Chậm cổ phần hóa và câu chuyện “chây ì”
TKV vừa có đề xuất lùi thời hạn hoàn tất cổ phần hóa đến hết năm 2022.
Trong văn bản gửi đến ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) gần đây, ban lãnh đạo TKV đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác cổ phần hóa TKV.
Vướng mắc đầu tiên là các công nợ khó đòi. TKV cho biết, tập đoàn đã thực hiện lưu ký chứng khoán của Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An từ năm 2007.
Lùi lại vì còn nhiều vướng mắc
Theo đó ngày 6/6/2012, Công ty Cổ phần Than Cọc 6 đã chuyển 13,26 tỷ đồng tiền cổ tức năm 2011 của TKV vào tài khoản của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (chi nhánh Hà Thành) để Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An chuyển trả TKV theo quy định.
Tuy nhiên, đến nay TKV chưa thu hồi được khoản cổ tức này do Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An lâm vào tình trạng phá sản. Đến nay, vụ việc của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An vẫn đang trong quá trình xử lý, TKV chưa thu được khoản cổ tức trên.
Bên cạnh đó là khoản công nợ phải thu khó đòi Công ty đầu tư thương mại và phát triển Hà Nội - Chi nhánh Đà Nẵng (HAPEXCO Đà Nẵng) được chuyển về TKV từ Công ty Vật tư vận tải và xếp dỡ (TMS) năm 2007. Số công nợ phải thu đến nay là 61,48 tỷ đồng.
Ngoài các khoản công nợ khó đòi, tiến trình cổ phần hóa TKV còn bị vướng ở một số dự án đang dừng triển khai. Như chi phí thực hiện Dự án đầu tư Cảng Kê Gà Bình Thuận 88,7 tỷ đồng.
Chi phí dở dang Dự án Đầu tư di chuyển, mở rộng, nâng cấp cơ sở đóng mới và sửa chữa phương tiện thủy Công ty TNHH MTV cơ khí đóng tàu - Vinacomin số tiền 157 tỷ đồng được bàn giao về TKV. Dự án Khu lấn biển hình thành cụm Công nghiệp Cẩm Phả 107,4 tỷ đồng.
Vẫn theo báo cáo từ TKV, doanh nghiệp này cũng gặp một số vướng mắc khác liên quan đến tài sản hình thành từ nguồn Quỹ phúc lợi và nguồn xã hội hóa. TKV cho biết, theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ, để cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành quyết định cổ phần hóa thì trước đó phải có phương án sử dụng đất đã được phê duyệt.
Do đó, tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ - TKV hoàn toàn phụ thuộc vào phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của TKV đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các cơ sở nhà, đất của TKV là rất lớn, nằm ở nhiều địa phương, tỉnh thành khác nhau, vì vậy theo tính toán của TKV dự kiến phải hết tháng 10/2020 mới hoàn thiện việc lập các biên bản hiện trang các cơ sở nhà đất.
Trên cơ sở các biên bản hiện trạng đó, Ủy ban Quản lý Nhà nước tại doanh nghiệp cần có thời gian để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính. Vì vậy, thời gian phê duyệt được Phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của TKV dự kiến hoàn thành trong quý II/2021.
Từ những vướng mắc trên, ban lãnh đạo TKV đã đề xuất lùi thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp về ngày 1/10/2021; thời điểm chuyển thành công ty cổ phần lùi về ngày 31/12/2022.
Chậm trễ dẫn đến tâm lý “cầm chừng”
Bình luận về việc TKV xin lùi cổ phần hóa cũng như câu chuyện chậm cổ phần hóa DNNN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, lâu nay Chính phủ vẫn nói về vấn đề quy trách nhiệm rất nhiều, nhưng tôi chưa thấy người đứng đầu doanh nghiệp để chậm cổ phần hóa nào bị xử lý.
Vẫn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là hoạt động rất cần thiết nhằm giải phóng nguồn lực mà doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do COVID-19 hiện nay.
"Nhiều doanh nghiệp nhà nước nắm giữ khối lượng tài sản, tài nguyên lớn của đất nước, cả về tài chính, con người đến đất đai... nhưng chưa được tận dụng hết, khiến lợi ích thu về thấp hoặc rất thấp, thậm chí là thua lỗ. Cho nên việc phân bổ lại nguồn lực là cấp thiết cho tái cơ cấu nền kinh tế. Đây không phải câu chuyện của riêng doanh nghiệp, bộ ngành mà là vấn đề của cả đất nước", bà Lan nói.
Đưa ra giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề xuất, các cấp chính quyền cần "xắn tay" vào cuộc để xem nguyên nhân cụ thể mà doanh nghiệp đang gặp phải. Nếu vướng mắc nằm trong phạm vi có thể giải quyết được thì bố trí giải quyết ngay.
Đơn cử, nếu doanh nghiệp nêu khó khăn ở khâu định giá, cơ quan có thẩm quyền cho luôn cán bộ vào lập nhóm thẩm định giá, theo giá đó bán ra thị trường. "Đối với nhiều trường hợp, nếu muốn đẩy nhanh tiến độ thì nhà nước phải tự làm, còn chờ đợi phía doanh nghiệp chủ động thì... se kéo dài đến rất lâu", bà Lan cho hay.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, vướng mắc lớn nhất nằm ở sự quyết tâm thực hiện cổ phần hóa của chính doanh nghiệp.
“Nếu còn tiếp diễn tình trạng cấp trên, cấp dưới chây ì vì lợi ích cá nhân thì còn câu chuyện doanh nghiệp không chịu cổ phần hóa. Thực tế, người lãnh đạo doanh nghiệp mà làm công tâm, quyết liệt thì còn trở ngại nào mà không tháo gỡ được”, ông Long bình luận.
Chuyên gia Ngô Trí Long thẳng thắn, việc chậm cổ phần hóa không chỉ gây thất thoát vốn cho nhà nước, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp.
“Sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước dẫn tới tâm lý hoạt động cầm chừng, chờ đợi và thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động. Cho nên, hiệu quả sản xuất kinh doanh chắc chắn sẽ bị tác động không nhỏ”, ông Long nói.
Có thể bạn quan tâm
Dự án nghìn tỷ của TKV 10 năm vẫn dở dang
04:50, 11/08/2020
[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] Nếu kéo dài, khó khăn sẽ “đổ ập” xuống TKV
05:38, 16/04/2020
Doanh nghiệp gạch “đói” đá xít (Kỳ III): Chính quyền đưa giải pháp, TKV vẫn lắc đầu?
15:22, 31/10/2019
Chính phủ tháo gỡ khó khăn chồng lấn khu vực khai thác than cho TKV
19:33, 03/09/2019