Walmart “tháo chạy” khỏi Nhật Bản!

NGUYỄN CHUẨN 17/11/2020 05:00

Walmart đang “tháo chạy” khỏi đất nước Mặt trời mọc khi “bán lỗ” phần lớn cổ phần trong chuỗi siêu thị Seiyu cho KKR và Rakuten với giá hơn 1 tỷ USD.

Theo đó, thỏa thuận này định giá Seiyu ở mức 172,5 tỷ yên (1,65 tỷ USD), được đưa ra sau khi có đồn đoán về việc gã khổng lồ bán lẻ của Mỹ đang tìm cách rời khỏi Nhật Bản. Nó thấp hơn rất nhiều so với mức 300-500 tỷ yên mà Walmart chào giá cách đây vài năm.

Walmart bán 85% cổ phần của chuỗi siêu thị Seiyu tại Nhật Bản.

Walmart bán 85% cổ phần của chuỗi siêu thị Seiyu tại Nhật Bản.

KKR sẽ mua lại 65% cổ phần của Seiyu trong khi Rakuten - công ty đã có liên doanh trực tuyến với chuỗi, sẽ mua 20% cổ phần. Walmart sẽ giữ lại 15%.

Walmart là một công ty bán lẻ đa quốc gia của Mỹ điều hành một chuỗi các đại siêu thị, cửa hàng bách hóa giảm giá và cửa hàng tạp hóa, với trụ sở chính đặt tại Bentonville, Arkansas, Hoa Kỳ.

Công ty được thành lập bởi Sam Walton vào năm 1962. Họ cũng sở hữu và điều hành các kho bán lẻ của Sam's Club. Năm 2019, doanh thu của Walmart lên đến hơn 514 tỷ USD, với hơn chục nghìn cửa hàng và câu lạc bộ ở 28 quốc gia.

Walmart lần đầu tiên gia nhập thị trường Nhật Bản vào năm 2002 bằng cách mua 6% cổ phần của Seiyu và dần dần tích lũy cổ phần của mình trước khi tiếp quản hoàn toàn vào năm 2008.

Trên thực tế, Walmart là một trong những tập đoàn kiểm soát gắt gao chuỗi cung ứng của mình khi luôn đưa ra rất nhiều chính sách và tiêu chuẩn hợp tác. Tất cả nhằm vào duy nhất một mục đích: gia tăng lợi nhuận.

Với tốc độ phát triển nhanh, Nhật Bản trở thành một thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng và được đánh giá là lớn hơn cả láng giềng Trung Quốc vào những năm 90.

Theo lý thuyết, không có bất cứ lý do nào để ngăn cản bước chân của Walmart tiến vào thị trường này, “gã khổng lồ” bán lẻ của Mỹ đã nhanh chóng thực hiện kế hoạch táo bạo khi mua lại chuỗi bán lẻ Seiyu đang trên bờ vực phá sản, một chiến thuật đã giúp Walmart thành công ở vô số nơi khác.

Tuy nhiên, họ đã gặp những khó khăn “không thể đỡ” ở Nhật Bản, giống như các công ty nước ngoài khác như Tesco PLC và Carrefour SA, những người bị thu hút bởi sức mạnh chi tiêu cao của người tiêu dùng Nhật Bản nhưng lại thất vọng trước sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt tại đây.

Một số nhà phân tích cho rằng, Walmart thất bại tại thị trường Nhật Bản bởi vì “không hiểu văn hóa Nhật”.

Tại Nhật Bản, người tiêu dùng có thị hiếu và thói quen mua sắm cực kỳ khác lạ. Ngược hoàn toàn với các quốc gia phát triển khác, người Nhật có thói quen mua sắm với số lượng nhỏ và không có khái niệm "mua hàng cả tháng". Một phần vì chi phí đời sống đắt đỏ, một phần là vì thói quen.

Tại Ấn Độ, Walmart đang “chơi lớn” với việc mua lại nhà cung cấp thương mại điện tử Flipkart với giá 16 tỷ USD.

Tại Ấn Độ, Walmart đang “chơi lớn” với việc mua lại nhà cung cấp thương mại điện tử Flipkart với giá 16 tỷ USD.

Tuy nhiên, Walmart lại áp dụng các chiến lược “ép tồn” với chiết khấu cao, một chiến thuật đã thành công ở nhiều nơi nhưng thất bại hoàn toàn tại Nhật. Bên cạnh đó, tại Nhật Bản có một mạng lưới các cửa hàng tạp hóa tiện lợi dầy đặc để đáp ứng thói quen mua sắm nhỏ lẻ của người dân, các đại siêu thị như Seiyu của Walmart "vắng như chùa Bà Đanh".

Roy Larke, chuyên gia về ngành bán lẻ của Nhật Bản tại JapaneseConsuming, cho biết: “Ở Nhật Bản, Walmart gặp vô vàn khó khăn, bởi vì họ vừa phải xoay chuyển tình hình kinh doanh và tăng thị phần khả thi tại thị trường Nhật Bản, cuối cùng họ đã thất bại”.

Nhìn chung, thỏa thuận Seiyu chỉ là một trong các thương vụ thoái vốn mới nhất của Walmart đối với các tài sản kém hiệu quả.

Sau khi liên tục “thất bại” ở Anh và Argentina vì phải vật lộn để cạnh tranh với các đối thủ địa phương nhanh nhẹn. Tại châu Á, họ rút khỏi Hàn Quốc vào năm 2006 và chuyển trọng tâm sang Trung Quốc để mở rộng chuỗi nhà kho chỉ dành cho thành viên Sam's Club khi sự cạnh tranh từ các thị trường trực tuyến như Alibaba ngày càng gay gắt. Tại Ấn Độ, Walmart đang “chơi lớn” với việc mua lại nhà cung cấp thương mại điện tử Flipkart với giá 16 tỷ USD.

Hai năm trước, các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng Walmart đang tìm cách bán Seiyu, công ty vận hành khoảng 330 siêu thị, với giá khoảng 300 tỷ đến 500 tỷ yên. Tuy nhiên vào thời điểm đó, đã chẳng có người mua tiềm năng nào để ý và cực chẳng đã, Walmart vẫn phải ôm “cục nợ” Seiyu.

Việc bán được Seiyu thời điểm này, mặc dù với giá rẻ cũng khiến Walmart “thở phào nhẹ nhõm”. Tại đây, Walmart liên tục thua lỗ kể từ khi tiếp quản Seiyu, duy nhất có năm 2019, họ đạt lợi nhuận ròng 47 triệu yên.

Có thể bạn quan tâm

  • Câu chuyện về gã khổng lồ Walmart và 10 bí quyết quản trị của Mr. Sam

    Câu chuyện về gã khổng lồ Walmart và 10 bí quyết quản trị của Mr. Sam

    13:19, 02/11/2020

  • Walmart: “Gọt siêu thị cho vừa ứng dụng”

    Walmart: “Gọt siêu thị cho vừa ứng dụng”

    05:08, 21/10/2020

  • Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Walmart tìm gì ở TikTok?

    Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Walmart tìm gì ở TikTok?

    06:31, 29/09/2020

  • Walmart thu hơn 500 tỉ USD mỗi năm nhờ xây dựng chiến lược Trade Marketing thế nào?

    Walmart thu hơn 500 tỉ USD mỗi năm nhờ xây dựng chiến lược Trade Marketing thế nào?

    11:23, 16/09/2020

  • 3 lý do Walmart muốn mua TikTok

    3 lý do Walmart muốn mua TikTok

    14:20, 31/08/2020

NGUYỄN CHUẨN