"Cánh chim ngược gió" Vietravel Airlines
Trước sức ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thị trường bay quốc tế đóng cửa, sự xuất hiện của một hãng hàng không mới tại thời điểm này liệu có quá mạo hiểm?
Chiếc tàu bay đầu tiên mang nhãn hiệu Vietravel Airlines đáp xuống Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào rạng sáng 5/12 vừa qua đã chính thức đánh dấu sự gia nhập thị trường của một hãng hàng không mới tại Việt Nam.
"Cánh chim non" giữa bão
"Vietravel Airlines đang nhanh chóng hoàn thiện đội tàu bay cũng như đáp ứng những yêu cầu cần thiết để có thể nhận Chứng chỉ Nhà khai thác tàu bay (AOC). Toàn bộ nguồn nhân lực và kỹ thuật của Vietravel Airlines đã sẵn sàng cho việc cất cánh chuyến bay đầu tiên", Chủ tịch Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.
Sau khi Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietravel Airlines đang hoàn tất các thủ tục xin cấp chứng chỉ AOC. Được biết, hiện Cục Hàng không Việt Nam đang tiến hành thẩm định hồ sơ và tiến hành kiểm chứng, nhanh nhất vào giữa tháng 12, Vietravel Airlines có thể nhận được được Chứng chỉ này nếu như đạt yêu cầu.
Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, song song với việc hoàn tất các thủ tục để có được AOC, Vietravel Airlines đang triển khai các công việc cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ để có thể cất cánh trước Tết Nguyên đán năm nay.
Vietravel Airlines đã từng vấp phải sự hoài nghi của Bộ Tài chính và các chuyên gia hàng không về tình hình tài chính của công ty mẹ là Vietravel trong dịch COVID-19.
Giữa tháng 10/2020, Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp làm rõ năng lực tài chính để vận hành hãng bay trong bối cảnh nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh công ty mẹ Vietravel chủ yếu đến từ nguồn vốn vay thương mại.
Dẫn báo Báo cáo tài chính quý III/2019 và Báo cáo tài chính quý II/2020 của Công ty Vietravel (là doanh nghiệp được niêm yết cổ phiếu trên thị trường Upcom và công khai báo cáo tài chính), Bộ Tài chính cho rằng nguồn vốn Công ty Vietravel đầu tư góp vốn thành lập Vietravel Airlines được lấy từ khoản phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi trong thời hạn 2 năm có tài sản bảo đảm là tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines được mở tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Để có đủ vốn cho Vietravel Airlines, tháng 9/2019, Vietravel đã phát hành trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng, với mức lãi suất 9,25%/năm trong 15 tháng đầu và 11%/năm kể từ sau đó.
Báo cáo tài chính đến hết quý II/2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietravel giảm mạnh, chỉ còn 972 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 3.579 tỷ đồng. Chi phí tài chính mà chủ yếu là lãi vay tăng mạnh từ 6,3 tỷ đồng lên đến 41 tỷ đồng, lỗ từ công ty liên kết, kinh doanh cũng tăng theo. Sau khi trừ đi các khoản thì Vietravel lỗ 73,6 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2019 lãi 29 tỷ đồng.
Tổng cộng nguồn vốn của Vietravel tính đến 30/6/2020 là 1.879 tỷ đồng, giảm 14% so với số đầu năm, trong đó, chủ yếu là nợ phải trả 1.717 tỷ đồng, gấp gần 11 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ phải trả, vay nợ thuê tài chính chiếm một nửa, ghi nhận 989 tỷ đồng.
Sang đến quý III/2020, Vietravel ghi nhận doanh thu đạt 486,5 tỷ đồng, bằng 21,8% thực hiện trong quý III/2019 và lợi nhuận trước thuế đạt 0,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ là 33,3 tỷ đồng.
Nếu so sách mức lợi nhuận trước thuế quý III/2020 là 0,6 tỷ đồng với quý II/2020 là lỗ 38 tỷ đồng thì có thể thấy hoạt động kinh doanh của Vietravel đã có tín hiệu hồi phục sau cú sốc COVID-19, điều này trùng hợp với giai đoạn Việt Nam bình thường hóa hoạt động vận tải hàng không trong nước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietravel ghi nhận doanh thu đạt 1.457,7 tỷ đồng, bằng 25,1% so với cùng kỳ và lỗ 72,7 tỷ đồng so với mức lãi 70,1 tỷ đồng của 9 tháng năm 2019.
Năm 2020, Vietravel đặt kế hoạch doanh thu giảm sâu, xuống chỉ còn 3.065 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 60% so với năm trước. Đáng chú ý, Vietravel dự kiến sẽ lỗ khoảng 22 tỷ đồng.
