Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Azerbaijan 2025 với chủ đề "Hội tụ nguồn lực đầu tư phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia trong kỷ nguyên kinh tế số" diễn ra tại Hà Nội
Diễn đàn do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế Azerbaijan tổ chức, dưới sự chủ trì của các cơ quan quản lý cấp cao hai nước.
Một trong những điểm nhấn của Diễn đàn là đề xuất thúc đẩy mô hình "SME House" - trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tích hợp, có thể đóng vai trò là hạt nhân phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Đây cũng là tiền đề để hai bên xem xét tổ chức định kỳ Diễn đàn Khởi nghiệp và Đầu tư Việt Nam - Azerbaijan, tạo lập một nền tảng đối thoại chiến lược giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Năm nay, Diễn đàn tập trung vào các nội dung chính như kết nối doanh nghiệp - nhà đầu tư - cơ quan quản lý; thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, logistics, y tế và giáo dục; đồng thời đưa ra khuyến nghị chính sách hỗ trợ khởi nghiệp mang tính chiến lược và dài hạn.
Ngoài ra, diễn đàn còn giúp hợp thức hóa các nội dung đã ký thành những chương trình phối hợp có tính chiến lược lâu dài; tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cũng như kết nối nguồn lực giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hai nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhận định, quan hệ kinh tế Việt Nam - Azerbaijan đang khởi sắc, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Năm 2024, kim ngạch hai chiều đạt khoảng 52 triệu USD, tuy còn khiêm tốn nhưng tốc độ phục hồi rất tích cực. Ngay trong quý I/2025, con số này đã vượt mốc 100 triệu USD, phản ánh tiềm năng hợp tác rất lớn, nhất là khi hai nước có cơ cấu kinh tế mang tính bổ trợ cao.
Việt Nam có thế mạnh trong các ngành như dệt may, chế biến thực phẩm và nông sản chất lượng cao - những mặt hàng có cơ hội lớn tại thị trường Azerbaijan. Ngược lại, Azerbaijan có thể cung cấp dầu thô, bông sợi và nguyên liệu công nghiệp - những yếu tố thiết yếu cho sản xuất của Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để hai bên đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng và hợp tác đầu tư hai chiều.
Hiện tại, hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác năng lượng khi Bộ Năng lượng Azerbaijan và Bộ Công Thương Việt Nam vừa ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng; trong đó, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và SOCAR (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Azerbaijan) sẽ cùng tham gia thăm dò dầu khí và cung ứng dịch vụ liên quan.
Thứ trưởng thứ nhất Bộ Kinh tế Elnur Aliyev cho biết, Azerbaijan và Việt Nam đã có các thỏa thuận hiện có về dịch vụ hàng không và hợp tác vận tải; ngoài ra vào tháng 5 năm 2025, hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ mới về công nghệ và phát triển số. Sự hợp tác này phù hợp với tầm nhìn rộng lớn hơn của Azerbaijan về việc trở thành một trung tâm khu vực lớn.
Hiện Azerbaijan được định vị chiến lược tại ngã tư của châu Âu và châu Á, đồng thời đóng vai trò là một đối tác quan trọng trong sáng kiến Hành lang Trung. Azerbaijan tiếp tục phát triển và đa dạng hóa nền kinh tế. Trong 3 thập kỷ qua, đất nước đã thu hút hơn 360 tỷ USD đầu tư với GDP thực tế tăng gấp ba lần từ năm 2004 đến năm 2024. Chúng tôi cũng tự hào cung cấp một môi trường đầu tư năng động thông qua Khu kinh tế tự do Alat (AFEZ) và một mạng lưới các khu công nghiệp, nơi chúng tôi cung cấp khung pháp lý thuận lợi nhất có thể, ông Elnur Aliyev nhấn mạnh.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Azerbaijan 2025 là bước tiến mới trong chiến lược kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam ra toàn cầu. Thông qua hợp tác quốc tế, đặc biệt với những đôi tác năng động như Azerbaijan, có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư vào công nghệ, khởi nghiệp số và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bồi cảnh toàn câu hóa sâu rộng.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Azerbaijan hứa hẹn sẽ là cầu nối chiến lược, mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển công nghệ và thương mại giữa Việt Nam-Azerbaijan trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững và năng động của hai nền kinh tế.