Tân binh giao hàng Baemin có làm nên chuyện?
Sự tham chiến của "tân binh" Beamin trong làng giao thức ăn đã châm ngòi cho cuộc đua khốc liệt một năm qua...
Baemin - ứng dụng giao đồ ăn của kỳ lân Hàn Quốc là Woowa Brothers vừa tuyên bố mở rộng hoạt động kinh doanh ra Hà Nội 1 năm sau khi họ có mặt tại TP Hồ Chí Minh.
Tham vọng của tân binh
Với một ứng dụng kết nối gọi đồ ăn như Baemin, bắt đầu kinh doanh tại một thị trường mới không phải chuyện đơn giản, nhất là khi thị trường đã có những đối thủ sừng sỏ khác như GrabFood, Now hay Go-Food.
Để xây một hệ sinh thái gồm cả khách hàng lẫn tài xế, Baemin sử dụng các chính sách khuyến mại và đảm bảo doanh thu. Với các đối tác nhà hàng đã xuất hiện trên các ứng dụng khác, Baemin cũng bắt đầu đàm phán để đưa những nhà hàng đó "lên app".
Gần đây, ngoài việc triển khai dịch vụ tại Hà Nội, Baemin cũng rất tích cực ban hành thêm các chính sách mới. Về phía tài xế, công ty bắt đầu áp dụng chính sách thu phí giao tận nơi đối với các khách hàng muốn nhận món ở cửa phòng.
Ngoài ra, Baemin cũng triển khai dịch vụ bán hàng tạp hóa tại TP HCM. Khách có thể đặt mua các món đồ dùng hàng ngày ngay trên ứng dụng.
Công ty này tuyên bố rằng đội quân hàng nghìn người giao đồ của mình sẽ nhăm tới việc cạnh tranh trực diện với siêu ứng dụng Grab. Baemin cũng công bố về việc hình thành Baemin Kitchen cũng như Baemin Di Cho – một dịch vụ giao rau củ.
Được biết, Delivery Hero - công ty của Đức đã mua Woowa Brothers vào năm 2019 với giá 4 tỷ USD để đẩy mạnh sự hiện diện ở Đông Nam Á. Thời điểm đó, Woowa cho biết việc bán mình của họ là chiến lược sinh tồn trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt và cũng là thương vụ lớn nhất liên quan đến một công ty internet của Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, Woowa Brothers đã mua Vietnammm vào năm 2019. Trước đó, Vietnammm đã mua lại Foodpanda Việt Nam – công ty từng thuộc sở hữu của Rocket Internet.
Được thành lập năm 2012 với tư cách là một công ty giao thực phẩm, Woowa Brothers (woowa có nghĩa là thanh lịch trong tiếng Hàn) đã phát triển nhanh chóng và trở thành công ty cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến hàng đầu Hàn Quốc, tiếp nhận hơn 30 triệu đơn hàng mỗi tháng và mở rộng sang kinh doanh CloudKitchen (mô hình tập trung các quán ăn ngon được khách hàng đặt nhiều vào cùng một địa điểm).
Nhà sáng lập và CEO Kim Bong-jin (43 tuổi) của Woowa Brothers hiện đứng đầu liên doanh mới thành lập với Delivery Hero có trụ sở tại Singapore để tham gia vào thị trường giao đồ ăn đang bùng nổ ở châu Á – nơi những người chơi trong khu vực như Grab hay Gojek đã có nền tảng khá vững vàng.
Đối với Delivery Hero (hiện trị giá gần 18,2 tỷ USD theo giá trị thị trường), việc mua Woowa giúp họ tăng cường sự hiện diện tại thị trường châu Á đang tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2018, công ty Đức đã bán một số mảng kinh doanh ở Đức cho Takeaway.com để đổi lấy tiền mặt và cổ phần.
Thách thức chờ "cơn bão xanh mint"
Có thể thấy, trong một năm trở lại đây, dịch vụ giao thức ăn đã không ngừng được đầu tư và cải tiến. Trong đó, thay đổi rõ rệt nhất đến từ tốc độ giao thức ăn, khi hầu như tất cả các dịch vụ đều tập trung để cải thiện tốc độ giao hàng.
Ngoài GrabFood hiện chiếm lĩnh vị trí dịch vụ giao thức ăn nhanh nhất, Go-Food cũng đang chú trọng rút ngắn thời gian giao hàng, tận dụng lực lượng tài xế sẵn có. Ngay cả Now - "cựu binh" với vị trí vững chắc trên thị trường cũng đang phải "chấn chỉnh" lại tốc độ để đuổi kịp các ông lớn gọi xe đáng gờm.
