"Vua tôn" Hoa Sen rút khỏi "siêu dự án" thép Cà Ná
Tập đoàn Hoa Sen cho biết sẽ chuyển nhượng và giải thể các công ty liên quan dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận vì nhận thấy tình hình hiện tại không còn phù hợp với mục tiêu ban đầu.
HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa thông qua quyết định chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp/cổ phần tại 2 công ty con là Công ty TNHH Một thành viên Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận (chủ đầu tư của dự án "Cảng biển Tổng hợp Cà Ná") và Công ty TNHH Một thành viên đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận (chủ đầu tư dự án "Đầu tư hạ tầng KCN Cà Ná").
Giá trị chuyển nhượng sẽ không thấp hơn chi phí thực tế mà HSG đã góp vốn vào các dự án tính đến thời điểm thực hiện chuyển nhượng. Đối tác nhận chuyển nhượng sẽ do Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQTtìm kiếm, trước mắt là các đối tác lớn, có năng lực tài chính đang triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Bên cạnh việc thoái vốn tại 2 công ty nói trên, HSG cũng chính thức giải thể 4 công ty con trước đây được thành lập để triển khai dự án, gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư KLH Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận; Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận; Công ty TNHH MTV Xi măng Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận và Công ty cổ phần Hoa Sen Quy Nhơn.
Như vậy, HSG chính thức rút khỏi dự án Cà Ná sau 4 năm tuyên bố triển khai với tổng vốn lên đến 10 tỷ USD, nguyên nhân do trong bối cảnh hiện nay, sự chuyển biến của tình hình khách quan đã không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi Tập đoàn xúc tiến đầu tư các dự án.
Ngược lại, ở góc độ nội tại, HSG cho biết đã có sự điều chỉnh đối với chiến lược phát triển trung, dài hạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án, theo hướng: Tập trung nguồn lực vào việc củng cố, phát huy hiệu quả mảng sản xuất kinh doanh sở trường (tôn - thép - nhựa); Đảm bảo ghi nhận ổn định doanh thu, lợi nhuận qua các năm; Cải thiện các chỉ số về năng lực tài chính và cân đối tài chính; Kéo giảm dư nợ vay của Tập đoàn về mức 3.000-4.000 tỷ đồng trong vài năm sau; Tập trung củng cố hoàn thiện hệ thống quản trị, hệ thống CNTT và ERP; Khai thác lợi thế cạnh tranh của hệ thống phân phối bán lẻ khắp cả nước theo hướng đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh, nâng tầm chất lượng phục vụ và trải nghiệm của khách hàng.
Điểm lại, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2016, Chủ tịch Lê Phước Vũ nhấn mạnh nếu nhìn thấy Tập đoàn Hòa Phát lãi đến 2.000 tỷ đồng/quý từ thép, thì "ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư". Dự án Cà Ná theo đó được tuyên bố đầu tư với tổng vốn lên đến 10 tỷ USD, mục tiêu sản lượng 16 triệu tấn thép/năm.
Dù gặp nhiều khó khăn, tham vọng Cà Ná vẫn được ông Vũ nhấn mạnh tại các kỳ Đại hội. Trong đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, Chủ tịch tiếp tục tuyên bố với cổ đông: "Khi nào Cà Ná có giấy phép, tôi xuất chiêu cho quý vị coi".
Nhưng, người tính không bằng trời tính, ông Vũ cho biết nếu không làm được dự án Cà Ná, HSG buộc phải quay lại ngành tôn.
Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD, công suất dự kiến 16 triệu tấn/năm. Dự án này được Tập đoàn Hoa Sen và UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất triển khai. Bộ Công Thương sau đó đưa dự án vào dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Tuy nhiên, vào tháng 4/2017, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná, đề nghị tỉnh Ninh Thuận tính toán kỹ hơn các vấn đề môi trường, nhu cầu thép trong nước cũng như tổng mức đầu tư dự án.
Siêu dự án thép của Hoa Sen từng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận về vấn đề quy hoạch, môi trường, trách nhiệm giám sát và tính minh bạch sau khi Nhà máy thép Formosa tại Hà Tĩnh gặp sự cố về môi trường tháng 5/2016.
Vị trí địa lý của Dự án cũng gặp phải nhiều nghi vấn khi nguyên liệu cho Nhà máy Thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận lại đến từ mỏ sắt Thạch Kê, Hà Tĩnh. Ninh Thuận lại là một tỉnh có khí hậu rất khô hạn và khắc nghiệt, do đó việc đảm bảo nguồn nước ngọt cho một dự án lớn như vậy cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 1, Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ cho biết siêu dự án Cà Ná là mũi nhọn đột phá cho tập đoàn nhưng không làm được. Nếu không triển khai siêu dự án này, ông Vũ nói Hoa Sen phải quay lại ngành tôn. Chủ tịch Hoa Sen cũng cho biết sau khi dự án Cà Ná bị tạm dừng, bản thân ông dành nhiều thời gian ở trên núi và chỉ đến công ty 1-2 lần mỗi tháng.
Tập đoàn Hoa Sen sắp tổ chức đại hội cổ đông bất thường ngày 8/8 để thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Giữa tháng 7, ông Lê Phước Vũ đã quy y tam bảo, theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo giới phân tích mua bán và sáp nhập, thông thường những nhà đầu tư mua lại dự án này có thể nằm trong top ngành, lĩnh vực thép như Hoà Phát, Minh Ngọc, Việt Đức, TVP, SeAH VN…
Tuy nhiên, trước tình hình Covid -19 cùng với cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn kéo dài và còn nhiều phức tạp, thị trường thép Việt Nam bị tác động nhiều, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhâp khẩu, đặc biệt xu hướng bảo hộ ở các quốc gia trên thế giới gia tăng. Nhu cầu trong nước giảm trong bối cảnh các dự án bất động sản gặp khó khi tín dụng và nguồn vốn ngân hàng đang bị siết chặt.
Nhìn vào tình hình này, giới đầu tư đặt dấu hỏi lớn: Ai đủ can đảm để nhận lại dự án Thép Cà Ná? Hay đây thực chất chỉ là một thương vụ chuyển nhượng được sắp xếp nhằm làm đẹp các chỉ số năng lực tài chính của Tập đoàn Hoa Sen?
Có thể bạn quan tâm