Kusto có quyền triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường?

Luật sư Kiều Anh Vũ - Công ty Luật KAV Lawyers 12/06/2020 15:00

Việc Công ty Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) yêu cầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của Coteccons triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường (ĐHĐCĐBT) đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý liên quan.

Sau 8 năm gắn bó, từ mối quan hệ

Sau 8 năm gắn bó, từ mối quan hệ

Có thể nói rằng quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ là một quyền cơ bản của cổ đông. Quyền này được Luật Doanh nghiệp hiện hành (LDN) và các Điều lệ của các công ty cổ phần ghi nhận.

Quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ của cổ đông

Cụ thể, khoản 2 Điều 114 LDN quy định cổ đông “sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty” có quyền “yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này”. Khoản 3 Điều này quy định các trường hợp cụ thể cổ đông hoặc nhóm cổ đông này được quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐBT gồm: Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị đã vượt quá 06 tháng mà Hội đồng quản trị mới chưa được bầu thay thế; trường hợp khác theo quy định của Điều lệ công ty.

Về quyền tự triệu tập họp ĐHĐCĐ thì Luật Doanh nghiệp và Điều lệ có trao quyền cho cổ đông hoặc nhóm cố đông. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ thực thi quyền này trên thực tế như thế nào, có khả thi không?

Như vậy, quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐBT là một quyền có điều kiện. Không phải chỉ dựa vào tỷ lệ sở hữu cổ phần, thời gian sở hữu cổ phần của cổ đông.

Đối với công ty đại chúng, Điều lệ mẫu của công ty đại chúng do Ban Tài chính ban hành theo Thông tư số 95/2017/TT-BTC (Điều lệ mẫu CTĐC) cũng quy định cổ đông, nhóm cổ đông giữ từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất sáu (06) tháng có quyền yêu cầu HĐQT triệu tập họp ĐHĐCĐBT và HĐQT phải triệu tập họp ĐHĐCĐBT của cổ đông hoặc nhóm cổ đông này.

Ngoài ra, Điều lệ mẫu quy định rõ hơn về nội dung, hình thức của yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ, cụ thể điểm d khoản 3 Điều 14 Điều lệ mẫu quy định: “Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và mục đích cuộc họp, có đủ chữ ký của các cổ đông liên quan hoặc văn bản yêu cầu được lập thành nhiều bản và tập hợp đủ chữ ký của các cổ đông có liên quan”.

Kusto có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHCĐBT?

Liên quan đến vụ việc cụ thể tại Coteccons về yêu cầu của Kusto, Điều lệ sửa đổi lần thứ XVII của Coteccons (Điều lệ Coteccons) công bố trên website của Công ty này quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ tối thiểu 5% tổng số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn liên tục từ 6 tháng trở lên có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐBT trong các trường hợp sau:

- Khi cần xem xét và giải quyết những việc mà Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty hoặc Ban Kiểm soát vi phạm Điều lệ hoặc không thực hiện đúng Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;

- Khi có dấu hiệu bất thường về hoạt động tài chính;

- Khi phát hiện thấy Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty hoặc Ban Kiểm soát có dấu hiệu tham nhũng, thực hiện các giao dịch với bên liên quan không đúng thẩm quyền gây ra xung đột lợi ích làm ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông hoặc công ty;

- Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;

- Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị vượt quá 06 tháng mà Hội đồng quản trị mới chưa được bầu thay thế.
Điều lệ Coteccons cũng quy định chi tiết hình thức, nội dung của văn bản yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ như sau: “Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải được lập thành văn bản và phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, số thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty, căn cứ và lý do yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Kèm theo yêu cầu họp Đại hội đồng cổ đông phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty hoặc Ban Kiểm soát, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật và Điều lệ Coteccons, Kusto là cổ đông có quyền yêu cầu HĐQT triệu tập họp ĐHĐCĐBT nhưng với điều kiện yêu cầu của Kusto phải tuân thủ thể thức, nội dung như Điều lệ Công ty quy định; phải nêu rõ lý do cần triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐBT và lý do này phải phù hợp với quy định của LDN và Điều lệ Công ty.

