CEO Softbank Masayoshi Son: "Gã điên" muốn mua cả thế giới công nghệ

Diendandoanhnghiep.vn Vóc dáng nhỏ bé của Masayoshi Son đối nghịch với quyền lực. Người đàn ông này là một trong những ông trùm đầu tư của giới công nghệ, chắp cánh cho những startup tỷ USD.

Đằng sau thành công của Grab, Uber, Alibaba, Qualcomm, NVIDIA...những "công ty khởi nghiệp" lớn nhất thế giới là bóng dáng của một người đàn ông Nhật Bản - có thể xem như một Warrent Buffett của giới công nghệ.

Ông trùm đằng sau nhiều đế chế công nghệ

Năm 2016, Masayoshi Son gặp gỡ một loạt những nhà đầu tư tiềm năng để bàn về dự án mới. Trước cuộc họp, ông nhìn lại bản trình bày do Rajeev Misra, người phụ trách dự án soạn thảo. Ông Son dừng lại ở trang nói về số tiền muốn gọi vốn: 30 tỷ USD.

Người giàu thứ hai ở Nhật Bản với khối tài sản khoảng 16,3 tỷ USD.

Người giàu thứ hai ở Nhật Bản với khối tài sản khoảng 16,3 tỷ USD.

Nếu kêu gọi được 30 tỷ USD, quỹ Vision Fund mà ông Son khởi xướng sẽ có số vốn lớn gấp 4 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất từ trước tới nay. Quy mô thị trường vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu vào khoảng 70 tỷ USD mỗi năm. Sau một hồi suy nghĩ, ông xóa số 3, thay bằng số 1 và thêm vào 1 số 0.

“Đời quá ngắn để suy nghĩ hạn hẹp”, ông Son nói với Misra, lúc đó đang sững sờ trước con số 100 tỷ USD.

300 năm. Đó là tầm nhìn mà Masayoshi Son đặt ra cho SoftBank vào 1990, chỉ hơn 10 năm sau khi công ty này hình thành. Trong hơn 20 năm qua, tầm nhìn của ông Son đã được chứng minh qua một loạt thương vụ đầu tư thành công.

Tuy nhiên, mục tiêu của ông Son còn lớn hơn thế. Ông muốn mỗi năm phải lập được một quỹ với giá trị 100 tỷ USD.

“Tôi cần nhiều tiền như vậy vì cuộc cách mạng về thông tin đang diễn ra, và để xây dựng nên một doanh nghiệp hiện thực hóa cuộc cách mạng này sẽ cần rất nhiều tiền, với thời gian đầu tư lâu dài”, ông Son giải thích về số vốn khổng lồ của quỹ Vision Fund.

Những khoản đầu tư lớn nhất của Vision Fund có thể kể tới Uber, ARM, NVIDIA, WeWork và Flipkart. Đây đều là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Số lượng những khoản đầu tư nhỏ hơn thì rất nhiều. Có thể kể đến Oyo, một công ty Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, Compass và OpenDoor, hai công ty bất động sản, và cả ByteDance, startup đang được quan tâm nhất hiện nay và sở hữu ứng dụng TikTok.

Sau hơn 3 năm, VisionFund đã đầu tư hơn 70 tỷ USD. Đây là con số khiến cho những chuyên gia tài chính ở Thung lũng Silicon cũng phải e dè. Không khó để hình dung câu hỏi mà ai cũng muốn biết câu trả lời: ông Son sẽ đầu tư vào công ty nào tiếp theo?

Son không trả lời câu hỏi này, nhưng ông đã nhiều lần bày tỏ quan điểm về khoản đầu tư sẽ trở thành “Alibaba thứ hai” của mình. Năm 2000, ông Son đầu tư 20 triệu vào một công ty thương mại điện tử mới toanh của Trung Quốc. Giá trị của khoản đầu tư đó ở thời điểm hiện tại lên tới vài chục tỷ USD.

Nếu chỉ biết đến WeWork như một startup về không gian làm việc chung, người ta sẽ không thể hiểu sự ưu ái của ông Son dành cho công ty này. Tiềm năng thật sự của WeWork nằm ở khả năng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào môi trường làm việc, nơi chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày.

“Về cơ bản, mọi đồ vật đều có thể trở thành một chiếc máy tính. Chúng ta đang nhìn vào tương lai, khi mà mọi thứ trong văn phòng này đều được kết nối và trở nên thông minh”, David Fano, Giám đốc phát triển của WeWork chia sẻ.

Tiềm năng của WeWork rất phù hợp với tầm nhìn của ông Son. Đó là lý do ông Son đầu tư hàng tỷ USD vào WeWork. Với số tiền đầu tư đó, WeWork đang liên tục mở rộng số văn phòng của mình.

