Thế Giới Di Động "vỡ mộng" với chuỗi điện thoại siêu rẻ?
Sau chưa đầy 1 năm ra mắt, chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ, chuyên kinh doanh smartphone giá dưới 8 triệu của Thế giới Di động đã phải đóng cửa.
Từ cuối tháng 6, các cửa hàng thuộc chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ đã đóng cửa. Khi truy cập vào website của chuỗi này, thông báo trên website cho hay từ ngày 29/6 website dừng hoạt động. Trang web tự chuyển về trang của Thế giới Di động sau vài giây.
Ông Đặng Thanh Phong, đại diện truyền thông Thế giới Di động xác nhận chuỗi cửa hàng này đã đóng cửa.
"Chúng tôi đã đóng cửa chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ để chuyển sang một mô hình mới. Hiện tại tôi chưa thể tiết lộ thêm về mô hình này", ông Phong cho biết.
Điện Thoại Siêu Rẻ thuộc hệ thống Thế giới Di động chính thức đi vào hoạt động từ ngày 8/8/2019. Khác với hệ thống TGDĐ, cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ chỉ tập trung bán các mẫu smartphone có giá dưới 8 triệu đồng và một số thiết bị di động cơ bản. Chuỗi cửa hàng này cũng không bán các sản phẩm khác như máy tính bảng, laptop hay đồng hồ thông minh.
Mặc dù Thế giới di động và Điện thoại siêu rẻ có chung một chủ sở hữu, tuy nhiên mức giá tại Điện thoại siêu rẻ luôn rẻ hơn Thế giới di động khoảng vài trăm cho đến gần 1 triệu đồng. Thế nhưng, để đạt được mức giá này, Điện thoại siêu rẻ bị cắt giảm nhiều yếu tố như không gian cửa hàng chật hẹp, ít nhân viên (thậm chí không có cả bảo vệ), hoạt động rải rác tại các quận ngoại thành. Về phía khách hàng, Điện thoại siêu rẻ không cho phép họ đổi trả máy sang sản phẩm khác cũng như không tiếp nhận bảo hành; nếu máy lỗi thì họ sẽ phải mang máy lên trung tâm bảo hành của hãng để xử lý.
Khi ra mắt, đại diện Thế giới Di động cho biết chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ hướng tới đối tượng khách hàng hoàn toàn khác. Chuỗi cửa hàng này tập trung vào giá. Dù chưa thu lời với Điện Thoại Siêu Rẻ, CEO Thegioididong.com Đoàn Văn Hiểu Em lúc đó cho biết mô hình này đã mở ra ý tưởng về cửa hàng Thegioididong.com mini với 10 điểm bán đang thử nghiệm tại Long An.
Theo các chuyên gia, chiến lược mở rộng mạng lưới của MWG, đặc biệt, mô hình “Điện thoại siêu rẻ” được một số công ty chứng khoán đánh giá là hợp lý, trong bối cảnh cơ hội chiếm thị phần là không phải lúc nào cũng có ở một thị trường bán lẻ đang phát triển thần tốc, với quy mô hơn 140 tỷ USD vào 2018 và dự báo lên 180 tỷ USD vào 2020.
Xét về phương diện lợi nhuận thuần túy, “Điện thoại siêu rẻ” chẳng đóng góp là bao cho lợi nhuận của MWG trong thị trường điện thoại đã được đánh giá là bão hòa. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, đây là một nước đi cực kì khôn ngoan của MWG: Đó chính là hệ thống “tường lửa” giúp MWG bảo vệ chuỗi Thế Giới Di Động trước những đối thủ khác có giá bán rẻ hơn.
Nói cách khác, “Điện thoại siêu rẻ” là “bức tường phòng thủ”, trấn giữ những khu vực mà Thế Giới Di Động chưa thể chạm tới, và ngăn chặn ý đồ của toàn bộ đối thủ. Nhờ “Điện thoại siêu rẻ”, Thế Giới Di Động sẽ còn thoải mái cung cấp dịch vụ cao cấp với giá cao trong thời gian dài phía trước.
Những tưởng quyết định từng gây xôn xao trong giới công nghệ và tạo nên mối quan tâm lớn đối với người tiêu dùng sẽ tạo ra cú vớt với Thế giới di động đang phải đối mặt với tình trạng bão hòa của thị trường di động. Tuy nhiên cách tiếp cận này đi “ngược chiều” với chiến lược kinh doanh cốt lõi của TGDĐ xưa nay đã chính thức thất bại.
Người đứng đầu công ty này từng thừa nhận không thể gia tăng thêm thị phần trong nhóm chuỗi lớn và mục tiêu hướng đến 20% thị phần còn lại do các cửa hàng nhỏ, hộ gia đình nắm giữ. Điều này cho thấy, lĩnh vực kinh doanh di động đang thực sự khó khăn, để có thể gia tăng doanh thu cũng như giữ được mức tăng trưởng.
Một nhà bán lẻ chia sẻ, đây là thực tế hiện nay khi sức mua giảm và các hệ thống muốn giữ mức tăng trưởng buộc phải chuyển đổi sang các mô hình kết hợp để thu hút thêm nhiều khách hàng, cải thiện doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng.
Vào tháng 2, lãnh đạo Thế giới Di động cho biết cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ có doanh thu trung bình 300 triệu đồng/tháng, đạt mức hòa vốn nhưng chưa sinh lời vì biên lãi gộp thấp.
Đây là một trong những mô hình MWG sớm từ bỏ khi mới đầu tư, tương tự trang thương mại điện tử Vuivui.com cũng bỏ dở giấc mơ số 1 Việt Nam chỉ sau 2 năm hoạt động. Động thái dừng hoạt động chuỗi điện thoại giá rẻ diễn ra trong bối cảnh toàn nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng đã, đang và còn chịu áp lực từ ảnh hưởng Covid-19.
Có thể bạn quan tâm
Điện thoại siêu rẻ và cú vớt “chiến lược” của Thế Giới Di Động?
11:00, 16/11/2019
Giải mã “điện thoại siêu rẻ” của TGDĐ
11:37, 21/08/2019
Thế giới di động đang "đi chậm lại" trong cuộc đua chuỗi nhà thuốc?
11:00, 27/05/2020
Chủ tịch Thế giới Di động: 'Doanh nghiệp vẫn chưa ngấm đòn Covid-19'
11:23, 20/05/2020