Quyền tự triệu tập họp ĐHĐCĐ của cổ đông

LDN và Điều lệ của các công ty cổ phần, kể cả Điều lệ mẫu của công ty đại chúng đều quy định cổ đông, nhóm cổ đông có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ nhưng nếu HĐQT, Ban kiểm soát không tổ chức họp ĐHĐCĐ thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông này có quyền có quyền đại diện công ty triệu tập họp ĐHĐCĐ theo quy định của LDN và Điều lệ Công ty.

Như vậy, về quyền tự triệu tập họp ĐHĐCĐ thì LDN và Điều lệ có trao quyền cho cổ đông hoặc nhóm cổ đông trên. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ thực thi quyền này trên thực tế như thế nào, có khả thi không?

Trường hợp, nếu không có được danh sách cổ đông thì rất khó để thực hiện đúng thủ tục mời họp và nếu cuộc ĐHĐCĐ không tuân thủ đúng thủ tục này thì cuộc họp ĐHĐCĐ khó có thể được diễn ra. Hoặc nếu có diễn ra thì tính pháp lý của cuộc họp, của Nghị quyết ĐHĐCĐ cũng khó đảm bảo.

Ngoài ra, khi một cổ đông hoặc một nhóm cổ đông đứng ra triệu tập họp ĐHĐCĐ thì cũng có thể vấp phải sự không đồng thuận, phản đối của cổ đông, nhóm cổ đông khác (chẳng hạn cổ đông, nhóm cổ đông hiện tại trong HĐQT hoặc ủng hộ HĐQT) và do vậy điều kiện tiến hành cuộc họp cũng có thể không được đảm bảo và việc triệu tập họp phải được thực hiện nhiều lần, qua nhiều giai đoạn.

Và vì công ty đã phân hóa thành các nhóm cổ đông khác nhau thì việc một nhóm cổ động triệu tập họp ĐHĐCĐ dù có đượcddiễn ra thì có khả năng rất cao Nghị quyết của cuộc họp ĐHĐCĐ này sẽ bị xem xét, khởi kiện yêu cầu hủy Nghị quyết.

Như vậy, có thể thấy rằng quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ là một quyền cơ bản của cổ đông, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông nhưng để thực thi quyền này thì phải đáp ứng được điều kiện thực thi quyền đồng thời tính khả thi của quyền này được áp dụng trên thực tế là rất hạn chế.

Theo diễn tiến mới nhất, Ban kiểm soát (BKS) Coteccons cho rằng Ban lãnh đạo Coteccons đã cắt xén, chỉnh sửa nội dung trong báo cáo của BKS, đồng thời có những động thái cản trở hoạt động của BKS.

Đại diện Ban kiểm soát (BKS) Coteccons cho biết, ngày 30/01/2020, BKS đã soạn và gửi cho thư ký Hội đồng quản trị (HĐQT) bản báo cáo quản trị công ty phần của. Tuy nhiên, trong báo cáo của HĐQT công bố vào ngày 30/1/2020 thì phần báo cáo của BKS đã bị chỉnh sửa, cắt bỏ, thậm chí là trái ngược với báo cáo gốc của BKS.

Sau đó, ngày 5/5/2020, BKS đã gửi lên HĐQT báo cáo thường niên về phần của BKS nhưng vào ngày 29/5/2020, ông Nguyễn Sỹ Công - Tổng Giám đốc Coteccons đã ký công bố thông tin về Báo cáo thường niên năm 2019, trong đó phần báo cáo của BKS hoàn toàn khác với bản báo cáo do BKS soạn thảo.

Theo BKS Conteccons, có 8 nội dung mà Ban lãnh đạo Coteccons đã cắt xén, chỉnh sửa trong báo cáo của BKS để không công bố cho cổ đông. Đó là những nội dung thể hiện sự lũng đoạn của Ban lãnh đạo, thành lập hàng loạt công ty khác nhau và sở hữu chéo. Trong đó, đưa người nhà và người của Coteccons sở hữu cổ phần nhưng không công bố theo quy định của pháp luật, dẫn đến sự suy giảm quyền lợi của công ty cũng như quyền lợi của cổ đông.

Ngày 4/10/2019 BKT họp với Ban điều hành công ty yêu cầu cho phép kiểm toán viên độc lập thực hiện kiểm toán đặc biệt, theo yêu cầu của cổ đông nhưng bị ban điều hành từ chối mà không nêu rõ lý do. Nhóm các nhà đầu tư đã gửi thư yêu cầu HĐQT, BKS phải thuê kiểm toán đặc biệt để kiểm tra các vấn đề về xung đột lợi ích, bởi liên quan đến sở hữu chéo của hàng loạt công ty liên quan. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được Ban điều hành Coteccons chấp nhận với lý do “đã có báo cáo kiểm toán hằng năm”.

“Yêu cầu thực hiện kiểm toán đặc biệt nhằm đưa ra nhận định về sự minh bạch cũng như đánh giá về vấn đề quản trị doanh nghiệp cũng như mâu thuẫn lợi ích; điều này khác với kiểm toán của báo cáo tài chính”, đại diện BKS Coteccons giải thích.

Tiếp đó, ngày 2/12/2019, BKS đã ban hành nghị quyết số 6/2019 đề nghị HĐQT tổ chức đại hội cổ đông bất thường, căn cứ theo điều 136.3(d) Luật doanh nghiệp nhưng cũng không được phê chuẩn.

Kế đến, ngày 11/3/2020 Ban điều hành đã ban hành các quyết định điều chuyển, luân chuyển nhân sự của Ban kiểm toán nội bộ (trực thuộc BKS) sang các bộ phận hoặc địa điểm làm việc khác mà không được sự đồng ý của BKS.

Phản đối việc này, ngày 16/3/2020, BKS đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-BKS yêu cầu Ban điều hành hủy bỏ các quyết định sai trái và khôi phục hoạt động của Ban kiểm toán nội bộ. Cho đến nay, yêu cầu trên vẫn không được thực hiện, do đó ban kiểm toán nội bộ không thể thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát nội bộ của mình.

Ngày 17/3/2020, BKS đã gửi công văn yêu cầu Ban điều hành cung cấp thông tin để BKS rà soát báo cáo tài chính năm 2019 được kiểm toán bởi Công ty TNHH PwC Việt Nam. Tuy nhiên, Ban điều hành cũng đã từ chối yêu cầu này.

Nghiêm trọng hơn, ngày 18/3/2020, theo giấy ủy quyền số 5221/2019/UQ-CTHĐQT của Chủ tịch HĐQT, Công ty luật Lê Nguyễn đã gửi email không công nhận vai trò của 2 thành viên BKS là ông Luis Fernando Garcia Agraz và ông Đặng Hoài Nam.

“Đây là sự vi phạm và cản trở hoạt động của BKS. Cần lưu ý rằng, HĐQT không thông qua bất kỳ nghị quyết nào về việc chỉ định Công ty Lê Nguyễn đưa ra ý kiến tư vấn cho Coteccons”, đai diện BKS Coteccons phản ánh.

Có thể bạn quan tâm

  • Coteccons lại đặt câu hỏi về nhóm cổ đông Kusto, The8th

    Coteccons lại đặt câu hỏi về nhóm cổ đông Kusto, The8th

    14:46, 10/06/2020

  • Thêm một nhà đầu tư

    Thêm một nhà đầu tư "tố" Ban lãnh đạo Coteccons vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp

    15:51, 09/06/2020

  • Coteccons có đi theo

    Coteccons có đi theo "vết xe đổ" của Descon và Beton 6?

    11:30, 09/06/2020

  • Mâu thuẫn Coteccons - Kusto: Vì đâu nên nỗi?

    Mâu thuẫn Coteccons - Kusto: Vì đâu nên nỗi?

    06:00, 06/06/2020

  • "Nội chiến" ở Coteccons lên cao trào

    16:23, 03/06/2020

  • Coteccons: Khi cổ đông dậy sóng

    Coteccons: Khi cổ đông dậy sóng

    14:40, 02/06/2020

  • Coteccons và “Coteccons Group” - công trình dang dở của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương

    Coteccons và “Coteccons Group” - công trình dang dở của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương

    13:50, 27/05/2020

  • Những dấu hỏi lớn về xung đột lợi ích trước thềm ĐHĐCĐ 2020 của Coteccons và Ricons

    Những dấu hỏi lớn về xung đột lợi ích trước thềm ĐHĐCĐ 2020 của Coteccons và Ricons

    14:42, 15/05/2020

Luật sư Kiều Anh Vũ - Công ty Luật KAV Lawyers