Tiếp tục đến Alibaba “nằm trên thớt Mỹ”!

NGUYỄN CHUẨN 14/08/2020 05:12

Mỹ đã nhắm vào một số công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, từ Huawei, ByteDance cho đến Tencent. Và bây giờ, rất có thể là Alibaba...

Các động thái này đã đánh dấu một sự leo thang đáng kể trong việc chính quyền Trump tìm mọi cách đẩy lùi sức mạnh công nghệ đang lên từ phía Bắc Kinh, buộc các công ty toàn cầu phải đưa ra lựa chọn giữa Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cực kỳ quyết liệt trong động thái trừng phạt với Bắc Kinh. Ảnh Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cực kỳ quyết liệt trong động thái trừng phạt với Bắc Kinh. Ảnh Reuters.

Alex Capri, thành viên nghiên cứu tại quỹ Hinrich Foundation, đồng thời là giảng viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Chúng ta đang nằm trong một sự “thay đổi lịch sử” của các mô hình và địa chính trị ngay thời điểm này. Các quan chức Washington đang đưa ra "nhiều cáo buộc" chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc, một dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump đang thực sự tìm cách hạn chế, tách rời ngành công nghệ Trung Quốc".

Không giống như ByteDance hay Huawei - những công ty có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Washington cắt đứt nó khỏi công nghệ Mỹ. Alibaba đã từng không thành công khi mở rộng sang các thị trường phương Tây. Nhưng trên thực tế là đó là một “nhà vô địch công nghệ” quốc gia của Trung Quốc. Và đó là lý do đủ để Washington nhắm vào nó.

Alibaba vẫn chưa bị đe dọa với các lệnh trừng phạt từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng đối với các công ty công nghệ Trung Quốc khác. Và Trump thậm chí đã từng nói chuyện một cách “trìu mến” với Jack Ma, sau khi tỷ phú Trung Quốc tuyên bố quyên góp vật tư để chống lại đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, Alibaba cũng đang nằm trong “tầm ngắm” của các quan chức Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo đã “xướng tên” Alibaba vào tuần trước khi ông thúc giục các công ty Mỹ loại bỏ công nghệ "không đáng tin cậy" do Trung Quốc sở hữu khỏi mạng kỹ thuật số của họ.

Alibaba rất có thể sẽ là điểm ngắm tiếp theo của chính quyền Trump trong cuộc thanh trừng các công ty công nghệ Trung Quốc.

Alibaba rất có thể sẽ là điểm ngắm tiếp theo của chính quyền Trump trong cuộc thanh trừng các công ty công nghệ Trung Quốc.

Pompeo từng chia sẻ: “Washington muốn bảo vệ thông tin cá nhân của người Mỹ và tài sản trí tuệ có giá trị nhất của doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cả nghiên cứu vắc xin COVID-19 khỏi bị truy cập bằng các hệ thống dựa trên đám mây do các công ty như Alibaba và Tencent điều hành”.

Alex Capri cũng đã từng tiết lộ, các công ty đa quốc gia được chọn làm “hạt giống quốc gia” về tài sản chiến lược, họ sẽ phải chấp nhận "sự tận dụng" của chính quyền, cho dù có muốn hay không.

Trên thực tế, các công ty như Alibaba "được nuôi dưỡng" trong một môi trường được bảo vệ hoàn toàn ở Trung Quốc, nơi đóng cửa với các đối thủ nước ngoài và thị phần gần như không có đối thủ thì việc họ chịu sự kiểm soát từ nhà nước gần như là “điều bắt buộc”.

Tất nhiên, Alibaba đã không đưa ra câu trả lời về câu chuyện này. Và tất nhiên, bất kỳ hành động nào của Washington có thể cũng sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và bán lẻ của công ty Alibaba ở Trung Quốc, vốn chiếm gần 80% trong tổng doanh thu hàng năm với 509,7 tỷ nhân dân tệ (73,5 tỷ USD). 