Bên cạnh đó, nguyên nhân ông Son tin tưởng WeWork đến vậy còn nằm ở nhà đồng sáng lập và CEO Adam Neumann. Cả hai có mối quan hệ rất thân thiết, và một số người thân cận cho rằng ông Son nhận thấy Neumann giống như một phiên bản trẻ hơn của mình: luôn khát khao và hoạt động với nỗ lực tối đa.

Không chỉ là một nhà đầu tư, ông Son còn là một người cố vấn. Những kinh nghiệm của ông góp vai trò quan trọng trong sự phát triển của WeWork.

Tham vọng quy mô đẻ quy mô

Đầu năm nay, dịch COVID-19 đã khiến cho SoftBank Group ngã quỵ. Khi các trái chủ chạy trốn khỏi các công ty nặng nợ, tập đoàn công nghệ Nhật này đã chao đảo. Tháng 3/2020, tỉ phú Masayoshi Son, ông chủ SoftBank, đã công bố bán 41 tỉ USD giá trị tài sản nhằm ổn định tình hình tại Tập đoàn.

Đến tháng 9, ông Son cho biết đã đến thời kỳ “bình thường mới”, theo đó các cuộc họp, giao nhận thực phẩm, giáo dục, chăm sóc y tế, mua sắm, giải trí đều thực hiện online (do lệnh phong toả và giãn cách xã hội trong mùa dịch), là yếu tố thuận lợi cho SoftBank. Bởi từ lâu ông dồn tâm huyết để thực hiện tầm nhìn vĩ đại về một cuộc chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) và dịch COVID-19 đã là chất xúc tác thúc đẩy thời đại số nhanh hơn so với dự kiến.

Cơn sốt công nghệ số đang giúp vực dậy quỹ Vision Fund 100 tỉ USD đang làm ăn kém hiệu quả của SoftBank. Từ năm 2017, Quỹ đã bắt đầu giải ngân vào các thương vụ đầu tư, nhưng trở nên chật vật sau những cú ngã ngựa, đặc biệt là cú rơi của WeWork, một startup không gian làm việc chung.

Mặc dù SoftBank góp chỉ 28 tỉ USD trong tổng vốn của Vision Fund (tương đương 12% giá trị tài sản của công ty Nhật này lúc đó), nhưng những cú va vấp đã khiến giá cổ phiếu SoftBank sụt giảm mạnh và “đả kích” tiếng tăm của ông như một nhà đầu tư khôn ngoan.

Tiếng tăm ấy có được sau thương vụ ông mua lại 34% cổ phần trong startup thương mại điện tử Alibaba (bắt đầu mua lại từ năm 2000), giờ là công ty niêm yết có giá trị nhất Trung Quốc.

Đại dịch đã làm giảm giá trị của một số công ty thuộc danh mục đầu tư của Vision Fund như các công ty trong những ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng và vận tải. Ông Son đã vất vả huy động nguồn tiền bên ngoài cho quỹ Vision Fund 2. Quỹ mới này đặt mục tiêu huy động 108 tỉ USD nhưng giờ đang xoay xở chỉ với số tiền nhỏ góp từ SoftBank.

Nước cờ kế tiếp của ông Son đang là điều được quan tâm. Hiện cơn sốt bán tài sản của ông vẫn chưa chấm dứt từ sau tuyên bố bán 41 tỉ USD giá trị tài sản hồi tháng 3. Đến nay, SoftBank đã bán hầu hết tài sản ở mảng viễn thông di động, trong đó bán một phần khác thuộc bộ phận di động Nhật và toàn bộ Sprint (hãng khai thác di động lớn thứ 4 nước Mỹ) và bán cả Brightstar, một nhà phân phối thiết bị không dây.

Vào tháng 9, ông Son tuyên bố bán ARM, một nhà thiết kế chip có trụ sở tại Anh, với giá 40 tỉ USD cho hãng chip Mỹ Nvidia. Đáng nói, ARM từng được xem là yếu tố nòng cốt trong hệ sinh thái các startup dựa trên nền tảng web và AI trong tầm nhìn vĩ đại mà ông Son vạch ra.

Không tính thương vụ bán ARM, vốn sẽ mất nhiều tháng mới hoàn tất, SoftBank đã thu về 52 tỉ USD từ hoạt động thoái vốn. Giới đầu tư cho rằng một người đầy tham vọng như ông Son sẽ không đời nào chịu ngồi yên trên số tiền ấy. Bằng chứng là tháng 9 vừa qua, SoftBank đã gây bất ngờ với chiến lược “cá voi Nasdaq” khi chi hàng tỉ USD thâu tóm quyền chọn mua các cổ phiếu công nghệ lớn niêm yết như Amazon, Microsoft, Alphabet... Một chi nhánh quản lý tài sản mới của ông Son đã mua lại gần 4 tỉ USD cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ, một phần được lấy từ nguồn tiền thu về trong chương trình bán 41 tỉ USD giá trị tài sản.