Có thể thấy, việc vận hành dựa trên "xương sống" là lực lượng shipper, nên ở thị trường giao nhận thức ăn, kẻ nào "đông" hơn ắt sẽ thắng.
Đến thời điểm hiện tại, theo khảo sát của GCOMM cục diện giao nhận thức ăn đã hoàn toàn thay đổi, hình thành một "thế chân vạc" giữa GrabFood, Now và GoFood - được xem là 3 ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh sự "ăn nên làm ra" của 3 cái tên lớn trên, một số tay chơi khác đã phải ngậm ngùi bỏ cuộc. Điển hình, đầu năm 2019, Lala (thuộc Ahamove) đã đóng cửa sau 1 năm thử nghiệm.
Hay trước đó, FoodPanda - đối thủ trực tiếp của Now cũng đã phải "bán mình" cho Vietnammm. Nhưng mới đây, Vietnammm lại tiếp tục "bán mình" cho Woowa Brothers - một kỳ lân trong thị trường giao nhận thức ăn tại Hàn Quốc.
Sự xoay chuyển liên tục với những cái tên rút khỏi cuộc chơi, những cuộc mua lại - sáp nhập đã cho thấy tính khốc liệt của thị trường giao thức ăn trực tuyến.
Để lôi kéo khách hàng và lái xe, Baemin liên tục tung ra hàng loạt ưu đãi. Tuy nhiên, nếu muốn tăng trưởng thị phần, Baemin sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ lâu năm như: GrabFood, Loship, Now hay Go-Food. Những nền tảng này đều được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư nước ngoài, duy nhất Loship là startup nội địa.
Một số chuyên gia nhận định cách tiếp cận thị trường của Baemin khá truyền thống, khi đổ tiền vào khuyến mại và truyền thông quảng cáo. Những ứng dụng giao đồ ăn hoặc giao hàng vào Việt Nam theo cách này từng phải rút lui sau một thời gian ngắn.
Khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt và thị trường giao đồ ăn đang có dấu hiệu dần bão hoà, việc "chỉ" làm nhiệm vụ giao nhận dường như chưa đủ sức để làm thoả mãn những nhu cầu ngày càng leo thang của người dùng.
Theo đó, các dịch vụ cần liên tục "làm mới" và ở một mức độ cao hơn phải chứng minh sự "độc nhất" để thu hút người dùng, hoặc ít nhất, góp phần làm cho họ cảm thấy được cộng thêm một giá trị nào đó khi sử dụng dịch vụ.
Để thu hút người dùng ban đầu, Baemin đã mạnh tay giảm đến 70% cho đơn hàng đầu tiên và những chính sách đãi ngộ dành cho các đối tác vận chuyển mới trong thời gian dài sắp tới đây. Tuy nhiên, theo nhiều phản hồi của khách hàng khi đặt món trên Baemin phải chờ đợi khá lâu, do dịch vụ vừa mới triển khai tại các khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh và còn hạn chế về số lượng tài xế.
Theo báo cáo của Euromonitor, trong năm nay thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam sẽ đạt giá trị hơn 38 triệu USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 11% một năm. Tuy nhỏ so với mảng F&B nói chung nhưng bù lại, Việt Nam thu hút các doanh nghiệp theo đuổi bởi tính trung thành của loại hình dịch vụ này khá cao.
Khảo sát của GCOMM cũng cho thấy tần suất sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến của người thành thị hiện khá cao, 99% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần mỗi tháng.
Người dùng và hàng quán được lợi thì thị trường giao thức ăn trực tuyến sẽ còn phát triển và cạnh tranh khốc liệt hơn. Trong tương lai, nếu không bứt phá, việc Beamin bị bỏ lại phía sau là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Tiền giao nhận là tiền trả trước nên không áp dụng đặt cọc
04:30, 16/03/2020
Cuộc đua của các startup Việt trong ngành giao nhận
04:53, 30/01/2020
Thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam: Cuộc chiến của những "kỳ lân" châu Á
15:28, 24/05/2019
"Ghế nóng" CEO trên thị trường gọi xe, giao nhận
10:14, 04/04/2019
Thị trường giao nhận và cuộc đấu của những "ông lớn"
15:00, 29/03/2019