Ở thời điểm hiện tại, thế mạnh nổi bật nhất của Vietravel Airlines có lẽ là khai thác nguồn khách du lịch mà công ty mẹ đang sở hữu, tuy nhiên, thị trường du lịch cũng gặp khó. Trong khi đó, công ty mẹ dù đã có tín hiệu phục hồi về kinh doanh nhưng áp lực trả lãi lớn đối với các khoản vay khiến giới chuyên gia lo ngại về sức khỏe tài chính của công ty này. Từ đó đặt ra câu hỏi liệu công ty con Vietravel Airlines có được "chu cấp" đủ khoẻ để cạnh tranh công bằng với các hãng "đàn anh" trên thị trường?
Cửa sáng nào cho "tân binh"?
Có thể nói, Vietravel Airlines gia nhập thị trường hàng không trong bối cảnh rất bất lợi. Theo Nikkei Asian Review, ngành công nghiệp hàng không phải hứng chịu một đòn giáng khủng khiếp từ đại dịch Covid-19.
Ước tính, có khoảng 8.600 máy bay nằm im ở các trung tâm hàng không quốc tế do các lệnh đóng cửa biên giới để phòng chống dịch của các nước. Con số này chiếm khoảng 1/3 đội bay toàn cầu.
Còn theo Công ty tư vấn và dữ liệu hàng không IBA của Anh, có 34 hãng hàng không đã phá sản và con số cuối cùng trong năm nay có thể lên tới 70.
Ở trong nước, các hãng hàng không đều báo lỗ lớn. 10 tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines ước lỗ 13.000 tỷ đồng và số lỗ cả năm có thể lên tới hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng Pacific Airlines lỗ khoảng 1.600 tỷ đồng. Vietjet Air báo lỗ 9 tháng 925 tỷ đồng.
COVID-19 đã giáng một đòn mạnh lên các hãng hàng không. Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), tổng số chuyến bay khai thác 3 quý đầu năm 2020 của 5 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacifics, Vasco, Bamboo Airway đạt 159.808 chuyến, giảm mạnh gần 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, làn sóng người bị nhiễm ở nhiều nước châu Âu và Mỹ có dấu hiệu gia tăng khi mùa đông đến. Triển vọng mở lại đường bay quốc tế vẫn đang mịt mờ. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng bay vẫn tiếp tục cạnh tranh quyết liệt trên thị trường nội địa.
Trong bối cảnh đó, việc tìm được không gian kinh doanh với hãng hàng không non trẻ như Vietravel Airlines không hề dễ dàng.
Theo chia sẻ của Vietravel Airlines, hãng nhìn thấy yếu tố thuận lợi ở thời điểm này là giá thuê máy bay rẻ và thuê đội bay rẻ hơn trước rất nhiều.
Trước đây, giá thuê một tàu bay A321 5 - 6 tuổi trở lại không dưới 550.000 USD/tháng, song hiện tại chỉ dưới 400.000 USD. Còn mức lương trả cho phi công từ mức 220 triệu đồng/tháng giờ chỉ còn 80 triệu đồng.
Tương tự, lương tiếp viên trước đây khoảng 30 - 40 triệu/tháng, giờ chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng. Nhưng ngoài yếu tố thuận lợi này thì có quá nhiều thách thức chờ đón hãng bay mới ở phía trước.
Việc đầu tư vào lĩnh vực hàng không của Vietravel được xem là nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động khi Công ty đang có thế mạnh trong mảng du lịch lữ hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường quốc tế chưa biết ngày nào mở cửa trở lại, nhu cầu du lịch trong nước cũng sụt giảm mạnh so với trước kia do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thêm nữa, phân khúc dịch vụ bay thuê nguyên chuyến cũng không phải là “bầu trời” riêng của “chú chim non” Vietravel Airlines. Hồi đầu năm ngoái, Bamboo Airways từng hợp tác với Vietravel triển khai dịch vụ thuê bay nguyên chuyến đi Nhật.
Vietnam Airlines và VietJet Air đều có dịch vụ này. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh bùng phát tới nay, hai hãng hàng không đã tổ chức nhiều chuyến bay như vậy để đưa bà con Việt kiều về nước.
Đầu tư vào hàng không là “cuộc chơi” đốt tiền. Dù có bề dày hoạt động và nền tảng tài chính mạnh trước dịch bệnh nhưng với sự sụt giảm mạnh doanh thu, dòng tiền của Vietnam Airlines đang cạn kiệt.
Có thể bạn quan tâm
Vietravel Airlines chính thức được "cất cánh"
17:00, 29/10/2020
Thêm Vietravel Airlines, thị trường hàng không cạnh tranh thế nào?
17:15, 21/09/2020
Tương lai bất định của Vietravel Airlines
05:00, 26/05/2020
Thủ tướng phê duyệt chủ chương bđầu tư Vietravel Airlines
15:48, 07/05/2020
Thách thức không nhỏ của "tân binh" Vietravel Airlines
03:07, 04/04/2020