1 tỷ USD và niềm tin của Pegatron ở Việt Nam!
Khi Trung Quốc không còn là nơi phù hợp để tối ưu hóa chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang, Pegatron đang tìm đến nơi gửi gắm niềm tin...
Có trụ sở chính tại Đài Bắc, Đài Loan, Pegatron hiện đang là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới sau Foxconn Technology của Đài Loan.
Pegatron sản xuất các linh kiện của điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính để bàn, bo mạch chủ, thiết bị máy tính bảng, bảng điều khiển trò chơi, TV LCD, cùng nhiều thứ khác. Điều đáng lưu ý, Pegatron hiện đang xử lý khoảng 30% đơn đặt hàng lắp ráp của Apple.
Theo đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam mới đây, Pegatron đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỉ USD để xây dựng tổ hợp công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Hải Phòng.
Các hạng mục đầu tư bao gồm: Dự án Pegatron VN 1, vốn đầu tư 19 triệu USD đã được Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp phép đầu tư hồi tháng 3-2020; Dự án Pegatron VN 2, vốn đầu tư 148 triệu USD đang thực hiện thủ tục đầu tư; Dự án Pegatron VN 3 với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026-2027.
Đáng lưu ý, Pegatron cũng đang có ý định đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) từ Trung Quốc về Việt Nam vào một thời điểm phù hợp.
Trên thực tế, các doanh nghiệp lớn như Pegatron, Foxconn, Wistron... được cho là đã “rục rịch” các hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc kể từ cuối năm 2019.
Trước đó, tháng 5 năm 2019, Pegatron cũng đã lên kế hoạch đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy ở Indonesia để sản xuất các thiết bị gia đình thông minh.
Cũng trong năm 2019, theo báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết, có khoảng 1/3 số doanh nghiệp Mỹ “tạm dừng hoặc hủy đầu tư” vào Trung Quốc và một số doanh nghiệp Mỹ sẽ dịch chuyển dần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Điểm đến có thể là các nước Đông Nam Á hoặc Ấn Độ.
Thời điểm này, trong khi cả thế giới đang căng mình chống chọi lại đại dịch COVID-19, thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang là trọng tâm của các cuộc chỉ trích toàn cầu, thêm vào những căng thẳng từ cuộc chiến toàn diện Mỹ-Trung đang khiến giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận, trong làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đang là quốc gia có nhiều lợi thế.
Foxconn đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, với các dự án quy mô nhỏ tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, đến năm 2019, tập đoàn này đã mở rộng đầu tư tại Quảng Ninh và quyết định đầu tư quy mô lớn tại Bắc Giang.
Trong khi đó, Pegatron cùng với Wistron, một nhà sản xuất Đài Loan khác, lại vẫn còn đang tìm kiếm điểm đến hợp lý cho các khoản đầu tư của mình. Mặc dù, Pegatron đã và đang nỗ lực chuyển các dây chuyền sản xuất khỏi các nhà máy chính của công ty ở Trung Quốc sang Indonesia và Việt Nam vào cuối năm nay. Trong khi Wistron cũng có thể coi Việt Nam là nơi “đất lành chim đậu” trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, động thái này phù hợp với chính sách “không bỏ tất cả trứng vào một rổ” và chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple, hiện đang bị tập trung ở Trung Quốc. Và một phần lớn trong số đó, khoảng 20%, dự kiến sẽ đổ bộ vào Ấn Độ. Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác cũng sẽ có nhiều cơ hội để chứng minh năng lực trong việc “dọn tổ đón đại bàng”.
Trong lần gặp gỡ các nhà đầu tư để thông báo lợi nhuận năm 2019 tăng 73,8%, CEO Pegatron là Syh-Jang Liao cho biết, ông hi vọng nhà máy tại Việt Nam sẽ cho ra sản phẩm vào nửa đầu năm 2021. Liao chia sẻ: “Chúng tôi chuyển đến Việt Nam do yêu cầu của khách hàng. Công nghiệp điện tử ở đó đã phát triển và lại gần nơi cung cấp linh kiện từ Trung Quốc”.
Có thể bạn quan tâm
Sự lựa chọn bất ngờ của Foxconn và Pegatron
05:04, 25/08/2020
Đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Foxconn dần lộ diện?
07:19, 17/08/2020
Foxconn lên kế hoạch cho sự chia rẽ “không thể tránh khỏi” giữa Mỹ và Trung
07:19, 13/08/2020
Lý do Samsung, Foxconn và LG chọn đặt nhà máy ở phía Bắc?
15:16, 26/08/2019