Khi doanh nghiệp Việt đi ra khỏi “ao nhà”
Cộng đồng doanh nghiệp Việt nay đã có một tầm vóc khác. Họ có đầy đủ nguồn lực, trí tuệ, bản lĩnh để cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn ngoại.
Năm 2020, Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đã hoàn tất mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck để trở thành nhà chế tạo hàng đầu vật liệu công nghiệp công nghệ cao.
Đây được xem là bước đi chiến lược mà Masan Resources - MSR (một công ty con của Masan Group) hướng tới trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới. Việc thâu tóm HCS đã đưa Masan lên "cùng mâm" với những ông lớn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khai khoáng và cơ khí chế tạo.
Chủ động “cùng mâm” với những ông lớn
Nhìn lại hành trình của Masan có thể thấy, phương tiện mà họ đã và đang thực hiện có hiệu quả nhất để đi tới mục tiêu xây dựng một tập đoàn lớn hàng đầu là thông qua con đường mua bán, sáp nhập (M&A).
Ngay từ đầu thập niên 2010, Masan đã bạo tay thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài tầm cỡ như công ty sản xuất thức ăn gia súc thương hiệu Con Cò (Proconco) và Anco…
Năm 2015, Masan gây chấn động làng thức ăn chăn nuôi khi công bố mua lại 51% cổ phần Proconco. Cùng năm này, Masan cũng mua 70% cổ phần Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco). Sang năm 2016, Masan mua nốt 30% cổ phần còn lại của Anco, nâng sở hữu công ty lên 100%.
Thông qua M&A, Masan đã nhanh chóng xây dựng một chuỗi giá trị của ngành hàng đạm động vật – thị trường có trị giá lên tới 18 tỷ USD, từ thức ăn gia súc (Proconco), đến chăn nuôi gia súc (Anco), chế biến thịt (thâu tóm Vissan) và gần đây nhất là cho ra đời MeatLife.
Câu chuyện Vinamilk bỏ ra 10 triệu USD thâu tóm nhà máy sữa Driftwood của Mỹ cách đây gần thập kỷ cũng đã mang lại trái ngọt cho doanh nghiệp sữa đầu ngành Việt Nam. Sau vài năm tái cấu trúc, nhà máy sữa có lịch sử tồn tại cả thế kỷ tại Mỹ đã giúp Vinamilk kiếm lợi hơn 100 triệu USD.
Mỹ là một thị trường rộng lớn mà bất kỳ nhà sản xuất nào trên thế giới cũng thèm muốn đưa sản phẩm của mình lưu thông tại đây.
Chia sẻ với Đại sứ Mỹ Kritenbrink về câu chuyện "Giấc mơ sữa Việt" mà Vinamilk ấp ủ hàng chục năm qua, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành sản xuất của Vinamilk cho biết, điều Vinamilk cảm thấy tự hào nhất là đã đưa Việt Nam từ một nước không có ngành sữa đến nay đã có thể xuất khẩu sản phẩm sữa đi 50 quốc gia trên thế giới.
"Chúng tôi đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu lọt top 30 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới", ông Khánh nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Vinamilk, các thương vụ đầu tư ra thị trường nước ngoài mang lại nhiều lợi ích cho công ty. Một trong những kết quả đáng ghi nhận là quỹ đất lớn để thành lập các trang trại bò sữa hữu cơ ở nước ngoài mà tại Việt Nam khó tìm được. Việc sản xuất nguyên liệu tại các nước lân cận rồi đưa về Việt Nam cũng rất thuận lợi, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho công ty.
Gần đây, Vinamilk cũng mua cổ phần tại Nhà máy Miraka ở New Zealand. Khoản đầu tư này không chỉ thu về cổ tức mà còn giúp Vinamilk có được nguồn cung cấp bột sữa tốt và ổn định.
Còn với Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển thì lại “nổi bật” ở thị trường châu Phi. Vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, từ quý III/2020, tập đoàn này đã tiến ra nước ngoài với thương vụ mua điều thô lớn nhất trong lịch sử. Việc vượt qua những doanh nghiệp khác của Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, UAE... trúng đấu giá mùa vụ 2019-2020 tại các nước châu Phi đã tạo tiếng vang cho T&T, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt ở thị trường nước ngoài.
Năm 2020, tổng sản lượng xuất nhập khẩu điều mà T&T Group thực hiện đạt trên 400.000 tấn, tương đương 25% sản lượng xuất nhập khẩu điều của cả nước. Năm 2021, tập đoàn đặt kế hoạch nhập khẩu 600.000 tấn điều thô và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu điều nhân.
VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng có những cú bứt phá sang các thị trường nước ngoài, bằng quyết định mua lại Trung tâm thử nghiệm xe Lang Lang nằm ở bang Victoria (Úc) với diện tích gần 900ha là một bước đi táo bạo của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhằm dịch chuyển sang thị trường quốc tế, thay vì chỉ tập trung ở thị trường Việt Nam.
