Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 1): Xóa rào cản, bỏ định kiến

NGUYỄN VIỆT 13/02/2021 11:00

Động lực chính bảo đảm cho tăng trưởng bền vững đất nước là nâng cao sức cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030 của Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng, trong đó nổi bật là tăng trưởng GDP đạt trung bình 7% và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 50% cho GDP. Đạt được thành tích này đòi hỏi nền kinh tế phải có động năng khác hẳn, trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt.

”Khi các

”Khi các "rào cản" gia nhập bị gỡ bỏ, các doanh nghiệp phải tự cạnh tranh để có được thị trường và nguồn lực.

Để khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM, chỉ giải quyết các nút thắt trong nội bộ khu vực này là chưa đủ. Trái lại, cần có một tầm nhìn tổng thể cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp quốc gia.

Cần một sự cạnh tranh bình đẳng

Trong bối cảnh chưa thể thu nhỏ một cách quyết liệt khu vực doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty, TS. Vũ Thành Tự Anh mong muốn chính phủ cương quyết cải cách hệ thống quản trị của các doanh nghiệp này, đưa chúng vào môi trường cạnh tranh, và chấm dứt cứu trợ cho những doanh nghiệp hay dự án thua lỗ kéo dài.

”Đối với khu vực FDI, bên cạnh việc thu hút có chọn lọc, hướng vào các ưu tiên của nền kinh tế, việc tìm cách cho doanh nghiệp nội địa kết nối vào mạng lưới cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu phải trở thành ưu tiên quan trọng của chính phủ giai đoạn tới”, TS. Vũ Thành Tự Anh nói.

Vẫn theo TS. Vũ Thành Tự Anh, cũng như bất kỳ nơi nào trên thế giới, khi sự tác động của các nhóm lợi ích khác nhau trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách là điều không thể tránh khỏi, việc tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau là giải pháp khả thi hơn cả.

Tâm lý mong mỏi các doanh nghiệp tự động "vứt bỏ" các mối lợi của mình là không thực tế. Do vậy, chính phủ cần tập trung vào việc tạo ra các thể chế để mọi doanh nghiệp có thể cạnh tranh với nhau một cách minh bạch, bình đẳng trong cả các hoạt động kinh doanh cũng như tạo ảnh hưởng hay vận động chính sách.

”Khi các "rào cản" gia nhập bị gỡ bỏ, các doanh nghiệp phải tự cạnh tranh để có được thị trường và nguồn lực. Lúc này, họ sẽ tự chế tài lẫn nhau và nhu cầu có những luật chơi công bằng dần được hình thành”, TS. Vũ Thành Tự Anh bày tỏ.

Không những thế, khi đó dù phải cạnh tranh lẫn nhau, doanh nghiệp có thể cùng ngồi lại để đề xuất hoặc "giúp" Chính phủ thiết kế những luật chơi công bằng hơn, làm cho chiếc bánh lớn lên vì lợi ích quốc gia chứ không chỉ “chăm chăm” chiếm được phần nhiều.

Kinh tế tư nhân cần không gian phát triển

Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu: Đến năm 2030, là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế

Cần khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế

Theo các chuyên gia kinh tế, động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững của đất nước trong các năm tiếp theo là nâng cao sức cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân. Các chuyên gia đã đặt ra các vấn đề cần giải quyết để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

Trong đó, việc xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.

Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60%-70%.

Theo TS Nguyễn Thị Luyến - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để phát triển kinh tế tư nhân, trong giai đoạn 2021-2030 cần tiếp tục tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế nhà nước cho phát triển.

Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước.

“Việc cổ phần hóa, thoái vốn sẽ giúp tạo không gian cho doanh nghiệp tư nhân khai thác, sử dụng các nguồn lực thoái lui từ khu vực kinh tế nhà nước (ngành, lĩnh vực kinh doanh, vốn, tài nguyên, nhân lực, thị trường...) để thế chỗ cho các DNNN”, bà Luyến nói.

Để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, tại Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Với việc đánh số 10 cho Nghị quyết này cũng nói lên quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta mong muốn nghị quyết mang lại những thành tựu có ý nghĩa đột phá như chúng ta đã đạt được như với Nghị quyết về Khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp vào thời kỳ đầu Đổi mới.

Tại Nghị quyết lần này, Đảng ta đã xác định, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên trong suốt quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và coi đây là một phương thức quan trọng để giải phóng sức lao động, sản xuất, để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.

Đảng ta xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và cũng là lần đầu tiên Đảng ta xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Có thể bạn quan tâm

  • Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 2): Bệ đỡ từ chính sách

    Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 2): Bệ đỡ từ chính sách

    04:00, 15/02/2021

  • Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 3): “Vai chính” của nền kinh tế

    Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 3): “Vai chính” của nền kinh tế

    05:00, 16/02/2021

  • Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 4): 4.0, Chiến tranh thương mại, Dịch bệnh và định hướng cho nền kinh tế tư nhân

    Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 4): 4.0, Chiến tranh thương mại, Dịch bệnh và định hướng cho nền kinh tế tư nhân

    06:28, 17/02/2021

  • Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 5): Khẳng định vị thế “sếu đầu đàn”

    Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 5): Khẳng định vị thế “sếu đầu đàn”

    04:00, 18/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 1): Xóa rào cản, bỏ định kiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO