Tổng công ty Đường sắt tiếp tục ở lại "siêu" Ủy ban
Thủ tướng Chính phủ đồng ý với Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc, chưa điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về lại Bộ GTVT.
Tổng công ty Đường sắt tiếp tục ở lại "siêu" Ủy banVăn phòng Chính phủ vừa có thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc đồng ý với Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chưa điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về lại Bộ GTVT quản lý.
Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý các vướng mắc trong hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương trình đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tổng hợp đầy đủ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thời gian tới của doanh nghiệp này và đề xuất giải pháp phù hợp.
Từ năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp này đã gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do những vướng mắc về quy định pháp luật liên quan đến giao vốn đầu tư hạ tầng đường sắt, vốn sự nghiệp kinh tế cho bảo trì đường sắt…
Vì vậy, có nhiều ý kiến đề xuất chuyển doanh nghiệp này về lại Bộ GTVT quản lý để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bản thân, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị được về lại Bộ GTVT để thuận tiện trong điều hành và phù hợp với những quy định của luật pháp hiện hành.
Giữa tháng 2 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, CMSC đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của việc đưa VNR về lại Bộ GTVT. Yêu cầu này được đưa ra sau khi Thủ tướng nhận được một số ý kiến của chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển VNR từ CMSC về trực thuộc Bộ GTVT quản lí để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng Công ty.
Thực hiện chỉ đạo nêu trên, ngày 10/4, Bộ GTVT có báo cáo chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị không điều chuyển VNR về lại Bộ.
Phân tích ưu, nhược điểm, Bộ GTVT cho rằng, việc chuyển giao VNR về lại Bộ GTVT tại thời điểm này có ưu điểm là cơ bản không phải điều chỉnh hệ thống hoạt động đường sắt, tận dụng hệ thống cơ cấu bộ máy hiện hữu quản lí, điều hành của VNR đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.
Đồng thời, với việc VNR là đơn vị trực thuộc sẽ đem lại sự thuận lợi trong chỉ đạo, thực hiện qui hoạch, đầu tư và hoạt động đường sắt, vì Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Tuy nhiên, trên thực tế, VNR hiện không chỉ kinh doanh thuần túy, mà còn tham gia hoạt động quản lí tài sản Nhà nước (tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư). Bộ GTVT đánh giá, việc VNR về lại Bộ sẽ đồng nghĩa với việc không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời cũng phải thực hiện rà soát điều chỉnh các qui định pháp luật hiện hành để triển khai thục hiện giao vốn Nhà nước trong bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp cho doanh nghiệp thực hiện.
Trước đó, ngày 30/3, trong công văn, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch CMSC cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không điều chuyển VNR về lại Bộ GTVT.
CMSC sẽ tiếp tục thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại VNR theo đúng qui định. Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, các vướng mắc hiện nay của VNR đều đã và đang được Ủy ban xử lí. Tất cả vướng mắc đều không liên quan đến việc VNR trực thuộc Ủy ban hay Bộ GTVT. Mặt khác, trên thực tế, CMSC và Bộ GTVT vẫn đang phối hợp chặt chẽ trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và VNR nói riêng.
Có thể bạn quan tâm
[ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] Ở lại CMSC, những nút thắt sẽ được "gỡ" ra sao?
05:39, 15/04/2020
Thu hồi 2 lô "đất vàng" của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
11:17, 10/04/2020
[ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] "Dùng dằng" đến bao giờ?
06:14, 08/04/2020
[ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] VNR không cần thuộc Bộ GTVT
15:17, 12/03/2020
[ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] Gỡ 'nút thắt' về giao vốn bảo trì cho ngành đường sắt
06:30, 11/03/2020