Vùng kinh tế phía Bắc có nhiều đường cao tốc hơn với 14 con đường, tổng độ dài là 1.368 km. Con số đường cao tốc ở phía Nam chỉ bằng một nửa với 7 đường, độ dài tổng cộng 983 km.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán ACB (ACBS), số vùng công nghiệp tại Việt Nam đã tăng gấp 5 lần trong 9 năm qua, từ 61 khu cuả năm 2000 lên 344 khu vào tháng 6/2019. Trong đó, 326 khu công nghiệp (KCN) và 18 khu kinh tế (KKT) ven biển.
Trong 6 tháng 2019, các KCN và KKT đã thu hút 340 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 8,7 tỷ USD và 334 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới là 82.900 tỷ đồng. Luỹ kế đến tháng 6/2019 các KCN, KKT đã thu hút được khoảng 8.900 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 186 tỷ USD, và gần 9.100 dự án trong nước, tổng vốn 2.100 tỷ đồng.
Việt Nam hiện có 4 vùng kinh tế trọng điểm: phía Bắc, Trung, Nam, và Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Nam là vùng kinh tế lớn nhất chiếm 45% GRDP cả nước và đóng góp 42% ngân sách nhà nước, 40% kim ngạch xuất nhập khẩu và 40% vốn FDI đăng ký 2018.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh. Khu vực này có 129 KCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trung bình là 81% chủ yếu nhờ tỷ lệ hấp thu tốt ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh. Đây là vùng lớn thứ 2, chiếm 32% GRDP cả nước. Trái với khu vực phía Nam, phía Bắc đang tăng tốc với mức tăng trưởng GRDP trung bình cao nhất trong 4 vùng kinh tế giai đoạn 2016 – 2018, đạt 9,1%.
Hiện vùng này có 102 KCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy là 82%, giá thuê đất là 80 USD/m2/50 năm, giá thuê kho là 3 – 5,7 USD/m2/tháng. ACBS cho rằng khu vực này đang có sự phụ thuộc vào các khách thuê chính như Samsung và LG, do vậy, đây vừa là cơ hội, vừa là rủi ro với vùng.
Giải thích cho sự lựa chọn của các ông lớn như Samsung, Foxconn, LG chọn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc thay vì phía Nam, ACBS đưa ra 3 lý do.
Thứ nhất, so với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gần Trung Quốc cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản – vốn là 2 nước đóng góp FDI nhiều cho Việt Nam.
Thứ hai, vùng kinh tế phía Bắc có nhiều đường cao tốc hơn với 14 con đường, tổng độ dài là 1.368 km. Con số đường cao tốc ở phía Nam chỉ bằng một nửa với 7 đường, độ dài tổng cộng 983 km.
Thứ ba, mật độ dân số ở vùng phía Bắc cao hơn phía Nam với 946 người/m2 so với 586 người/m2.
Thực tế diễn biến từ đầu năm 2019 cho thấy, các "ông lớn" công nghệ như Samsung, Foxconn và LG đều tìm tới các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh để mở nhà máy. Hồi tháng 6 vừa qua, Tổng giám đốc Tập đoàn Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) Harry Zhuo đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Theo đó, Tập đoàn này đang nghiên cứu và xem xét đầu tư dự án Nhà máy lắp ráp linh kiện màn hình tivi tại Khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) với quy mô nhà xưởng rộng 10 hecta, nhu cầu lao động 3.000 người. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là 40 triệu USD.
Đối với hãng Samsung, từ khi vào Việt Nam cũng đã tập trung phát triển tại khu vực phía bắc. Nhà máy đầu tiên của Samsung tại Việt Nam được đặt tại tỉnh Bắc Ninh, đi vào hoạt động năm 2009. Sau đó công ty Hàn Quốc tiếp tục mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh, trước khi xây dựng thêm nhà máy thứ hai tại Thái Nguyên. Hãng còn ấp ủ ý tưởng mở thêm nhà máy sản xuất smartphone thứ 3 tại Việt Nam.
Hay như tháng 4 vừa qua, LG đã quyết định chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh ở thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi đến "cụm nhà máy LG" ở thành phố Hải Phòng, Việt Nam.