Dấu hỏi ngỏ về tham vọng điện mặt trời của Xuân Thiện Group

KHÁNH HÀ 17/09/2020 11:00

Việc thu xếp thành công hàng chục ngàn tỷ đồng qua kênh trái phiếu phần nào hé lộ thực lực, tham vọng của Xuân Thiện Group trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.

"Ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Là người con cả của đại gia Nguyễn Xuân Thành (SN 1950), ông Nguyễn Văn Thiện (SN 1970) ghi đậm dấu ấn trong sự phát triển của Xuân Thiện Group, cùng với các “hệ sinh thái” của hai người em trai Nguyễn Đức Thụy (SN 1976) và Nguyễn Xuân Thủy (SN 1988), góp phần củng cố thêm vị thế của Tập đoàn Xuân Thành – tập đoàn tư nhân lớn bậc nhất tại tỉnh Ninh Bình.

Ông Nguyễn Văn Thiện đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc của Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam (Xuân Thiện Group). 

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thiện đang nắm 55% cổ phần Xuân Thiện Group, 45% còn lại thuộc sở hữu bởi người nhà ông Thiện gồm em trai Nguyễn Đức Thuỵ. Xuân Thiện Group thông qua nhiều công ty thành viên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất điện và xi măng.

Chủ tịch Nguyễn Văn Thiện (Nguồn: Xuân Thiện Vietnam)

Chủ tịch Nguyễn Văn Thiện (Nguồn: Xuân Thiện Vietnam)

Ngoài ra còn phải kể đến một số doanh nghiệp "họ" Xuân Thiện như Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (Xuân Thiện Ninh Bình),  Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang (Xuân Thiện Hà Giang), Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình (Xuân Thiện Hòa Bình). 

Công ty Xuân Thiện Ninh Bình được thành lập ngày 16/12/2015 với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kĩ thuật dân dụng. Đây cũng chính là hạt nhân của nhóm các doanh nghiệp của ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc công ty.

Hiện vốn điều lệ của công ty là 6.000 tỉ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Thiện đang nắm 70% vốn bên cạnh bà Nguyễn Thị Hồng Nhung sở hữu 30% vốn còn lại. Trước thời điểm 22/7/2020, ông Thiện nắm 95,6% vốn của Xuân Thiện Ninh Bình.

Xuân Thiện Ninh Bình cũng là đơn vị ra đời sớm nhất trong hệ sinh thái Xuân Thiện. Được biết, Xuân Thiện Ninh Bình thành lập ngày 16/12/2005, đóng trụ sở tại số nhà 65A, đường Vân Giang, phố 1, phường Vân Giang, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.

Tại Xuân Thiện Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Thiện đóng vai trò là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, đồng thời ông cũng là cổ đông lớn nhất nắm 82,680% vốn công ty. 2 cổ đông còn lại là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành (7,870%) và Nguyễn Văn Thuyết (9,450%).

Vai trò hạt nhân của Xuân Thiện Ninh Bình được thể hiện khi đơn vị này nắm giữ cổ phần chi phối tại nhiều công ty thành viên, với lĩnh vực thế mạnh là sản xuất điện và xi măng.

Cụ thể, Công ty là chủ đầu tư hơn 20 dự án nhà máy thủy điện trong và ngoài nước tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Yên Bái... Điển hình như Dự án Suối Sập 1, Háng Đồng A, Háng Đồng A1, tích năng Đông Phù Yên (Sơn La); dự án Thủy điện sông Lô 3, 5,6 (Hà Giang); Khao Mang, Khao Mang Thượng, Thác Cá, Đồng Sung (Yên Bái), thủy điện Yabassy, thủy điện Toumbasala (Cameroon).

Ngoài thủy điện, như đã đề cập, Xuân Thiện Ninh Bình cũng đang nắm cổ phần chi phối tại các công ty thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời.

Cụ thể, tại Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk – chủ đầu tư Dự án Nông lâm nghiệp thuộc cụm dự án Điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp, Xuân Thiện Ninh Bình cùng ông Nguyễn Văn Thiện lần lượt sở hữu tỷ lệ 89% và 11%;

Xuân Thiện Ninh Bình cũng nắm cùng tỷ lệ này tại nhóm công ty “họ” Ea Súp.

Ngoài ra, Xuân Thiện Ninh Bình cùng sở hữu 51% vốn Xuân Thiện Ninh Thuận (chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc – Giai đoạn 1) và CTCP Xuân Thiện Thuận Bắc (chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc – Giai đoạn 2).

Hơn 10.000 tỷ đồng huy động điện mặt trời

Những năm gần đây, Xuân Thiện Group bắt đầu cho thấy tham vọng phát triển mạnh ở mảng năng lượng tái tạo là điện mặt trời và điện gió.

Công ty Ea Súp 5 - chủ đầu tư dự án điện mặt trời trong cụm dự án Nhà máy Xuận Thiện - Ea Súp, vừa thông tin về việc phát hành thành công 440.000 trái phiếu với tổng giá trị 440 tỷ đồng. Doanh nghiệp không công bố lãi suất nhưng tiền lãi được thanh toán 3 tháng/lần. Kỳ hạn trái phiếu là 12 năm.

Thi công Cụm Dự án điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp tại huyện Ea Súp. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Thi công Cụm Dự án điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp tại huyện Ea Súp. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Thời gian qua, Công ty Ea Súp 5 liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp. Tháng 7, công ty công bố huy động thành công 330 tỷ đồng trái phiếu có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định 18 tháng đầu là 11,25%/năm. Cuối tháng 6, Ea Súp 5 cũng thông tin về kết quả 9 đợt phát hành trái phiếu đã chào bán thành công. Tổng giá trị các đợt phát hành đạt 1.350 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, riêng Ea Súp 5 đã công bố huy động thành công hơn 2.100 tỷ đồng trái phiếu.

