Coteccons có đi theo "vết xe đổ" của Descon và Beton 6?

HÀ TRANG 09/06/2020 11:30

Những gì diễn ra tại Descon và Beton 6 dự báo một viễn cảnh không mấy sáng sủa tại Coteccons.

Mâu thuẫn trong nội bộ những người điều hành với cổ đông lớn đang bóp nghẹt tương lai của nhà thầu xây dựng hùng mạnh nhất Việt Nam.

Bi kịch Descon, Beton 6

Kusto Group là một tập đoàn tư nhân quốc tế đa ngành đăng ký và có trụ sở tại Singapore nhưng thực chất thuộc sở hữu của các ông chủ đến từ Kazakhstan. Kusto đầu tư vào Việt Nam từ năm 2005 bắt đầu với tên Công ty quản lý đầu tư BTA – tên của một ngân hàng bị phá sản ở Kazakhstan.

Dự án lớn mà Kusto đầu tư là Công ty Bất động sản Bình Thiên An – chủ đầu tư của dự án Đảo Kim Cương – Diamond Islands tại Quận 2. Chủ tịch của Kusto Việt Nam là ông Trịnh Thanh Huy, doanh nhân từng kinh doanh ở Đông Âu và thực hiện hàng loạt vụ M&A tai tiếng tại Việt Nam.

Mâu thuẫn trong nội bộ những người điều hành với cổ đông lớn đang bóp nghẹt tương lai của nhà thầu xây dựng hùng mạnh nhất Việt Nam.

Mâu thuẫn trong nội bộ những người điều hành với cổ đông lớn đang bóp nghẹt tương lai của nhà thầu xây dựng hùng mạnh nhất Việt Nam.

Điển hình là thương vụ thâu tóm Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Descon) từ năm 2007. Năm 2010, sau khi nắm đủ số phiếu biểu quyết, nhóm Kusto do ông Trịnh Thanh Huy đứng đầu đã bãi miễn chức danh Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng Giám đốc Descon. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Bảng phải ngậm ngùi rời công ty sau 20 năm gắn bó.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Descon sau khi nhóm Kusto thâu tóm hết sức đáng ngại. Cụ thể, vào tháng 10/2011, cổ phiếu DCC của Descon đột ngột bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin. Cũng kể từ đó, Descon gần như "bặt tăm" trên thị trường.

Đến năm 2012, Ban Kiểm soát Descon và một nhóm cổ đông bất ngờ có đơn thư kêu cứu cơ quan quản lý và cáo buộc các sai phạm tại Công ty. Thời điểm này, kinh doanh của Descon cũng đi vào chuỗi ngày trầy trật.

Cuối năm 2018, Descon đứng trước nguy cơ phá sản sau khi Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Xây dựng Công Nghiệp ( tức Descon) theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd.

Không chỉ Descon, một tên tuổi lớn khác bị Kusto thâu tóm là Công ty Beton 6 (BT6) cũng rơi vào tình cảnh bi đát tương tự. Sau khi chiếm quyền tại Beton 6, nhóm này đã rút niêm yết và đưa doanh nghiệp "lùi vào bóng tối". Kết quả là hoạt động kinh doanh của Beton 6 bị kéo lùi từng ngày một cách khó hiểu.

Ngay sau khi hủy niêm yết vào năm 2015, năm 2016, Beton 6 lỗ 221 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Nhờ có 226 tỷ thu nhập khác từ đánh giá lại tài sản và thanh lý tài sản cố định mà năm 2016 công ty vẫn có lợi nhuận dương. Tình hình càng bết bát hơn khi bước sang năm 2017, doanh thu Beton 6 tiếp tục sụt gần 1/2 và lỗ trước thuế 139 tỷ đồng. Năm 2018, BT6 tiếp tục báo lỗ gần 323 tỷ đồng, trong khi doanh thu tụt xuống chỉ còn 134 tỷ đồng. 

Trong báo cáo tài chính quí III/2019, doanh thu sau 3 quí chỉ đạt 30,5 tỉ đồng, giảm 73% so với cùng kì. Giá vốn vượt doanh thu 11 tỉ đồng, trong khi chi phí lãi vay vẫn ở mức hơn 26 tỉ đồng, lỗ ròng ở mức 42 tỉ đồng.

Tháng 5 vừa qua, Ban lãnh đạo Beton 6 cho biết, doanh nghiệp này cũng đang làm thủ tục tuyên bố phá sản.

Với Coteccons, ngày 2/6, Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) đã công bố bắt đầu việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường của Xây Dựng Coteccons (CTD) để cổ đông Coteccons có thể biểu quyết về việc thay đổi HĐQT hiện tại, bầu ra HĐQT mới và thực hiện kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh của Coteccons liên quan tới các vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong cái gọi là "Coteccons Group" từ thời điểm năm 2017.

Phản ứng cứng rắn của Coteccons

Những gì diễn ra tại Descon và Beton 6 dự báo một viễn cảnh không mấy sáng sủa tại Coteccons. Doanh nghiệp này đang ở giai đoạn xung đột nội bộ diễn ra kịch liệt, kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu đã lao dốc trong gần 2 năm qua.

