EVFTA và nỗi lo "nuốt chửng" ngành bán lẻ Việt?
Khi EVFTA được thực thi, bên cạnh cơ hội, thị trường bán lẻ Việt cũng gặp nhiều thách thức. Liệu ngành hàng này có bị “nuốt chửng” trong tương lai?
Đầu tháng 8 tới, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đây sẽ là “sức hút” khiến các doanh nghiệp lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ của Việt Nam.
Cuộc đua doanh nghiệp nội- ngoại
Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, hiện nay, tại khu vực châu Á, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao. Cùng với đó, việc ký kết EVFTA sẽ mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế đất nước nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.
Nắm bắt được mảnh đất “màu mỡ” và đầy tiềm năng này, thời gian qua, làn sóng vốn trong nước và FDI tiếp tục đổ mạnh vào ngành bán lẻ Việt Nam. Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như: Auchan, Family Mart, Lotte, Central Group, Aeon, Circle K… liên tục thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ, EVFTA là cơ hội để tăng cường lưu thông hàng hóa trong nước thông qua việc mở rộng qui mô và mạng lưới kinh doanh của các nhà bán lẻ nước ngoài.
Việc mở cửa thị trường sẽ đem lại cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cơ hội tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ quản lí tiên tiến trong các hoạt động thương mại từ các nước EU. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.
Trong tương lai gần, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi thì cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam.
Việc thực thi các cam kết EVFTA cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA, lúc đó sẽ không còn khái niệm “sân nhà”.
Đặc biệt, đối với những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh yếu như: Nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và một số ngành dịch vụ sẽ gặp không ít những thách thức. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực là tin vui nhưng cũng là vấn đề khiến nhiều người quan ngại, bởi các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, quy mô nhỏ, khó có đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, khi gia nhập EVFTA bên cạnh những thuận lợi, chúng ta sẽ phải chịu nhiều sức ép. Khi mở cửa, hàng hóa xuất khẩu sang các nước, đồng thời, hàng hóa các nước sẽ xâm nhập vào trường Việt Nam. Cùng với đó, hàng hóa các nước có thế mạnh về chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã cải tiến đa dạng, nếu giá cả hợp lý nữa thì hàng hóa của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất lớn, thậm chí là khốc liệt.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn và khách quan về thị trường bán lẻ Việt, ông Vũ Vinh Phú cho hay, hiện nay, sự gắn kết giữa các nhà sản xuất Việt Nam với hệ thống phân phối Việt Nam còn lỏng lẻo, còn ép giá nhau, mới có 10% hàng hóa đạt tiêu chuẩn vào được siêu thị Việt Nam. Nhiều hàng hóa của Việt Nam không đạt chất lượng, mẫu mã kém đa dạng, giá cả còn cao, thiếu sự liên kết chuỗi sản xuất phân phối trong nước. Đây là những điểm yếu mà các nhà sản xuất phải khắc phục.
Giải bài toán nâng cao sức cạnh tranh
Thực tế đến nay, không chỉ các DN phân phối mới chú trọng đến việc củng cố nội lực để vượt qua những thách thức từ hội nhập mà từ trước đó rất nhiều DN lớn như Saigon Co.op, Masan hay Satra… đều đã chủ động trước.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Saigon Co.op, có 2 cách để các đơn vị bán lẻ phát triển gồm tự phát triển ra mô hình của chính mình và sở hữu làm chủ mô hình này, rồi sau đó vươn lên theo thời gian (với cách này Saigon Co.op đang phát triển được gần 10 mô hình bán lẻ từ trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị cho tới các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh…). Cách thứ hai là phát triển theo hình thức mua bán sáp nhập và Saigon đã thực hiện tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh và nhân sự của 18 siêu thị Auchan Việt Nam. Đây là những bước đi vững chắc để Saigon Co.op đứng vững trong hội nhập.
