Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bài 4 - Câu chuyện từ quốc tế
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp, vẫn còn nhiều hạn chế.
Đã từ lâu, Việt Nam luôn nằm trong top 3 các quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê lớn nhất thế giới. Các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm qua và dự báo sẽ đạt 10 tỷ USD/năm trước năm 2025.
Tuy nhiên, nông nghiệp lại chưa phải là điểm đến ưa thích của nguồn vốn FDI. Trên thực tế, dòng vốn này vẫn chỉ tập trung cho khu vực công nghiệp với tỷ trọng lên tới hơn 73%. Trong khi đó, nông nghiệp chỉ nhận được các khoản đầu tư khiêm tốn không đến …1%.
Để thay đổi tình trạng này, đồng thời tăng cường thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, chúng ta có thể học tập thêm kinh nghiệm từ các nước láng giềng như Thái Lan và Indonesia hoặc xa hơn là Israel trong các chính sách ưu đãi đầu tư hay định hướng công nghệ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Đơn cử như tại Thái Lan, họ đã có những định hướng lâu dài từ khá lâu trong việc thu hút nguồn vốn này để phát triển nông nghiệp.
Trước hết là về chính sách đầu tư, Thái Lan định hướng thu hút FDI vào sản xuất các sản phẩm có lợi thế của họ như gạo, cao su. Họ áp dụng các chính sách ưu tiên về tín dụng đối với các dự án FDI trong nông nghiệp. Chính phủ Thái Lan đã không hạn chế việc các nhà đầu tư FDI chuyển lợi nhuận, cổ tức ra nước ngoài.
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Thái Lan đã giúp cho ngành nông nghiệp nước này có những bước tiến dài trong việc xuất khẩu hàng hóa như Luật Xúc tiến đầu tư (2001), quy định những ưu đãi về thuế và phi thuế quan đối với hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đó, các chính sách ưu đãi về thuế với nhiều khu vực ưu đãi khác nhau. Các dự án đầu tư có thể được miễn,giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 đến 5 năm; thậm chí có thể là 8 năm. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng từng bước chuyển “ưu đãi thuế đơn thuần” sang “trọn gói” bao gồm cả thuế, lao động, thủ tục cấp phép trong thời gian nhanh nhất, cung ứng lao động và cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư và quan trọng nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tại Indonesia cũng vậy, họ từng dẫn đầu khu vực ASEAN về thu hút FDI vào nông nghiệp trong nhiều năm liên tiếp. Họ áp dụng các chính sách ưu tiên về tín dụng đối với các dự án FDI trong nông nghiệp cùng với đó là các chính sách ưu đãi về thuế quan mạnh mẽ cho các nhà đầu tư.
Chính phủ nước này đã từng ban hành một loạt chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty có vốn FDI sẽ được hoạt động trong vòng 30 năm kể từ ngày thành lập. Thời gian hoạt động sẽ được tăng thêm 30 năm nếu nhà đầu tư cam kết tăng vốn.
Có một điểm chung giữa các nước trong khu vực ASEAN khi thu hút FDI trong nông nghiệp là việc họ đều đơn giản, cắt bỏ các thủ tục pháp lý rườm rà và quy trình đầu tư đều là những thủ tục một cửa đơn giản, với những hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Còn với Israel, họ có những điểm khác biệt với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Israel có những bước đi khác biệt để tăng cường thu hút FDI trong nông nghiệp. Họ không đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế quan hay tín dụng mà chú trọng vào “yếu tố thành công” và năng lực công nghệ để thu hút các nhà đầu tư.
Theo một báo cáo của Deloitte, Israel hiện có tới trên 300 doanh nghiệp xuyên quốc gia tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Họ đầu tư rất mạnh vào việc phát triển công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp. Điều này khiến một hình ảnh “nông nghiệp công nghệ cao” của Israel luôn tạo ra sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, họ thúc đẩy mạnh sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp hỗ trợ như giao thông, cơ khí thậm chí cả công nghiệp quốc phòng để tạo ra nền tảng phát triển cho nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, họ còn đào tạo được một lực lượng lao động chất lượng cao trong nông nghiệp, điều mà rất ít các quốc gia có được.
Cũng tương tự Israel, Hà Lan là nước có đầu tư rất mạnh vào nông nghiệp công nghệ cao. Các chuyên gia nông nghiệp thế giới đã từng có một câu ví von về đất nước này: “Một đất nước nhỏ bé nhưng có thể nuôi sống cả thế giới”.
Hiện tại, nếu chỉ tính riêng về xuất khẩu các loại nông sản, Hà Lan xuất khẩu khoai tây, hành tây số 1 thế giới và xuất khẩu rau xanh thứ 2 toàn cầu xét về tổng giá trị. Và khoảng 1/3 giao dịch thương mại hạt giống rau trên thế giới có xuất xứ từ Hà Lan. Thậm chí, đây là quốc gia xuất khẩu cà chua lớn trên thế giới dù loại nông sản này rất kén thời tiết.
Theo các chuyên gia nhận định, yếu tố quyết định nên thành công của Hà Lan là việc sử dụng công nghệ cao cũng như có quy hoạch chuẩn với ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hà Lan còn “biết mình biết ta” khi nắm rõ những bất lợi của đất nước mình nhằm điều chỉnh định hướng đầu tư.
Hàng năm, nước này đầu tư bình quân 4.000 Euro/hecta đất nông nghiệp cùng hàng loạt các chính sách tài trợ, xây dựng hệ thống tưới tiêu, trợ giúp người nông dân. Quan điểm của chính quyền Amsterdam là do thiếu đất nên cần tập trung đầu tư hiệu suất cao cho từng miếng đất.
Số liệu của CBS cho thấy nông sản chiếm tới 22% tổng kim ngạc xuất khẩu năm 2016 và dù đứng sau Mỹ về tổng giá trị xuất khẩu nông sản nhưng hiệu suất sử dụng đất lại đứng đầu thế giới. Tỷ trọng nông nghiệp của nước này chỉ chiếm 1,6% GDP và chưa đến 1,5% dân số Hà Lan tham gia làm nông nhưng những kỳ tích vẫn được lập nên một cách đáng kinh ngạc.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bài 3 - Vì sao doanh nghiệp “e dè”?
11:00, 02/12/2020
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bài 3- Vì sao doanh nghiệp “e dè”?
03:23, 01/12/2020
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bài 1 - Câu chuyện từ VinEco
11:15, 30/11/2020
FDI và tư duy nông nghiệp công nghệ cao
08:00, 30/11/2020