Tòa Tiffany & Co. tại quận Ginza của Tokyo. Ảnh: Toru Hanai/Reuters

Tòa Tiffany & Co. tại quận Ginza của Tokyo. Ảnh: Toru Hanai/Reuters

Giới phân tích cho rằng có 3 con đường đang mở ra cho Son. Một viễn cảnh là ông Son sẽ khởi động kế hoạch đã bàn bạc từ lâu: Đưa SoftBank trở thành công ty tư nhân bằng phương án thâu tóm MBO (Management Buyout). MBO được hiểu là một giao dịch mà dàn lãnh đạo mua lại tài sản của công ty mà họ quản lý với mục đích đưa doanh nghiệp trở thành công ty tư nhân nhằm tinh gọn hoạt động và cải thiện khả năng sinh lời.

Theo một nhà đầu tư lớn của SoftBank, phương án MBO sẽ khả thi nếu được cơ cấu như một khoản vay bắc cầu; khoản vay này đến từ việc bán ra nhiều cổ phần của SoftBank hơn tại Alibaba và các tài sản khác. Theo Oliver Matthew thuộc CLSA, cách làm này sẽ làm SoftBank bị co cụm, dù giúp ông chủ SoftBank trở nên giàu có hơn nhưng sẽ làm giảm khả năng đầu tư của Son vào các lĩnh vực tăng trưởng mới. Vì thế, ông Matthew cho rằng khả năng triển khai phương án MBO sẽ khó xảy ra.

Viễn cảnh thứ 2 là ông Son sẽ nắm giữ cổ phần lớn trong một hoặc vài gã khổng lồ công nghệ đã niêm yết. Đầu tư vào các gã khổng lồ công nghệ niêm yết có thể hấp dẫn hơn, bởi những công ty này đang thu về mức lãi lớn nhờ cơn sốt kỹ thuật số. Các ngôi sao công nghệ chưa niêm yết, ngược lại, đa phần đang “trau chuốt” mô hình kinh doanh hoặc đang cạnh tranh kịch liệt để giành thị phần.

Động thái thâu tóm hàng tỉ USD quyền chọn mua cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn niêm yết gần đây đã cho thấy lựa chọn của ông Son. Theo một người thân cận với ông Son, quan điểm của ông chủ SoftBank là “quy mô đẻ ra quy mô và các công ty lớn mới thành công được trong môi trường này”. Hơn nữa, các cơ hội mới trong thị trường tư nhân lại ít hơn, một phần vì Vision Fund đã cung cấp vốn cho hầu hết các công ty trên thị trường này.

Khả năng thứ 3 là ông Son có thể đẩy mạnh mô hình Vision Fund bằng cách rót nhiều tiền hơn vào quỹ Vision Fund 2 và các quỹ sau đó. Hiện tình hình tại quỹ Vision Fund đầu tiên đã khởi sắc hơn so với cách đây vài tháng.

Đến nay, Vision Fund đã giải ngân 82,6 tỉ USD vào 92 doanh nghiệp. Sang tháng 6/2020, giá trị của quỹ này đã tăng thêm 3,5 tỉ USD. Đến cuối tháng 9, theo nguồn tin thân cận, Vision Fund đã lấy lại thêm 4,5 tỉ USD nữa. Nhờ đó, mức sinh lời đã được cải thiện lên 10%. Nhưng con số này chẳng là gì so với chỉ số công nghệ Nasdaq, vốn đã mang lại mức sinh lời gấp 10 lần trong 3 năm qua. Dù sao Vision Fund đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục kể từ khi đẩy công ty mẹ vào tình cảnh thua lỗ với mức lỗ kỷ lục 8,9 tỉ USD trong năm tài chính vừa qua.

Cơn sốt IPO trong ngành công nghệ sẽ tiếp sức cho Vision Fund. DoorDash, một startup giao nhận thực phẩm, dự kiến niêm yết vào tháng 11 tới, với mức định giá 25 tỉ USD. Mức định giá này giúp tăng gấp 5 lần khoản đầu tư 600 triệu USD vào DoorDash của Vision Fund. Số cổ phần 37% của Vision Fund tại Coupang, được ví như Amazon của Hàn Quốc, có thể mang lại mức sinh lời không kém.

