Bia Sài Gòn - Tây Đô sụt giảm 70% lãi ròng trong năm 2020
CTCP Bia - Nước giải khát Sài Gòn - Tây Đô (STD) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2020. Theo đó, lãi sau thuế quý IV chỉ đạt gần 9 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong quý IV, doanh thu thuần của STD đạt hơn 110 tỷ đồng, giảm 18% so cùng kỳ. Cùng với đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 17.8% xuống còn 12.1%. Kết quả, lợi nhuận gộp chỉ còn hơn 13 tỷ đồng, giảm 44% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 17% so cùng kỳ, đạt 2.4 tỷ đồng.
Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhưng do doanh thu giảm nên lợi nhuận thuần giảm 51%, còn hơn 10 tỷ đồng. Chung cuộc, Công ty chỉ lãi sau thuế gần 9 tỷ đồng, giảm 52% so cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần của STD đạt gần 344 tỷ đồng, giảm 39% so với năm 2019. Lãi ròng ở mức 19 tỷ đồng, giảm 70% so năm trước.
Trên bảng cân đối kế toán, các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty và hàng tồn kho cũng giảm lần lượt 22% và 31% so với đầu năm, còn 13 tỷ đồng và 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng tài sản lại tăng nhẹ 1%, lên gần 455 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Công ty ghi nhận khoản tiền gửi có kỳ hạn gần 81 tỷ đồng, chiếm gần 18% tổng tài sản. Ngược lại, nợ phải trả so với đầu năm tăng 20%, lên 153 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 80 tỷ đồng, tăng 57%.
Thực tế, ngành bia đang bị kẹt giữa hai gọng kìm là Nghị định 100 và dịch bệnh COVID-19. Do đó nhiều công ty bia trong tình trạng hoặc thua lỗ hoặc hoạt động kém hiệu quả. Trên thị trường chứng khoán, bia đã không còn là “món ngon” cho các nhà đầu tư.
Ông Trần Xuân Tộ, Tổng Giám đốc Công ty Bia Sài Gòn - Tây Đô nhìn nhận, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Chưa bao giờ thấy ngành bia có sự tồn kho nhưng giờ đây chính công ty ông tồn kho nhiều, sản lượng bán giảm khiến kinh doanh ngưng trệ”, ông Tộ bày tỏ.
Một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam cũng cho thấy rất rõ trong dịch bệnh, một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bia và đồ uống. Nếu trước khi xảy ra dịch bệnh, bia và đồ uống là những sản phẩm tăng trưởng nóng nhất trong toàn bộ ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) thì trong đại dịch, chúng lại chịu mức sụt giảm nghiêm trọng.
Tháng 2/2020, ngành bia tăng trưởng âm 12%. Nguyên nhân dẫn đến xu hướng này được cho là do người dân đã giảm đáng kể việc ăn uống bên ngoài, tại các nhà hàng hay quán nhậu.
Còn theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, đặc thù của ngành bia Việt Nam là 70% được kinh doanh tại chỗ. Nhưng với việc giãn cách xã hội khiến cho mọi người không đến nơi đông người cũng như hàng quán phải đóng cửa để tránh lây bệnh.
Có thể bạn quan tâm