Softbank toan tính gì khi đầu tư vào Miami?
Miami, một trung tâm khởi nghiệp mới nổi của Mỹ đang tìm thấy một người viết séc mới: SoftBank.
Tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD, được trích từ các quỹ của mình, vào các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Miami. Đáng chú ý, quỹ 5 tỷ đô Mỹ của SoftBank cũng có trụ sở chính tại Miami.
Sáng kiến này do Giám đốc điều hành SoftBank Marcelo Claure đưa ra. Quỹ sẽ hỗ trợ các công ty đang ở Miami hoặc dự định chuyển đến đó.
Miami thuộc bang Florida của Mỹ, nơi nổi tiếng với những bữa tiệc sôi động trên bãi biển cùng những loài sinh vật hoang dã như cá sấu và cự đà Nam Mỹ. Miami được coi là một thiên đường vui chơi giải trí với những bờ biển cát trắng trải dài mềm mịn cùng các hoạt động tại bờ biển như bóng chuyền bãi biển, chèo thuyền, lướt sóng, các môn thể thao dưới nước, dã ngoại và picnic...
Nhưng giờ đây, thành phố này đã trở thành một trung tâm mới của các công ty khởi nghiệp công nghệ được gọi là “iguanacorn”. Iguanacorn một từ được ghép giữa iguana (cự đà Nam Mỹ) và unicorn (kỳ lân) để hình dung về những startup có trị giá hơn 1 tỷ USD – hay còn gọi là “kỳ lân” của Thung lũng Silicon.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Miami là một thành phố quốc tế, nơi có 53% trong số 2,7 triệu cư dân là người nước ngoài với sự đa dạng sắc tộc và quốc tịch, cho phép các công ty startup tiếp cận thị trường ở Bờ Đông nước Mỹ, Mỹ Latinh và châu Âu. Ngoài ra, Miami còn là nơi có mức thuế thấp, khí hậu ôn hòa, chi phí sinh hoạt “khá bèo” so với những trung tâm truyền thống như San Francisco và New York.
Không ngạc nhiên khi SoftBank đang nhìn thấy tiềm năng phát triển của Miami. “Thiên đường miễn thuế” của nước Mỹ đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư và những người sáng lập từ khắp nơi trên thế giới, đang tìm cách tham gia vào bối cảnh sôi động nơi đây.
Ngoài sự thính nhạy từ SoftBank, những “cá mập” ngửi thấy mùi máu bao gồm Keith Rabois của Founders Fund, David Blumberg của Blumberg Capital, Chris Dixon của Andreessen Horowitz và David Sacks của Craft Ventures.
Thị trưởng Miami, Francis Suarez, người đã đăng trên Twitter yêu cầu các kỹ sư chuyển đến Miami, đã mong muốn biến thành phố trở thành trung tâm khởi nghiệp.
Ruben Harris, người sáng lập Career Karma, đã làm việc với Suarez từ năm 2018 cho rằng: “Bây giờ Softbank đã thực hiện động thái này, chúng ta sẽ thấy nhiều quỹ khác theo chân họ và đây là một chiến thắng to lớn cho sự đa dạng không chỉ từ góc độ chủng tộc mà còn từ góc độ kinh tế xã hội”.
Ruben Harris, người đang suy nghĩ về việc chuyển đến thành phố. Career Karma hiện đang làm việc với các quỹ VC – một tổ chức đầu tư phi lợi nhuận để đưa máy tính xách tay cũ vào chương trình Reskill America của mình, nhằm giúp đào tạo một lực lượng lao động mới nổi ở Miami.
Monica Black, người đứng sau Function, một tổ chức đầu tư phi lợi nhuận có trụ sở tại Miami, hy vọng rằng sự gia nhập của SoftBank “sẽ không chỉ tăng lượng vốn dành cho các công ty khởi nghiệp địa phương và giúp họ phát triển đến giai đoạn Series A mà còn hơn thế nữa, thu hút các tổ chức phi lợi nhuận khác với tư cách là đồng đầu tư”.
Trên thực tế, đại dịch COVID-19 đang buộc tất cả phải suy nghĩ lại về các hoạt động tại nơi làm việc và nhìn ra bên ngoài các trung tâm kinh doanh truyền thống như New York hay là San Francisco. Nó cũng gây ra một làn sóng bàn tán về việc các công ty công nghệ chuyển đến Nam Florida sau khi một số nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng dẫn đầu.
SoftBank đã ra mắt quỹ 5 tỷ USD vào tháng 3 năm 2019 và cho biết muốn triển khai khoảng 1 tỷ đô mỗi năm từ trung tâm của mình ở Miami. Họ đã đầu tư vào các công ty như Rappi của Colombia, một dịch vụ giao đồ ăn và Gympass, một công ty thể dục ở Brazil.
Nico Berardi, người sáng lập quỹ ANIMO Ventures có trụ sở tại Miami, đã đánh giá về cuộc đầu tư mạo hiểm mới của SoftBank khi cho rằng: “SoftBank đang cắm một lá cờ ở đây và với việc ngày càng nhiều nhà đầu tư chuyển đến thành phố, có thể sẽ khai sinh ra nhiều kỳ lân mới tại nơi đây”.
Có thể bạn quan tâm