Huawei - “Người khổng lồ chân đất sét”!
Khi không nắm thế chủ động thì cuộc sống của bạn hoàn toàn nằm trong tay người khác. Thời điểm này, Huawei đang “sống trong sợ hãi” vì những hạn chế trừng phạt của chính quyền Trump.
“Người khổng lồ chân đất sét” là cái tên mà các chuyên gia đặt cho Huawei. Dù đã có lúc, công ty vươn lên vị thế là nhà cung cấp điện thoại thông minh đứng đầu thế giới. Nhưng có vẻ sau những đòn trừng phạt từ phía Mỹ, Huawei đang “ngấm đòn”.
Gần đây, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới hạn chế bất kỳ công ty bán dẫn nước ngoài nào bán chip được phát triển hoặc sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ của Hoa Kỳ cho Huawei, mà không xin giấy phép trước.
Trước đó vào tháng 5, các hạn chế tương tự đã được chính quyền Trump tuyên bố. Theo đó, các công ty như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) sẽ ngừng sản xuất và cung cấp chất bán dẫn cho HiSilicon, một công ty con của Huawei trong các thiết kế chip. Và với các biện pháp hạn chế mới, mở rộng hiệu quả lệnh cấm đó đối với tất cả các nhà thiết kế chip, chẳng hạn như với cả MediaTek của Đài Loan.
Các chuyên gia cho rằng, đó là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Donald Trump đang gia tăng sức ép lên Bắc Kinh, khi Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh vị thế là người kiểm soát các công nghệ của tương lai.
Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền Trump đã liên tục ra các sắc lệnh hành pháp nhằm vào các công ty công nghệ của Trung Quốc như việc cấm TikTok, cấm WeChat và hạn chế Alibaba tại Mỹ.
Andy Purdy, giám đốc điều hành cấp cao của Huawei tại Mỹ cho biết: "Doanh thu năm 2019 của chúng tôi rơi vào khoảng 12 tỷ đô la và chúng tôi có khả năng và nguồn lực để điều chỉnh theo thời gian. Dù sao đi chăng nữa, Huawei cũng sẽ tồn tại".
Tuy nhiên, Paul Triolo, người đứng đầu bộ phận công nghệ địa lý tại Eurasia Group gọi lệnh hạn chế mới nhất của Mỹ là "một đòn chí mạng đối với công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc".
Trên thực tế, Huawei hoàn toàn dựa vào chuỗi cung ứng công nghệ chất bán dẫn do nước ngoài sản xuất cho các thiết bị viễn thông 5G của mình. Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có thể là “chiếc đinh cuối cùng” đóng trên quan tài đối với các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Huawei.
Theo các chuyên gia, các sắc lệnh hành pháp của Mỹ có thể sẽ khiến Huawei rơi vào “trạng thái khủng hoảng”. Đầu tiên, có thể họ sẽ đánh mất vị thế của “nhà sản xuất smartphone số một thế giới”. Đây là điều được Richard Yu, Giám đốc bộ phận tiêu dùng Huawei, thừa nhận vào đầu tháng 8 vừa qua.
Mọi việc chưa dừng ở đó, cho đến cuối năm nay, số lượng chip 5G được Huawei dự trữ lên đến 50 triệu có thể sẽ cạn kiệt vào quý I/2021. Sau đó, các dòng sản phẩm như smartphone, máy tính bảng, các thiết bị viễn thông của Huawei sẽ “khủng hoảng thực sự” vì không có linh kiện quan trọng nhất để sản xuất.
Mảng kinh doanh 5G, một “mũi nhọn chiến lược” của Huawei cũng sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm linh kiện quan trọng để phát triển các trạm phát sóng 5G. Ngoài việc bị cắt mất nguồn cung chip quan trọng, Huawei còn bị chính phủ các nước loại khỏi các dự án phủ sóng 5G của nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Pháp, Nhật, Australia và sắp tới có thể là Ấn Độ.
Tuy nhiên, lệnh cấm của Mỹ đang bị chỉ trích là “tổn nhân bất lợi kỷ”. Một số các công ty Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau lệnh cấm trên.
John Neuffer, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, cho rằng, những hạn chế rộng rãi đối với việc bán chip thương mại sẽ mang lại sự gián đoạn đáng kể cho ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, việc bán chip cho Trung Quốc vốn rất quan trọng đối với sức mạnh kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo The Wall Street Journal, Qualcomm được cho là đang “sốt ruột” khi bị mất các đơn hàng của Huawei lên đến hàng tỷ USD. Hãng này đang ra sức vận động chính phủ Mỹ cấp giấy phép bán chip cho Huawei.
Mặt khác, các công ty công nghệ khác của Mỹ cũng có thể bị thiệt hại đáng kể trong chiến dịch chống lại Huawei của Washington. Rất có thể tới đây sẽ có một động thái trừng phạt từ Bắc Kinh đối với một công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ.
Zhao Lijian, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Hoa Kỳ cố tình bôi nhọ và đàn áp Huawei cùng các công ty Trung Quốc khác".
Vẫn chưa thể biết rõ Huawei sẽ làm cách nào để tồn tại nhưng điều mà người ta nhận thấy là một tương lai bất ổn của Huawei trong thời gian tới. Rất nhiều người lao động của Huawei đang cảm thấy lo lắng, nhiều người thậm chí còn đang có ý định tìm kiếm cho mình một công việc khác. Có thể thấy, trên mặt trận công nghệ, Trung Quốc dường như chưa thể là đối thủ xứng tầm của Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Huawei và cuộc chạy đua mang tính chất sống còn!
07:19, 26/08/2020
Vì sao Huawei không thể làm chip nếu thiếu công nghệ Mỹ?
11:23, 21/08/2020
Huawei và ZTE có đang làm chậm quá trình triển khai 5G của Trung Quốc?
11:23, 20/08/2020
Mỹ siết chặt hoạt động mua bán chip của Huawei
15:23, 18/08/2020
Một dự cảm “chẳng lành” cho Huawei trong tháng 9!
05:33, 16/08/2020