Với việc đề xuất loại bỏ ban lãnh đạo cũ, Kusto cho thấy sẵn sàng lặp lại những gì đã diễn ra trong quá khứ.

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Coteccons cũng ngay lập tức gửi thông báo đến các cổ đông bày tỏ quan điểm cứng rắn và phản bác lại các cáo buộc của Kusto. Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của Ricons thời gian qua có thể xem là một thông điệp mạnh mẽ của ban lãnh đạo Coteccons với Kusto.

Trong báo cáo thường niên vừa công bố ngày 2/6, Ricons đã thay đổi nhận diện thương hiệu bằng cách thay "Coteccons Group" bằng "Since 2004". Đồng thời, ban lãnh đạo công ty cũng đã đưa ra định hướng phát triển mới, hướng đến tập đoàn đa ngành với mục tiêu trở thành nhà thầu xây dựng lớn thứ 3 Việt Nam.

Song song với việc xây dựng Ricons vững mạnh, trong thông báo ‘phản pháo’ lại những tố cáo của Kusto, ban lãnh đạo Coteccons cũng khẳng định Kusto đang có âm mưu thâu tóm Coteccons.

Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công cho biết, khi ký thoả thuận cổ đông, hai bên đều thống nhất sẽ ủng hộ những quyết định cần thiết để hợp nhất Ricons vào Coteccons. Đến nay, nhóm cổ đông ngoại cho thấy đã và đang đi ngược cam kết ban đầu trong việc phát triển doanh nghiệp, chưa đóng góp trực tiếp cho hoạt động kinh doanh.

"Nhóm Kusto còn lợi dụng ưu thế cổ đông lớn nhiều lần phủ quyết những nghị quyết đã được thông qua trước đó, như chính sách về ESOP cho cán bộ nhân viên năm 2017, 2019 và kế hoạch sáp nhập công ty Ricons", ông Công cho hay.

Từ bất đồng quan điểm trong việc sáp nhập công ty liên kết, Kusto nhiều lần yêu cầu họp đại hội đồng cổ đông bất thường, gần nhất là giữa tháng 10/2019 và tháng 7/2020, để bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công.

Phía Coteccons cho hay đã bác bỏ và có công văn giải thích chi tiết cho nhóm cổ đông này. Tuy nhiên, những lập luận vô căn cứ về xung đột quyền lợi giữa nhóm quản lý với các công ty thành viên vẫn xuất hiện "nhằm mục tiêu hoàn tất thâu tóm công ty". Công ty yêu cầu Kusto phải chịu trách nhiệm với những nhận định mang tính chất thù địch và bôi nhọ danh dự của ban lãnh đạo.

Coteccons nhấn mạnh, những hành động trên đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, với những nhận định mang tính chất thù địch, bôi nhọ danh dự của Ban lãnh đạo Coteccons, Kusto sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.

Ngược trở về quá khứ, phần lợi ích tại Coteccons của Kusto vốn đã liên tục giảm xuống trong giai đoạn sáp nhập Unicons từ 2013-2015 và đợt phát hành tăng vốn ngàn tỷ vào năm 2016. Bất chấp sự tăng trưởng mà Coteccons có được, việc pha loãng lợi ích tại doanh nghiệp là điều không lấy gì làm vui vẻ.

Ngoài ra, phía Kusto cũng có những nghi ngờ về việc Coteccons cũng trợ lực kinh doanh cho các công ty khác ngoài Ricons.

Và rồi định hướng “một Coteccons”, sáp nhập các công ty trong hệ sinh thái về một mối, của ông Nguyễn Bá Dương lại tiếp tục mâu thuẫn với lợi ích của nhóm cổ đông lớn Kusto. Điều này là cội nguồn tranh cãi tại cuộc họp thường niên một năm trước đây.

Những mâu thuẫn tại Coteccons không phải điều mới, nhưng khó ai ngờ rằng mọi thứ lại đi xa đến vậy. Các cổ đông nhỏ, những người sở hữu hơn 28% cổ phần tại Coteccons, rơi vào tình huống bị động.

Có thể bạn quan tâm

  • Mâu thuẫn Coteccons - Kusto: Vì đâu nên nỗi?

    Mâu thuẫn Coteccons - Kusto: Vì đâu nên nỗi?

    06:00, 06/06/2020

  • "Nội chiến" ở Coteccons lên cao trào

    16:23, 03/06/2020

  • Coteccons: Khi cổ đông dậy sóng

    Coteccons: Khi cổ đông dậy sóng

    14:40, 02/06/2020

  • Coteccons và “Coteccons Group” - công trình dang dở của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương

    Coteccons và “Coteccons Group” - công trình dang dở của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương

    13:50, 27/05/2020

  • Những dấu hỏi lớn về xung đột lợi ích trước thềm ĐHĐCĐ 2020 của Coteccons và Ricons

    Những dấu hỏi lớn về xung đột lợi ích trước thềm ĐHĐCĐ 2020 của Coteccons và Ricons

    14:42, 15/05/2020

  • "Niềm vui chưa tày gang" của ông lớn ngành xây dựng Coteccons

    04:00, 05/05/2020

HÀ TRANG