Doanh nghiệp thủy sản lao đao vì bị "ép" chiết khấu
Nhiều doanh nghiệp cung cấp hàng nội địa cho biết, một số siêu thị lớn đòi tăng tỉ lệ chiết khấu lên 16%-18%, thậm chí là 20% kèm thêm nhiều khuyến mãi hay giảm giá, hỗ trợ.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp cung cấp hàng nội địa về việc một số siêu thị lớn đòi tăng tỉ lệ chiết khấu lên 16%-18%, thậm chí là 20% kèm thêm nhiều khuyến mãi hay giảm giá, hỗ trợ.
Theo các doanh nghiệp, sau đợt dịch Covid-19 thứ nhất, doanh số bán hàng giảm từ 10%-30% do bị ảnh hưởng bởi nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa; doanh nghiệp trông chờ kênh bán lẻ qua hệ thống siêu thị thì bị cạnh tranh khốc liệt về giá và các siêu thị đòi tăng chiết khấu .
Đại diện một doanh nghiệp thủy sản giải thích siêu thị đòi tăng chiết khấu là muốn tăng phần lợi nhuận cho mình, ép nhà sản xuất. Bởi khi bị nhà bán lẻ lấy thêm phần chiết khấu nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá sản phẩm thì phải chịu thiệt, thậm chí là lỗ. Thực tế, các chương trình khuyến mãi, giảm giá mà siêu thị thực hiện hầu hết đều từ tiền túi của nhà sản xuất, không phải do nhà bán lẻ giảm phần lợi nhuận của mình.
VASEP hiện có khoảng 30 doanh nghiệp thành viên tham gia cung cấp hàng nội địa, thị phần chiếm khoảng 90% sản lượng đưa vào kênh siêu thị.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), trong 5 năm trở lại đây, rất nhiều DN chế biến thủy sản xuất khẩu vừa tập trung chế biến hàng xuất khẩu vừa kết hợp sản xuất các mặt hàng tiêu thụ nội địa. Sự quan tâm đến sản phẩm thủy sản đông lạnh của người tiêu dùng trong nước được thể hiện ở cơ cấu tiêu thụ sản phẩm thủy sản đã thay đổi mạnh: Trước đây, nước mắm chiếm đến 50% sản lượng và 31% giá trị, hàng thủy sản đông lạnh chiếm chưa đến 13% (còn lại là nhóm sản phẩm cá khô, bột cá, mực, tôm khô…);
Hiện nay, hàng thủy sản đông lạnh đã tăng trưởng mạnh, chiếm trên 50% về sản lượng và gần 85% giá trị. Sản phẩm thủy sản chế biến trên thị trường nội địa ngày càng đa dạng về chủng loại, với chất lượng và giá bán được nâng cao hơn. Số lượng DN chế biến thủy sản nội địa cũng tăng nhanh, cơ cấu giữa chế biến truyền thống và chế biến đông lạnh cũng thay đổi để sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của thị trường nội địa.
Cùng với thói quen của người dân là sử dụng thủy sản tươi sống, mua tại chợ truyền thống, thì hiện nay sản phẩm thủy sản đông lạnh tại các kênh mua sắm hiện đại cũng đang được tiêu thụ mạnh với doanh số trung bình trên 500 tỷ đồng/năm/DN (quy mô vừa và nhỏ) tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Và đây cũng là kênh mua chính của người tiêu dùng đối với sản phẩm thủy hải sản đông lạnh và chế biến sẵn. Bởi hệ thống bán lẻ hiện đại có điều kiện bảo quản tốt nhất cho thủy sản đông lạnh đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng hiện tại, đây lại là thách thức lớn của DN, khi hàng loạt các siêu thị trong nước đặt yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao.
Tính tới thời điểm này, đại dịch COVID đã và vẫn đang ảnh hưởng lớn tới nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Thủy sản cũng là một trong các ngành kinh tế bị tác động ngày càng rõ nét hơn như: tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, hoạt động sản xuất, kinh doanh và XNK bị gián đoạn hoặc đình trệ.
Có thể bạn quan tâm