Xử lý thế nào Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2?

LAN VŨ 17/11/2020 03:00

Tháo gỡ lớn nhất lúc này tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là giải pháp nào để hoàn thành nhà máy trong thời gian nhanh nhất.

Sau gần 10 năm khởi công, đến nay dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đạt tiến độ trên 85%, trong đó thiết kế đạt 99,63%. Giá trị thực hiện đạt khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Dự án đã chạy thử thành công các hạng mục: lò hơi phụ, khí nén, hệ thống xử lý nước, đóng điện vào nhà điều khiển trung tâm, đã vận hành SPP 200KV… Nếu đối với một dự án xây dựng nguồn điện thông thường thì chắc chắn đã chuẩn bị sẵn sàng vào giai đoạn hoàn thành để phát điện cho hệ thống.

Tuy nhiên, đối với nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thì vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Mới đây, Thanh tra Chính phủ có thông báo Kết luận thanh tra một số nội dung đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc tham mưu, đề xuất đưa dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách giai đoạn 2013-2020 là thực hiện không đúng Quyết định 2414 của Thủ tướng.

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận “trách nhiệm thuộc PVN, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và quyết định phê duyệt đầu tư dự án”. Do đó, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận đến Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng để xem xét xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm đã được chỉ ra.

Đến nay dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã

Đến nay dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đạt tiến độ trên 85% nhưng chưa thể hoàn thành vì còn nhiều vướng mắc

Với hàng loạt các vướng mắc đang tồn tại, Nhiệt điện Thái Bình 2 rơi vào tình trạng gần như bế tắc, công trường không có công nhân, 3 năm nay dự án gần như “giậm chân tại chỗ”.

Ông Nguyễn Thành Hưởng - Trưởng ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 cho biết, dự án đang phải đối mặt với các chi phí phát sinh ngày một gia tăng nếu tiếp tục kéo dài tiến độ, như: lãi vay, bảo hiểm, tỷ giá, phí quản lý dự án, bảo dưỡng, bảo hành thiết bị… Ước tính sơ bộ, các phát sinh, tổn thất tại dự án này lên đến 12,2 tỷ đồng/ngày, gồm phát sinh trực tiếp 2,6 tỷ đồng và tổn thất gián tiếp 9,6 tỷ đồng. Đó còn chưa kể đến những chi phí khác như nguyên liệu, điện, sửa chữa, thay thế vật tư, thiết bị do hỏng hóc…

Được biết, ngày 25/3/2020, Thường trực Chính phủ đã kết luận tại Thông báo số 42/TB-VPCP, để PVN tiếp tục hoàn thành dự án và sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã có văn bản chính thức cho phép PVN được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trên cơ sở đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả theo quy định của pháp luật để đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành.

Về phía chủ đầu tư là PVN cũng thuê đơn vị tư vấn độc lập tính toán các kịch bản. Kết quả cho thấy dự án vẫn có khả năng thu hồi vốn và đạt hiệu quả kinh tế. Như vậy, có thể khẳng định, mục tiêu cuối cùng là phải hoàn thành dự án sớm nhất có thể. Bởi, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được đầu tư vào dự án, đó là tiền mồ hôi, nước mắt của nhân dân, làm thế nào để “hồi sinh” khối tài sản đó, mang lại lợi ích cho nền kinh tế?.

Thêm nữa, do tiến độ kéo dài, dự án đã “treo” 3 năm qua, thời hạn bảo hành thiết bị chính đã hết, năng lực bảo quản, bảo dưỡng của PVC hạn chế cho nên muốn duy trì chất lượng thiết bị, không còn cách nào khác là phải thúc đẩy tiến độ, hoàn thành chạy thử, sớm đưa nhà máy vào hoạt động.

Có thể nói, tất cả những rủi ro của Nhiệt điện Thái Bình 2 lúc này đều gắn liền với tiến độ. Mà muốn thúc đẩy tiến độ dự án, Chính phủ cần phải có cơ chế, hành lang pháp lý cho dự án tiếp tục thực hiện và sớm hoàn thành.

Bởi nếu không nhanh chóng hoàn thành nhà máy trong thời gian sớm nhất thì Nhiệt điện Thái Bình 2 có khả năng sẽ thành đống sắt vụn khổng lồ, gây lãng phí, thiệt hại lớn đối với nền kinh tế.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong hai nhà máy điện có công suất lớn đóng vai trò cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ.

Được đặt tại Trung tâm Điện lực Thái Bình, với vị trí đắc địa và gồm 2 tổ máy có tổng công suất thiết kế lên tới 1.200 MW, khi vận hành nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỷ kWh điện mỗi năm… Bởi vậy, Nhiệt điện Thái Bình 2 đã được đưa vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-Ttg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiệt điện Thái Bình 2 bị “dìm” giá?

    Nhiệt điện Thái Bình 2 bị “dìm” giá?

    11:00, 07/08/2020

  • Kiến nghị Ủy ban Kiểm tra T.Ư xử lý cán bộ sai phạm trong vụ Nhiệt điện Thái Bình 2

    Kiến nghị Ủy ban Kiểm tra T.Ư xử lý cán bộ sai phạm trong vụ Nhiệt điện Thái Bình 2

    19:23, 06/08/2020

  • Quyết định thanh tra Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và khu “đất vàng” 69 Nguyễn Du

    Quyết định thanh tra Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và khu “đất vàng” 69 Nguyễn Du

    00:30, 08/04/2020

  • “Giải cứu” Nhiệt điện Thái Bình 2

    “Giải cứu” Nhiệt điện Thái Bình 2

    06:40, 29/07/2019

LAN VŨ