Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với dự án của Tổng công ty Thép Việt Nam đang đầu tư tại Tisco Thái Nguyên.
Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel, TVN) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2019 sau kiểm toán với mức lãi chỉ 418 tỷ đồng, “bốc hơi” gần 70 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
VnSteel cho biết biến động trên do báo cáo tài chính của các đơn vị có sự điều chỉnh sau khi kiểm toán, dẫn đến thay đổi số liệu kết quả kinh doanh khi hợp nhất. Báo cáo tự lập trước đó, VnSteel báo lãi sau thuế 488 tỷ đồng năm 2019, vượt 39% kế hoạch năm. Trong đó riêng lợi nhuận ghi nhận từ các công ty liên doanh liên kết đạt 319 tỷ đồng.
Đáng chú ý, bên cạnh giảm lãi sau thuế, đơn vị kiểm toán còn ý kiến ngoại trừ đối với dự án của VnSteel tại Tisco. Theo đó, cơ quan kiểm toán cho biết không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến việc xác định giá trị cũng như những tổn thất có thể có của Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 – Tisco 2. “Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu liên quan hay không”, kiểm toán nêu.
Trong phần giải trình, VnSteel cho hay Tisco đang triển khai dự án Tisco 2 với tổng chi phí đầu tư toàn dự án theo dự toán ban đầu khoảng 3.844 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh là khoảng 8.105 tỷ đồng. Dự án được thực hiện từ 2007. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của Dự án tới thời điểm 31/12/2019 là khoảng 5.362 tỷ đồng…
Năm 2019 cũng là lần đầu tiên, công ty kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính của TISCO, dù các năm trước đã liên tục nhấn mạnh vấn đề liên quan đến dự án mới. Đến cuối năm 2019, hơn 615 tỷ đồng nợ gốc của TISCO đã rơi vào tình trạng quá hạn, nợ phải trả ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn tới 2.885 tỷ đồng; tổng quy mô nợ vay của TISCO xấp xỉ 4.853 tỷ đồng, đóng góp hơn một nửa nguồn vốn.
Đối với khoản vay nợ cho Dự án TISCO II, dư nợ đến cuối năm 2019 tăng thêm 284 tỷ đồng, đạt 3.565 tỷ đồng. “Khả năng hoạt động liên tục của TISCO cơ bản tùy thuộc vào việc gia hạn nợ với các ngân hàng và phương án bổ sung nguồn vốn thiếu hụt phục vụ hoạt động kinh doanh”, Hãng kiểm toán AASC cho hay.
Thực tế, ngay từ năm 2019, TISCO đã phải co kéo dòng tiền bằng cách thỏa thuận với các nhà cung cấp để tăng thời gian trả chậm hay yêu cầu khách hàng ứng trước tiền, đồng thời giảm tồn kho và làm việc với các ngân hàng để vay kịch hạn mức mới có đủ nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh thông thường.
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương do Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì vào đầu tháng 4, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam - VNSteel (công ty mẹ của TISCO) thừa nhận, việc bám theo nguyên tắc xử lý dự án theo cơ chế thị trường và Nhà nước không cấp vốn, đồng thời đảm bảo vốn nhà nước tại doanh nghiệp có xác suất không khả thi rất cao. Điều này đã khiến các đơn vị, cá nhân trực tiếp xử lý Dự án chần chừ, chỉ đưa ra kiến nghị chung chung và chờ ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên.
Như vậy, sau 13 năm kể từ ngày bắt đầu triển khai, đến nay, Dự án TISCO II vẫn là công trình dở dang. Theo lãnh đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), do các vướng mắc không thể giải quyết dứt điểm của hợp đồng EPC với nhà thầu chính (Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc - MCC) và 14 nhà thầu phụ Việt Nam, nên Dự án tạm dừng, chưa tiếp tục triển khai thi công.
Những gì TISCO làm thời gian qua là gửi nhiều báo cáo tới Chính phủ, các ban, ngành và chờ ý kiến chỉ đạo. Và thời gian không chỉ làm hoen gỉ dây chuyền, máy móc, thiết bị nhập về, mà còn khiến khối nợ của TISCO mỗi ngày một phình to. Số liệu cập nhật mới nhất của doanh nghiệp thép này vào cuối năm 2019 cho thấy, tổng chi phí đầu tư Dự án TISCO II đã lên tới gần 5.362 tỷ đồng, trong đó, riêng chi phí lãi vay đã vốn hóa xấp xỉ 2.155 tỷ đồng, gần ngang ngửa với nợ gốc.
Có thể bạn quan tâm