Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 5): Khẳng định vị thế “sếu đầu đàn”

NGUYỄN VIỆT 18/02/2021 04:00

Khu vực kinh tế tư nhân là điểm sáng của năm 2020 nhiều biến cố, khi đi đầu vượt khó với tinh thần sáng tạo.

Đó là những câu chuyện rất điển hình của những doanh nghiệp đã lăn lộn thị trường hàng mấy chục năm trời, là "bánh mì thanh long" của hệ thống cửa hàng bánh kẹo ABC giúp giải cứu hàng chục tấn thanh long tồn đọng của người dân, là những máy ATM gạo của ông chủ khóa thông minh PHGLock, hay chuyện Công ty may mặc Dony nhanh chóng chuyển từ quần áo sang xuất khẩu để xuất khẩu hàng triệu chiếc khẩu trang sang châu Âu và Trung Đông… 

Vinfast xác lập 3 kỷ lục thế giới.

Vinfast xác lập 3 kỷ lục thế giới.

Những câu chuyện đó đều cho thấy rõ sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân tạo ra hiệu ứng sóng lan tích cực rộng lớn ra sao, điều càng thêm quý giá trong những ngày gian khó vì dịch bệnh.

“Rường cột” của nền kinh tế

Thị trường hàng không cũng là câu chuyện hay. Để hạn chế bớt tổn thất khi đường bay quốc tế đóng cửa, Vietjet Air đã mạnh dạn triển khai các mảng kinh doanh mới như bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài để tiết giảm chi phí, bắt tay cùng Tập đoàn UPS tham gia mảng vận chuyển hàng hóa giữa thị trường Mỹ và khu vực châu Á (nhất là đến Việt Nam và Thái Lan)…

Trên thị trường năng lượng, Tập đoàn Trung Nam Group đã trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng qua dự án đường dây 220/500kV từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, dài khoảng 17km. 

Mặc dù đây chỉ là dự án thí điểm, nhưng thành công của Trung Nam Group cho thấy phần nào năng lực thực sự của khối tư nhân, đồng thời phù hợp với lộ trình dần tự do hóa ngành năng lượng của VN, giảm bớt vị thế độc quyền của EVN.

Có thể thấy, Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo mà rất nhiều quốc gia hướng đến tăng trưởng và thịnh vượng khác đã đi qua, trong đó năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân cuối cùng và trên hết sẽ quyết định thành bại của quốc gia. 

Theo Hãng tư vấn McKinsey, trong thời gian tới Việt Nam nên tập trung vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các công ty khởi nghiệp để tăng khả năng phục hồi quốc gia. 

"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực phi chính thức nhìn chung tạo thành động cơ cầu nội địa quan trọng và sẽ tiếp tục cần được hỗ trợ, đặc biệt là trong ngắn hạn trong khi tốc độ tăng trưởng và thu nhập vẫn giảm", McKinsey nhận định.

Hơn thế nữa, Việt Nam có thể khai thác tiềm năng đáng kể chưa được hiện thực hóa của hệ sinh thái khởi nghiệp. 

Như vậy, kinh tế tư nhân chính là động lực, là rường cột của nền kinh tế. Vì thế, trong quá trình phát triển đất nước, cần tạo thêm lực đẩy cho khu vực kinh tế này, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn, để có thể tạo ra những “sếu đầu đàn” bay cao, vươn xa, trở thành các tập đoàn kinh tế toàn cầu, đưa kinh tế đất nước bước lên vũ đài lịch sử mới.

Theo các chuyên gia kinh tế, trên thế giới, các cường quốc kinh tế có đặc điểm chung là luôn sở hữu những tập đoàn, công ty tư nhân đóng vai trò đầu tàu, là nền tảng đảm bảo sự phát triển vững mạnh của quốc gia. 

Tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư như du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông...

Ở mỗi lĩnh vực kinh tế -xã hội đều có dấu ấn của những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Sun Group, Vingroup, Thaco, Masan, FPT, FLC… Đây được coi là những chú “sếu đầu đàn”, có vai trò đầu tàu dẫn dắt và tạo bệ phóng cho khu vực kinh tế tư nhân.

Có thể nói, kinh tế tư nhân đã và đang ngày càng chứng tỏ sức vóc lớn chưa từng thấy khi dám lao vào những lĩnh vực khó, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng trong nền kinh tế cũng như trên đấu trường quốc tế.

Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân đã có thể làm được những việc mà trước đây chỉ nhà nước mới được làm như: Xây dựng sân bay, cảng biển quốc tế trị giá hàng nghìn tỷ đồng; sản xuất ô tô, tham gia vào lĩnh vực hàng không...

Điển hình, tập đoàn Sun Group đầu tư hoàn thiện 3 công trình trọng điểm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và đang đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Trong đó, sân bay Vân Đồn được xây dựng chưa tới 2 năm, là công trình có thời gian xây dựng nhanh nhất Việt Nam, góp phần đưa cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được vinh danh là “Sân bay mới hàng đầu Châu Á 2019”.

Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, suốt mấy chục năm qua, lực lượng kinh tế nhà nước đã không thể thực hiện được khát vọng ô tô “made in Vietnam” thì đến nay, các tập đoàn kinh tế tư nhân là Thaco, VinFast đang biến khát vọng đó thành hiện thực.

Doanh nghiệp Việt đã có thể tự sản xuất ô tô, thậm chí, ô tô Vinfast còn xác lập 3 kỷ lục thế giới, gồm: Chỉ cần 21 tháng để hoàn tất việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất để đi vào sản xuất hàng loạt; cho ra xe mẫu chỉ sau 11 tháng từ khi khởi công nhà máy; cho ra xe thương mại sau chưa đầy 2 năm.

Bên cạnh đó, những quần thể du lịch, vui chơi giải trí do các tập đoàn kinh tế tư nhân xây dựng cũng đang góp phần khẳng định Việt Nam là địa chỉ du lịch “đáng đến” tầm cỡ quốc tế. Trên bản đồ du lịch hiện nay, những điểm đến định hình chân dung du lịch rất rõ như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc… đều có dấu ấn của các tập đoàn tư nhân Việt.

Những tập đoàn kinh tế tư nhân như Sun Group, Vingroup, FLC đã kiến tạo nên các công trình, dịch vụ, sản phẩm du lịch độc đáo và đa sắc xứng tầm quốc tế như: BaNa Hill, cầu Vàng, Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl, FLC; Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; chuỗi Carnival đường phố khắp các tỉnh thành Hà Nội, Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng… đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành du lịch Việt.

Thăng hạng vị thế quốc gia

Có thể nói, các tập đoàn kinh tế tư nhân không chỉ dẫn đầu ở các lĩnh vực hoạt động trong nước mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sun Group, Vingroup, FLC đã kiến tạo nên các công trình, dịch vụ, sản phẩm du lịch độc đáo và đa sắc xứng tầm quốc tế như: BaNa Hill, cầu Vàng.

Sun Group đã kiến tạo nên công trình du lịch độc đáo và đa sắc xứng tầm quốc tế như cầu Vàng.

Kinh tế tư nhân được coi là biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, trong tương lai, Việt Nam cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh để tiếp tục nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế 

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra không kém phần bức xúc là vẫn còn sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, phải thay đổi mạnh từ tư duy, từ quan điểm đâu là trụ cột đâu là lực lượng chủ đạo của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân Việt Nam nhờ sức sống mạnh nên vẫn phát triển được nhưng rất vất vả.

Dù bây giờ, thực lực của kinh tế tư nhân đã lớn hơn, nhưng nếu trong hơn 30 năm qua chúng ta quan tâm hơn nữa về chính sách, có môi trường kinh doanh cởi mở, không phân biệt đối xử thì kinh tế tư nhân đã tốt hơn.

“Việc được trao trọng trách giải bài toán nguồn lực đầu tư công chính là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được công nhận rõ nét”, ông Thiên bày tỏ.

Còn theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tiềm năng lớn của khu vực kinh tế tư nhân cần được khai thác có hiệu quả bằng hệ sinh thái thuận lợi với hành lang pháp lý thông thoáng.

Do đó, Chính phủ cần kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa trong việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân có điều kiện phát triển.

“Cần xây dựng cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp lớn đủ lực tham gia thì mới có thể thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân”, ông Mại nói.

Phó Vụ trưởng Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) Hoàng Trường Giang cho rằng, cần phải coi kinh tế tư nhân là thành phần chính của nền kinh tế và có chính sách ưu tiên phát triển một cách thực chất hơn nữa và cần phân cho kinh tế tư nhân những nguồn lực tích cực.

Đồng thời, giảm đóng góp kinh tế của DNNN, những gì doanh nghiệp tư nhân làm được thì DNNN nên nhường lại để doanh nghiệp tư nhân làm, để các cơ quan bộ, ngành chỉ còn phải tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn nhất quán chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động là giải pháp then chốt và bền vững”, ông Giang chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • 4.0, Chiến tranh thương mại, Dịch bệnh và định hướng cho nền kinh tế tư nhân

    4.0, Chiến tranh thương mại, Dịch bệnh và định hướng cho nền kinh tế tư nhân

    06:28, 11/02/2021

  • "Một số quy định pháp luật chưa khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành"

    11:34, 12/01/2021

  • Hỗ trợ kinh tế tư nhân và chuyển đổi số - tạo động lực phát triển

    Hỗ trợ kinh tế tư nhân và chuyển đổi số - tạo động lực phát triển

    05:18, 10/10/2020

  • TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU:

    TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: "Vết khắc thêm" vào định kiến kinh tế tư nhân

    05:40, 05/09/2020

  • Kinh tế tư nhân – “Liều thuốc” tốt cho những

    Kinh tế tư nhân – “Liều thuốc” tốt cho những "vết thương" nghìn tỷ?

    04:34, 10/04/2020

  • Vị thế kinh tế tư nhân sẽ được nâng tầm

    Vị thế kinh tế tư nhân sẽ được nâng tầm

    11:00, 08/02/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 5): Khẳng định vị thế “sếu đầu đàn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO