việt Nam. Riêng 3 thị trường này đã chiếm hơn 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm.
Giả định rằng, các chuyến bay quốc tế có thể từng bước được nối lại trong quý III, với di chuyển công vụ có thể phục hồi trước do nhu cầu trên toàn thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất thì lượng khách quốc tế cả năm 2020 được giới chuyên gia du lịch ước sụt giảm 69%.
Với khách nội địa, hiện toàn bộ các chuyến bay nội địa đã được các hãng hàng không khai thác trở lại, đơn cử Vietnam Airlines khai thác 142 - 196 chuyến/ngày.
Tuy vậy, với tâm lý thận trọng của người dân, nhu cầu đi lại khó có thể phục hồi ngay lập tức như cũ. Tổng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không trong năm nay được dự báo sẽ giảm 34,8%.
Khó khăn còn buộc các hãng hàng không phải cạnh tranh khốc liệt dẫn tới hiệu quả hoạt động giảm mạnh, thu khó có thể bù đủ chi
Ở Việt Nam, đến nay, các hãng hàng không chưa nhận được gói hỗ trợ cụ thể nào của Chính phủ. Tất cả mới dừng ở nghiên cứu, đề xuất. Đối với dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế GTGT, TNDN và thuê đất do Bộ Tài chính trình Chính phủ , Thủ tướng cho rằng hỗ trợ như vậy là thấp, Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ lớn và riêng 2 ngành hàng không, du lịch sẽ có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Các hãng hàng không bằng nhiều con đường đã đề xuất Chính phủ áp dụng các giải pháp hỗ trợ, thậm chí như Vietnam Airlines đã đề xuất được vay 12.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm và giải ngân ngay từ tháng 4.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể thấy đây là những đề xuất khó khả thi. Bởi vậy, các hãng đang kỳ vọng về những giải pháp “trợ thở” khác như Chính phủ miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến 31/12/2019; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp hàng không "bắt nhịp" lại hậu COVID-19
04:00, 13/05/2020
Hàng loạt máy bay vẫn "đắp chiếu", hàng không sẽ phục hồi vào cuối 2021?
11:00, 12/05/2020
Hàng không Việt bao giờ mới qua "cơn bĩ cực"?
11:00, 07/05/2020
United Airlines giảm biên, “phát súng” mào đầu cho ngành hàng không Mỹ
06:30, 06/05/2020
Nhiều đề xuất "ứng cứu" ngành hàng không
03:00, 04/05/2020
Hàng không tăng tốc sau COVID-19 ?
11:00, 25/04/2020