Doanh thu bán buôn và bán lẻ quốc tế chỉ chiếm 7% tổng doanh thu của công ty. Và ngay cả các lệnh trừng phạt đối với hoạt động kinh doanh đám mây của Alibaba tại Mỹ cũng sẽ ở mức tối thiểu. Các dịch vụ đám mây mà Alibaba không phân chia theo khu vực, chỉ chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu.

Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia phân tích, lệnh hành pháp có nội dung rộng rãi được ban hành chống lại WeChat vào tuần trước cho thấy rằng Washington có thể đang chuẩn bị tung “mẻ lưới” rộng hơn.

Theo Dan Wang, một nhà phân tích công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh thuộc công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, lệnh cấm WeChat có thể ngăn cản tất cả người dân Mỹ và các công ty Mỹ làm việc với bất kỳ thứ gì liên quan đến ứng dụng này. Ông nói rằng điều đó có thể cắt bỏ WeChat khỏi tất cả các công nghệ của Hoa Kỳ - một động thái sẽ ngăn Tencent khỏi toàn bộ các hoạt động trên đất Mỹ.

"Nếu họ làm điều gì đó như vậy với Alibaba, đó thực sự là một cú đánh mạnh mẽ, Alibaba có các hoạt động đám mây rất lớn ở Trung Quốc và cần thiết phần mềm cùng công nghệ bán dẫn của Mỹ để tiếp tục các hoạt động này", Wang nói.

Và mặc dù Alibaba tạo ra ít doanh thu từ Mỹ, quốc gia này vẫn là một thị trường quan trọng. Năm ngoái, công ty đã mở cửa kinh doanh thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ và lần đầu tiên tung ra phiên bản tiếng Anh của Tmail. Rất nhiều công ty lớn của Mỹ đã bán hàng trên Tmall, bao gồm Apple, Nike và Johnson & Johnson...

Các mối quan hệ khác của Alibaba với nước Mỹ cũng đang ngày càng sâu sắc hơn. Khi công ty chọn niêm yết cổ phiếu vào năm 2014, họ đã chọn sàn chứng khoán New York với một đợt chào bán huy động được 25 tỷ USD, lập kỷ lục toàn cầu. Chỉ bị phá vỡ bởi Saudi Aramco với 25,6 tỷ USD vào năm ngoái.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, thời gian tới, rất có thể các công ty Mỹ sẽ cảm thấy “nỗi đau” khi gặp phải những hạn chế mới áp dụng với các công ty công nghệ Trung Quốc.

Apple có thể sẽ là công ty lớn nhất của thung lũng Silliconp/cảm nhận nỗi đau từ những trừng phạt của Mỹ với Bắc Kinh.

Apple có thể sẽ là công ty lớn nhất của thung lũng Sillicon cảm nhận nỗi đau từ những trừng phạt của Mỹ với Bắc Kinh.

Ví dụ, nếu Washington buộc Apple xóa các ứng dụng "không đáng tin cậy" từ ByteDance, Alibaba và đặc biệt là Tencent khỏi App Store của họ ở Trung Quốc, iPhone sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn rất nhiều đối với người mua Trung Quốc.

Năm ngoái, Apple đã bán được 44 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ ở Trung Quốc, một khu vực bao gồm cả Đài Loan và Hồng Kông, chiếm khoảng 17% tổng doanh thu của công ty.

Có thể bạn quan tâm

  • Foxconn lên kế hoạch cho sự chia rẽ “không thể tránh khỏi” giữa Mỹ và Trung

    Foxconn lên kế hoạch cho sự chia rẽ “không thể tránh khỏi” giữa Mỹ và Trung

    07:19, 13/08/2020

  • WeChat – “giọt nước tràn ly” trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung?

    WeChat – “giọt nước tràn ly” trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung?

    05:46, 12/08/2020

  • WeChat quan trọng thế nào với người Trung Quốc tại Mỹ

    WeChat quan trọng thế nào với người Trung Quốc tại Mỹ

    16:19, 11/08/2020

  • Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm WeChat, TikTok

    Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm WeChat, TikTok

    11:23, 07/08/2020

NGUYỄN CHUẨN