Cũng như Saigon Co.op, Masan đã bước chân vào lĩnh vực bán lẻ bằng việc thiết lập nền tảng hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp thông qua hoàn tất sáp nhập Masan Consumer Holding và VinCommerce (đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart/VinMart+) để thành lập tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Theo chia sẻ của đại diện Masan với phóng viên Báo Công Thương, trong năm 2020, Masan tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có của VinCommerce, đồng thời có những chiến lược phát triển để tối ưu hóa chuỗi bán lẻ này. Cụ thể, mở mới các siêu thị và cửa hàng tại nội thành Hà Nội để củng cố thị phần, sẽ chọn lọc mở mới tại ngoại thành để thúc đẩy lợi nhuận. Đồng thời, phát triển mô hình đã thành công ở ngoại thành Hà Nội bằng việc địa phương hóa danh mục sản phẩm để phù hợp với sở thích của người tiêu dùng. Masan sẽ gia tăng danh mục sản phẩm tươi sống từ 30% lên 35% thông qua VinEco và MEATDeli, qua đó khẳng định giá trị sản phẩm - tươi ngon và chất lượng, thu hút khách hàng.
Ông Trương Công Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) - chia sẻ: Chiến lược của Masan Consumer Holding năm 2020-2030 là sở hữu các chuỗi bán lẻ hiện đại, hùng mạnh tại Việt Nam. Vì vậy, sở hữu VinMart, VinMart+ một bước đi then chốt trong chiến lược đó. Vinmart, Vinmart+ là ngọn cờ sáng nhất trong lĩnh vực bán lẻ trên thị trường Việt Nam hiện tại.
Ngoài hai nhà bán lẻ trên, thị trường bán lẻ Việt Nam còn ghi nhận sự lớn mạnh của nhiều nhà bán lẻ trong nước khác như hệ thống bán lẻ Bách hóa Xanh của Thế giới di động (gần 500 cửa hàng); hệ thống bán lẻ thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) với trên 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra Foods, trung tâm thương mại Satra, siêu thị Tax…
Theo các chuyên gia, bên cạnh sự chủ động củng cố nội lực, nhà bán lẻ cần cải thiện nguồn hàng bằng cách tận dụng nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam được giảm mức thuế nhập khẩu xuống mức 0% ngay khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực thi hành. Điều này không chỉ giúp các DN bán lẻ giảm chi phí đầu vào, mà còn có cơ hội cân bằng và tiếp cận các thị trường cung ứng nguồn hàng thay thế. Sự cân bằng lại nguồn hàng cung ứng sẽ giúp các nhà bán lẻ giảm thiểu tỷ lệ rủi ro, tập trung vào những nhà cung ứng nhất định có nguồn hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao để kéo người tiêu dùng về phía mình.
Về phía cơ quan quản lý, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường phân phối của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và chịu nhiều tác động từ quá trình mở cửa theo cam kết. Đó là hệ thống chính sách, pháp luật có thể không theo kịp biến động của thị trường. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lưu thông hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa, khó khăn trong việc cân đối giữa phát triển kinh tế, thương mại, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp phân phối trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các doanh nghiệp phân phối lớn đến từ các nước thuộc EU vốn đã có tiềm lực rất mạnh. Do đó, có thể dẫn đến khả năng các doanh nghiệp phân phối trong nước dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Để có thể trụ vững trên sân nhà, buộc các nhà sản xuất Việt Nam phải vươn lên để cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa với hàng hóa của các nước.
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải tự vươn lên để xây dựng thương hiệu bán lẻ của mình; phải tổ chức nguồn hàng phong phú đa dạng, đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ. Cùng với đó, tăng cường liên kết sản xuất và sản xuất kinh doanh phải có trách nhiệm.
Đồng thời, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lưu ý: "Để tận dụng tối đa tiềm năng của EVFTA, cần hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa theo hướng lập các hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, không để doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn doanh nghiệp nội địa. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về các quy định theo cam kết của EVFTA".
Có thể bạn quan tâm
Hướng đi nào cho các trung tâm thương mại và siêu thị bán lẻ hậu COVID-19?
17:20, 16/06/2020
Hướng đi nào cho ngành bán lẻ hậu COVID-19?
06:15, 16/06/2020
Ngành bán lẻ và làn sóng "cửa đóng then cài"
07:00, 15/06/2020
10 chiến lược kinh doanh bán lẻ “thần thánh” nhất hiện nay
11:23, 08/06/2020
Hậu COVID -19: Bán lẻ Việt đang bật dậy mạnh mẽ
11:00, 22/05/2020