Đại diện VinFast cho biết, việc sở hữu một trung tâm tại Úc sẽ giúp công ty đẩy nhanh quá trình tự chủ trong công nghiệp xe hơi, tiến gần mục tiêu ra mắt những mẫu xe có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Nhưng mục tiêu trọng tâm nhất của tập đoàn là bán ô tô điện vào thị trường Mỹ vào năm 2021.
Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài cũng hướng đến đầu tư tại thị trường nước ngoài để tìm cơ hội bứt phá xa hơn. Sự thành công tại thị trường Campuchia chỉ là bước đệm để MWG vươn tới Indonesia, Philippines, Myanmar... Thị trường Việt Nam dường như đã quá chật hẹp với một công ty tăng trưởng mạnh như MWG.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn đã từng cho rằng để phát triển thương hiệu lớn mạnh hơn là phải mạnh dạn đi ra khỏi “ao nhà”.
Tầm vóc doanh nghiệp Việt đã lớn mạnh
Mặc dù kết quả của các hoạt động M&A chỉ được thể hiện rõ sau một thời gian thực hiện, nhưng các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, các doanh nghiệp của Việt Nam đã ngày càng lớn mạnh. Với các công ty có chiến lược dài hơi, định vị rõ ràng thì hoàn toàn không e ngại trước các tập đoàn ngoại.
Ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa Quản trị nhận xét, các thương vụ của doanh nghiệp Việt ra nước ngoài mua lại công ty khác đa số là để thâm nhập vào thị trường địa phương nhanh nhất.
Bởi thông thường, các quốc gia đều có những ưu đãi nhiều cho doanh nghiệp trong nước hơn là nước ngoài. Tương tự, việc mua lại các pháp nhân sở tại cũng là cách để thuận lợi tham gia vào việc đấu thầu các dự án tại chỗ, mở rộng thị trường ra quốc tế nhanh nhất.
“Các thương vụ mua lại công ty nước ngoài là dấu hiệu tốt của nền kinh tế Việt Nam, vì nhiều công ty tư nhân đã tìm cách thích nghi với điều kiện, quy định, khung pháp lý của các nước trong quá trình mở rộng thị trường. Tuy nhiên thường những công ty lớn mới có khả năng thực hiện được những thương vụ M&A nên số lượng thành công chưa nhiều”, ông Hòa nói.
Còn theo ông Lê Phụng Hào, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam, các thương vụ M&A đều có nhiều mục tiêu như dùng thương hiệu cũ để chiếm nhanh thị trường hoặc mua để xóa bỏ thương hiệu, triệt tiêu đối thủ hay lấy năng lực sản xuất… Kết quả của các thương vụ trên chắc chắn phải một thời gian nữa mới rõ.
Nhưng dù với mục đích nào thì các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp ngoại của các công ty trong nước cũng thể hiện tầm vóc doanh nghiệp Việt đã lớn mạnh, từng bước vững chắc vươn ra tầm khu vực và cả thế giới.
“Trong làn sóng các tập đoàn nước ngoài thâu tóm nhiều thương hiệu Việt thì các thương vụ ngược lại của doanh nghiệp trong nước mua lại doanh nghiệp ngoại rất đáng khích lệ và được cổ vũ”, ông Hào bày tỏ.
Thực tế này đã trả lời câu hỏi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể mua lại cổ phần, mua lại hoàn toàn công ty nước ngoài ở bất kỳ lĩnh vực nào. Bên cạnh việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, việc mua lại thương hiệu ngoại sẽ giúp môi trường phát triển của các doanh nghiệp rộng mở hơn, cơ hội đưa công ty tăng tốc lên quy mô tầm khu vực và thế giới nhanh hơn.
“Điều này cũng sẽ giúp ngược lại đưa giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trong nước không chỉ vươn xa bên ngoài, mà ngay chính thị trường nội địa cũng tốt hơn nhiều”, ông Hào nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Vinamilk tự tin tiến vào thị trường sữa toàn cầu
01:30, 24/11/2020
Hệ thống trang trại Vinamilk tăng trưởng về quy mô lẫn hiệu quả hoạt động
09:09, 10/09/2020
Uy tín và “Chiếc chìa khóa vàng” cho sự thành công của Vinamilk trên thị trường xuất khẩu
13:57, 08/09/2020
Thương hiệu Vinamilk được định giá hơn 2,4 tỷ USD
09:00, 06/08/2020
Vinamilk liên tiếp được đánh giá thuộc Top công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam
22:42, 21/07/2020
Vibev sẽ kế thừa “gen” trội từ Vinamilk và KIDO
06:45, 13/06/2020