Theo các nhà đầu tư tại Châu Á, Coupang đã nhận được các lời đề nghị rót vốn với mức định giá lên tới 30 tỉ USD. Danh mục đầu tư của SoftBank còn có các khoản nắm giữ tại một số ngôi sao công nghệ chưa niêm yết của Trung Quốc như ByteDance (sở hữu ứng dụng nổi tiếng TikTok) và Beike, một nền tảng bất động sản nhà ở gần đây đã tăng gấp 4 lần về giá trị.

Một lý do khác cho thái độ lạc quan này là có vẻ như lãnh đạo SoftBank đã “thấm đòn” từ những cú va vấp sau 3 năm đầu tiên vận hành Vision Fund. Bằng chứng là quỹ Vision Fund 2 không chủ trương rót quá nhiều vốn vào các công ty trẻ. Trong khi quỹ Vision Fund đầu tiên không rót vốn dưới mức 100 triệu USD vào bất kỳ công ty nào, thì 8 trong số 13 khoản đầu tư của Vision Fund 2 lại thấp hơn mức này. Thậm chí có cả 1 khoản đầu tư mà Vision Fund 2 rót chỉ 20 triệu USD. Có vẻ như cách làm này sẽ ít rủi ro hơn rất nhiều.

Một dấu hiệu nữa là trước sức ép từ quỹ đầu tư chủ động Elliott, ông Son đã thực hiện một số thay đổi về quản trị, khi đưa một người phụ nữ vào Hội đồng Quản trị. Dù vậy, theo những người am hiểu ông Son, điều sẽ không thay đổi là sự khó đoán định và khẩu vị ưa thích rủi ro của ông.

25 triết lý quản trị

Không phải các CEO công nghệ giàu sụ như Jeff Bezos, Mark Zuckerberg hay Elon Musk, chính nhà đầu tư quyền lực như Son Masayoshi mới là người có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới với làn sóng công nghệ tiếp theo. Những vị tỷ phú kia có thể có tiền, nhưng không ai có được một sự kết hợp hoàn hảo cả về tham vọng, trí tưởng tượng và sự dũng cảm như người đàn ông Nhật Bản nhỏ con này. 25 triết lý quản trị của Son được dạy tại học viện Softbank với mục đích đào tạo chiến tướng và đội ngũ kế cận.

TRIẾT LÝ

ĐẠO - Triết lý, xây dựng chí hướng, con đường
THIÊN- Có được thiên thời, đúng thời điểm
ĐỊA- Có được địa lợi, hệ sinh thái hỗ trợ
TƯỚNG -Tập hợp được nhiều cấp dưới tinh hoa ưu tú
PHÁP- Tạo ra quy tắc, hệ thống để liên tục giành thắng lợi

TẦM NHÌN

ĐỈNH- Có tầm nhìn. Xác định ngọn núi mình sẽ leo và tưởng tượng, hình dung cảnh sắc nhìn từ trên đỉnh ngọn núi đó
TINH- Cố gắng thu thập thật nhiều thông tin
LƯỢC- Suy nghĩ kỹ càng, xây dựng chiến lược dựa trên những thông tin đã thu thập
THẤT - Suy xét cho đến khi dự đoán sẽ giành được 70% thắng lợi
ĐẤU - Chiến đấu hết sức để hiện thực hoá tầm nhìn

CHIẾN LƯỢC

NHẤT- Luôn hướng tới vị trí số 1 một cách áp đảo
LƯU - Nhìn ra đâu là dòng chính trong dòng chảy của thời đại
CÔNG - Có khả năng tấn công trong mọi lĩnh vực, thời điểm
THƯ- Giữ vững dòng tiền, đảm bảo tuân thủ luật pháp
QUẦN - Chiến lược đàn chim. Vừa kết hợp về tinh thần, về nguồn vốn, vừa chiến đấu theo chiến lược đàn chim đầy chủ động

TÂM THẾ

TRÍ - Tôi luyện trí tuệ về mọi mặt
TÍN - Trở thành người được đối tác tin cậy. Tin tưởng đồng đội, tinh vào chí hướng
NHÂN - Lòng nhân ái. Chiến đấu vì hạnh phúc của nhiều người
DŨNG- Có lòng dũng cảm chiến đấu, dũng cảm rút lui
NGHIÊM - Đôi lúc phải trở thành con quỷ nghiêm khắc với cấp dưới.

CHIẾN THUẬT

PHONG - Hành động nhanh như gió
LÂM - Tiến hành những cuộc thương lượng quan trọng một cách nhẹ nhàng, bí mật
HỎA - Lúc cần thiết, hành động dữ dội như lửa
SƠN - Khi không hành động, phải giữ yên lặng như núi
HẢI - Sau cuộc chiến, phải tiếp cận tất cả và đem lại bình yên như biển cả

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết CEO Softbank Masayoshi Son: "Gã điên" muốn mua cả thế giới công nghệ tại chuyên mục Doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711664989 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711664989 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10