Ea Súp 5 là một trong các chủ đầu tư thực hiện Tổ hợp dự án nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp tại DakLak. Dự án này gồm 5 nhà máy với quy mô 875ha, tổng mức đầu tư 15.400 tỷ đồng. Chủ đầu tư của từng nhà máy lần lượt là các công ty Ea Súp 1,2,3,4,5.

Tuy nhiên, cả Cụm điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp lại do Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam (Xuân Thiện Group) làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này do các pháp nhân cùng họ Xuân Thiện góp vốn thành lập như Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang, Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình.

Bên cạnh Ea Súp 5, các công ty Ea Súp 1 và Ea Súp 2 từng lần lượt huy động 1.630 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo ngày 26/8. Trước đó, Công ty cổ phần Xuân Thiện Đắk Lắk cũng huy động thành công 1.880 tỷ đồng trái phiếu.

Ngoài ra, một số công ty thuộc "họ Xuân Thiện" cũng vừa đồng loạt huy động hàng nghìn tỷ để phục vụ các dự án điện khác. Cụ thể, Xuân Thiện Ninh Bình thông qua 2 công ty thành viên là Xuân Thiện Thuận Bắc huy động 1.234 tỷ đồng trái phiếu và Công ty Xuân Thiện Ninh Bình huy động 2.056 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 28/8. Nguồn vốn này được huy động để thực hiện dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc (giai đoạn 1 và 2) tại xã Bắc Phong, tỉnh Ninh Thuận.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, tổng giá trị trái phiếu các doanh nghiệp trong họ Xuân Thiện trên đã huy động đạt 10.540 tỷ đồng.

Dự án điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp do Xuân Thiện Group đầu tư là một trong những dự án có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á và lớn thứ hai thế giới khi hoàn thành, bao gồm 22,2 km đường dây 500 kV và trạm biến áp 500 kV/1200 MVA.

Cụm dự án điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp có tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, công suất khoảng 2.000 MW (tương đương công suất lưới 2.800 MWp). Giai đoạn I của dự án có công suất 600 MW (tương đương công suất lưới 830 MWp) vừa được Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia cuối năm 2019. Cụm dự án dự kiến khánh thành vào ngày 15/11 và phát điện, đưa vào vận hành thương mại trong quý IV năm nay.

Giai đoạn II của dự án với công suất 1.400 MW đã qua thẩm định và chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng.

Dấu hỏi về hiệu quả kinh doanh

Dù đã huy động được hàng nghìn tỉ đồng vốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Nhưng năng lực hấp thụ vốn và hiệu quả hoạt động của Xuân Thiện Group vẫn là dấu hỏi còn để ngỏ.

Tình hình kinh doanh của công ty mẹ - Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình trong giai đoạn 2016 - 2019 công ty hoạt động khá trồi sụt. Năm 2019, công ty mẹ đạt 958 tỉ đồng doanh thu, 48 tỉ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 36% và 19% so với năm 2018.

Dù doanh thu lên tới nghìn tỉ đồng nhưng lãi sau thuế giai đoạn 2016 - 2019 của công ty mẹ chỉ vẻn vẹn vài trăm triệu đồng. Năm 2019, công ty chỉ lãi khoảng 214 triệu đồng.

Về các chỉ tiêu tài chính, cuối năm 2019, qui mô tổng tài sản của công ty mẹ Xuân Thiện Ninh Bình đạt 3.794 tỉ đồng, tổng nợ phải trả 1.564 tỉ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cuối năm 2019 là 0,7 lần.

Bên cạnh đó, trong nhóm công ty con và đơn vị liên quan tới anh trai "bầu" Thuỵ thì Ea Súp 1,2,3,5 đều được thành lập khoảng 1,5 năm (26/2/2019).

Xuân Thiện Đắk Lắk và Ninh Thuận thành lập năm 2017, Xuân Thiện Thuận Bắc là năm 2018 còn Năng lượng Sơn La thành lập lâu nhất là năm 2015. Ngoài Năng lượng Sơn La, tính đến cuối năm 2019, các công ty đầu tư các dự án điện khác đều chưa khai thác.

Trong đó, Xuân Thiện Đắk Lắk và Ninh Thuận là hai doanh nghiệp có qui mô vốn điều lệ lớn nhất khi thành lập, lên tới 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2020, Xuân Thiện Đắk Lắk giảm vốn điều lệ về 1.058 tỉ đồng còn Xuân Thiện Ninh Thuận và Thuận Bắc đều giảm vốn trong năm 2019 về 890 và 550 tỉ đồng.

Ngược lại, Ea Súp 1,2,3 đều tăng vốn lên 706 tỉ đồng trong năm 2020, riêng Ea Súp 5 tăng vốn lên 1.058 tỉ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp nào phát triển năng lượng sinh khối?

    Giải pháp nào phát triển năng lượng sinh khối?

    05:00, 16/09/2020

  • Cẩn trọng tấm pin năng lượng mặt trời kém chất lượng

    Cẩn trọng tấm pin năng lượng mặt trời kém chất lượng

    11:00, 11/09/2020

  • Quy hoạch Điện VIII: Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo

    Quy hoạch Điện VIII: Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo

    03:00, 07/09/2020

  • TẦM NHÌN QUY HOẠCH NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA: Xoá “rào cản”… giá

    TẦM NHÌN QUY HOẠCH NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA: Xoá “rào cản”… giá

    11:20, 06/09/2020

KHÁNH HÀ