Tisco không kịp “thăng hoa” cùng ngành thép
Năm 2020, Gang thép Thái Nguyên (Tisco) báo lãi sau thuế giảm 54%, chỉ còn 18,8 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 và lũy kế cả năm. Trong quý cuối năm 2020, doanh thu thuần của Tisco đạt 2.556 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn giảm sâu hơn, công ty vẫn có lợi nhuận gộp tăng trưởng 14%, lên mức 128 tỷ đồng.
Trong khi doanh thu tài chính vỏn vẹn 6,8 tỷ đồng, chi phí lãi vay vẫn neo ở ngưỡng 33 tỷ đồng mặc dù đã giảm 17%; chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp ghi nhận lần lượt là 17 tỷ đồng và 69 tỷ đồng.
Chốt quý, Tisco báo lãi sau thuế 3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 12 triệu đồng cùng giai đoạn năm 2019.
Năm 2020, nhà máy gang thép "ồn ào" Tisco báo lãi sau thuế giảm 54%, chỉ còn 18,8 tỷ đồng. Kết quả kém tích cực này là do doanh thu thuần sụt giảm và chi phí lãi vay tiếp tục đè nặng lên sức khỏe tài chính.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Tisco đạt hơn 9.357 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2019. Trong đó, công ty chỉ ghi nhận 126 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, các khoản phải thu ngắn hạn còn 523 tỷ đồng (giảm 18%), hàng tồn kho còn 1.248 tỷ đồng (giảm 8%)...
Chiếm phần lớn vẫn là nhóm tài sản dài hạn, đặc biệt là tài sản dở dang: 5.697 tỷ đồng (dự án cải tạo, mở rộng sản xuất giai đoạn II). Đây là dự án có vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2007 tuy nhiên đến nay vẫn "đắp chiếu" và khiến không ít cán bộ công ty, đơn vị liên quan vướng vào vòng lao lý.
Tình hình vay nợ vẫn chưa có chuyển biến tích cực, tổng dư nợ vay vẫn chiếm hơn 4.567 tỷ đồng trong tổng số nợ phải trả là 7.460 tỷ đồng. Trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ hơn 1.897 tỷ đồng.
Trước đó, công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm 2020. Tisco vẫn tiếp tục đón nhận tin xấu khi ghi nhận khoản nợ phải trả khổng lồ lên đến 7.965 tỷ đồng (tính đến ngày 31/3), trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 5.481 tỷ đồng, còn nợ dài hạn là 2.484 tỷ đồng.
Số nợ trên gấp hơn 4 lần so với vốn chủ sở hữu của Tisco (1.917 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý I/2020 của doanh nghiệp đạt 4,7 tỷ đồng, giảm gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Ban Kiểm soát, Tisco đang mất cân đối tài chính nghiêm trọng. "Việc mất cân đối 2.505 tỷ đồng khiến Tisco có khả năng vỡ nợ, nguy cơ phá sản hiện hữu", báo cáo nêu.
Còn tại báo báo tài chính hợp nhất 2019, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC) đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính của Tisco. Theo đó, đến cuối năm 2019, hơn 615 tỷ đồng nợ gốc của Tisco đã rơi vào tình trạng quá hạn, nợ phải trả ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn tới 2.885 tỷ đồng; tổng quy mô nợ vay xấp xỉ 4.853 tỷ đồng.
"Khả năng hoạt động liên tục của Tisco cơ bản tùy thuộc vào việc gia hạn nợ với các ngân hàng và phương án bổ sung nguồn vốn thiếu hụt phục vụ hoạt động kinh doanh", AASC nêu.
Đáng lưu ý, báo cáo của Tisco nêu rõ, chi phí xây dựng dự án Tisco 2 (dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - CTCP Gang thép Thái Nguyên) lên đến 5.429 tỷ đồng. Dù dự án đắp chiếu nhiều năm nhưng Tisco vẫn phải trả tiền cho người bán liên quan đến dự án.
Hiến kế giải cứu dự án nghìn tỉ đồng TISCO khỏi hóa "sắt vụn", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu từng chia sẻ, việc kêu gọi nhà đầu tư vào để vực dậy dự án là phương án tối ưu hiện nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ phải tính toán dòng vốn, tổng số vốn "đổ" vào để có thể tiếp tục triển khai dự án này.
Ông Hiếu khẳng định phương án này cũng bảo đảm nguyên tắc không "rót" ngân sách để cứu các dự án thua lỗ mà Chính phủ đề ra. Dù vậy, với một dự án "đắp chiếu" như thế này thì Chính phủ cần có chính sách ưu đãi để nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền.
Bước đầu, nên tính toán chính xác số tiền cần để có thể tái khởi động dự án cho đến lúc hoàn thành, từ đó làm cơ sở cho các nhà đầu tư cân đối.
“Việc tìm được nhà đầu tư phù hợp là vấn đề cấp thiết. Nhưng đến thời điểm này, đây không chỉ là câu chuyện về giá, bài toán bán vốn tại dự án của Tisco còn cần nhà đầu tư có năng lực tài chính để có thể chạy đường dài”, ông Hiếu bày tỏ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thẳng thắn, tránh việc “đâm lao phải theo lao”, tức là nhà nước ra sức cứu giúp các dự án. “Tùy từng dự án mà có các cách khác nhau, tuy nhiên chúng ta nên để cho nhà đầu tư khác vào, nhà nước không nên tiếp tục đầu tư và đưa vốn vào đó”, ông Doanh nhấn mạnh.
Đây cũng là quan điểm và ý kiến của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Nhà nước không thể góp vốn vào nữa, nhưng cần phải khôi phục lại bằng cách để cho nó thoái vốn”.
Có thể bạn quan tâm
Tisco đang “gánh” một khoản nợ khủng
11:00, 20/10/2020
Ông lớn thép và "mối nặng nợ" mang tên Tisco Thái Nguyên
04:17, 15/05/2020
Dự án Tisco II loay hoay tìm lối thoát
11:07, 23/04/2020
Lối ra nào cho Tisco II?
01:14, 24/12/2019
[DOANH NGHIỆP DOANH NHÂN TUẦN 09-15/12]: Shark Hưng thoái vốn khỏi startup BBI Việt Nam, Khó giải cứu Tisco...
16:00, 15/12/2019