Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 3): “Vai chính” của nền kinh tế

NGUYỄN CHUẨN 16/02/2021 05:00

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chuyển đổi số diễn ra từng ngày. Điều này đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải chuyển đổi mô hình phát triển và đặc biệt nhận thức rõ vai trò của KTTN.

Thực trạng nền KTTN Việt Nam

Hầu hết các quốc gia hiện nay, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay là châu Âu đều có được sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN).

Nền kinh tế Mỹ đặc biệt coi trọng sự phát triển của KTTN.

Các nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đặc biệt coi trọng sự phát triển của KTTN.

Phương châm của họ là đẩy mạnh vai trò, hoạt động của KTTN và hạn chế quyền lực, sức mạnh của các doanh nghiệp nhà nước. Đơn giản bởi quy mô và số lượng cùng những đóng góp của KTTN khi được cụ thể hóa và hỗ trợ có thể sẽ áp đảo kinh tế nhà nước.

Đồng thời, KTTN có sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt hơn bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bản thân doanh nghiệp. Ngoài ra, KTTN còn khuyến khích, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, mang tới một thị trường sôi động và gây sức ép buộc các doanh nghiệp phải luôn luôn phát triển, đổi mới nếu không muốn bị đào thải.

Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, từ vị trí không được thừa nhận, bị hạn chế phát triển, KTTN đã được “cởi trói” và dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng của KTTN trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập.

Có thể nói, vai trò, vị trí của khu vực KTTN Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước và bảo đảm an sinh xã hội.

Vai trò của KTTN tại Việt Nam

Vai trò của khu vực KTTN được thể hiện ở nhiều khía cạnh nhưng tựu chung lại có thể tóm tắt bằng những tiêu chí sau: đóng góp vào tăng trưởng GDP, vốn đầu tư xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cải cách và tạo việc làm cùng an sinh xã hội.

KTTN có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào tăng trưởng GDP, vốn đầu tư xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cải cách và tạo việc làm cùng an sinh xã hội.

KTTN có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào tăng trưởng GDP, vốn đầu tư xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cải cách và tạo việc làm cùng an sinh xã hội.

Thứ nhất: Đóng góp vào tăng trưởng GDP. Khu vực KTTN có đóng góp quan trọng vào quy mô của nền kinh tế. Trong ba khu vực kinh tế sở hữu, khu vực KTTN có đóng góp nhiều hơn vào GDP của nền kinh tế tại mọi thời điểm và đặc biệt, mức độ đóng góp ngày càng tăng theo thời gian.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê về tình hình kinh tế - xã hội. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế là 6,18% thì KTTN tăng trưởng 2,75%, năm 2017 tốc độ tăng trưởng nền kinh tế đạt 6,81% trong đó KTTN tăng 2.69%, năm 2018, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế là 7,08% thì KTTN là 3,15%.

Thứ hai: Đóng góp vốn đầu tư phát triển. KTTN có đóng góp lớn vào vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2015 - 2018: vốn đầu tư của 3 khu vực đều tăng nhưng khu vực KTTN và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhẹ, khu vực KTTN tăng nhanh hơn. Tỷ trọng trong cơ cấu đầu tư của KTTN chiếm tỉ trọng cao nhất so với KTNN và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Đầu tư của khu vực KTTN đã chiếm tới 53% - 56,3% tổng đầu tư của khu vực kinh doanh trong giai đoạn 2010-2018 và có xu hướng tăng lên theo thời gian. Tính riêng năm 2020, tỷ trọng của cơ cấu đầu tư KTTN chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư của khu vực kinh doanh. Bên cạnh đó, khu vực KTTN có tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư ổn định nhất trong 3 khu vực trong giai đoạn 2011- 2018, dao động từ 7,14% - 18,86% (trung bình đạt 13,2%/năm) và đạt mức tăng trên 16% trong năm 2019 và 2020.

Thứ ba: KTTN đóng góp lớn vào tỷ trọng lao động và tạo việc làm. Theo số liệu của tổng cục thống kê, khu vực KTTN có số lượng lao động cao nhất trong giai đoạn 2015 - 2018 chiếm khoảng 70% lao động xã hội. Từ năm 2010 - 2018 bình quân mỗi năm tạo thêm hơn 1 triệu việc làm mới.

Có thể nói, khu vực KTTN có ưu thế hơn hẳn về khả năng tạo việc làm. Nhìn chung lợi thế nổi bật của KTTN là có thể thu hút một lực lượng lao động đông đảo, đa dạng, phong phú cả về mặt số lượng cũng như chất lượng từ lao động thủ công đến lao động chất lượng cao ở tất cả mọi vùng, miền của đất nước, ở tất cả mọi tầng lớp dân cư...

Như vậy, KTTN góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động. Có lẽ, đây là đóng góp lớn nhất của khu vực KTTN. Tuy nhiên, do phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, trình độ công nghệ hạn chế nên chất lượng việc làm và năng suất lao động còn thấp.

Thứ tư: KTTN Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới sáng tạo. Sau giai đoạn đầu tư vào các lĩnh vực phát triển nóng như: bất động sản, chứng khoán, với tiềm năng của thị trường nội địa cộng với tầm nhìn dài hạn, một số tập đoàn KTTN đã chuyển sang đầu tư vào các lĩnh vực bền vững hơn. Trong đó, một số tập đoàn đã tạo được tiếng vang trên thị trường trong nước và thế giới, chẳng hạn như: Vingroup, Vinamilk, TH Truemilk, FPT, Hòa Phát, Masan…

Một số tập đoàn tư nhân này đã đi tiên phong trong đổi mới sáng tạo như việc Vingroup đầu tư vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp: ô tô, xe máy, điện thoại thông minh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu trong sản xuất thép, Sungroup  đứng đầu về dịch vụ giải trí, FPT khai mở doanh nghiệp số, mở ra triển vọng về xuất khẩu phần mềm…

Vingroup một điểm sáng trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam.

Vingroup một điểm sáng trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam.

Mặc dù vai trò của KTTN là vậy nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn có sự phân biệt đối xử giữa KTTN và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là vẫn chưa “xác định rõ vai trò của DNNN và DNTN”.

Theo nhiều chuyên gia, cần phải coi kinh tế tư nhân là thành phần chính của nền kinh tế và có chính sách ưu tiên phát triển một cách thực chất hơn nữa và cần phân cho KTTN những nguồn lực tích cực hơn nữa. Đồng thời, giảm đóng góp kinh tế của DNNN để các cơ quan bộ, ngành chỉ còn phải tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thậm chí, nhiều lĩnh vực nhà nước đang độc quyền cũng có thể cân nhắc, lựa chọn để DNTN tham gia.

Có thể bạn quan tâm

  • Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 2): Bệ đỡ từ chính sách

    Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 2): Bệ đỡ từ chính sách

    04:00, 15/02/2021

  • Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 1): Xóa rào cản, bỏ định kiến

    Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 1): Xóa rào cản, bỏ định kiến

    11:00, 13/02/2021

NGUYỄN CHUẨN